Phải dẹp nạn buôn bán động vật hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các tổ chức quốc tế kiến nghị Chính phủ Việt Nam đóng cửa các chợ, địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để ngăn dịch bệnh Covid-19
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng 9 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã cùng ký vào gửi bức thư ngỏ, đồng gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị chỉ đạo đóng cửa các chợ, địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp.
Phải hành động vì cộng đồng
Trong thư, các tổ chức trên cảnh báo chủng mới của virus corona được cho là lây từ động vật hoang dã sang người do tiếp xúc gần ở một chợ hải sản tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Các tài liệu khoa học chứng minh Covid-19 có nguồn gốc từ dơi và được truyền qua một vật chủ trung gian là động vật hoang dã cho con người. Các loài đóng vai trò vật chủ trung gian lây truyền dịch bệnh lần này tuy chưa được xác định chắc chắn nhưng một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc cho rằng đó có thể là tê tê. "Bất luận đó là loài cụ thể nào, vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã" - thư ngỏ nhấn mạnh.
 
Tình trạng mua bán chim diễn ra phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH
Các tổ chức trên khuyến cáo rằng bất chấp những nỗ lực cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. "Hạn chế sự tương tác giữa động vật hoang dã và con người thông qua việc thực thi pháp luật mạnh mẽ nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã và thị trường động vật hoang dã là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro trong tương lai liên quan đến truyền bệnh giữa động vật và người. Do đó, để bảo đảm an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, các tổ chức đề nghị Chính phủ Việt Nam xác định và đóng cửa các chợ, các địa điểm có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động liên quan đến tình trạng này.
Mua bán tự do vì không bị cấm
Những nội dung khuyến cáo trong thư ngỏ nói trên cho thấy nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam là một thách thức lớn, dù nhiều năm nay Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giải quyết.
Ngày 17-2, chúng tôi đến khu chợ thực phẩm Tam Nông (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Khu chợ bày bán rất nhiều loài rắn, chim, cò, gà nước, cùng các loại rùa quý hiếm như rùa vàng, rùa ba gờ, rùa đá. Một tiểu thương vô tư nói: "Các loại động vật này được những thợ săn đi bắt khắp nơi trong tỉnh và đem bỏ mối, chúng tôi bán lại cho người tiêu dùng hoặc bán lại cho chủ nhà hàng, quán nhậu... Giá bán tùy theo loại khác nhau".
 
Một con nhím sau khi chế biến thành món ăn bán cho thực khách tại một nhà hàng ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai Ảnh: HOÀNG THANH
Quan sát trong khoảng 30 phút, chúng tôi phát hiện cả chục lượt xe máy chở chim, thú rừng đến bỏ mối. Cứ thế, công việc của các tiểu thương này là phân phối "đặc sản quý hiếm, hoang dã" cho khách hàng gần xa. Họ không quan tâm việc này gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên ra sao, càng không lo lắng các loài động vật hoang dã có mang virus gây bệnh hay không.
Trên tuyến lộ giao thông đi qua địa bàn khóm 1, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau và ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), nhiều loài chim như: trích ré, cuốc... được người dân, thương lái nhốt trong các lồng sắt đặt cạnh tuyến lộ để bán cho người tiêu dùng. Khi chúng tôi hỏi việc mua bán diễn ra công khai có sợ bị xử phạt hay không, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, nói rằng không hề biết việc này là vi phạm.
Ông Lê Thanh Hiền, chuyên gia môi trường, kể lại câu chuyện trước đây, ông dẫn đoàn công tác thuộc Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) đi tham quan, khi tình cờ đến chợ nông sản Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), các thành viên trong đoàn sửng sốt khi nhìn thấy cảnh mua bán chim, cò, sếu, động vật hoang dã quý hiếm nơi đây. Theo ông Hiền, lãnh đạo một số địa phương nói rất khó giải quyết nạn mua bán này, vì chúng không nằm trong danh mục cấm buôn bán.
Muốn sóc, chồn, hươu, nai... đều có
Khác với các loài chim, đặc sản vùng sông nước ĐBSCL, tại các tỉnh Tây Nguyên, nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển thú rừng diễn biến phức tạp. Thịt thú rừng ngang nhiên được bày bán tại các địa điểm ven đường và trong các nhà hàng, quán nhậu.
Ông S. ở gần trụ sở UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là một trong những đầu nậu cung cấp nhiều thịt thú rừng nhất của huyện Kbang. Trong vai người mua hàng, chúng tôi được ông S. đưa đến một căn nhà nằm biệt lập giữa rẫy cà phê. "Chúng tôi thường gửi chim, các loại thịt rừng theo xe khách cho các nhà hàng ở thị trấn Kbang và cả TP Pleiku, tỉnh Gia Lai để bán. Muốn sóc, chồn, hươu, nai... đều có" - ông S. khoe.
Tại TP Pleiku, một số nhà hàng, quán nhậu nhiều năm nổi danh với đặc sản các loại thịt thú rừng do ông S. và những người khác cung cấp. Điển hình như nhà hàng L.T nằm tại phường Yên Thế, tuy khá xa trung tâm TP Pleiku nhưng mỗi ngày, nhất là vào cuối tuần, hàng trăm lượt khách đến đây ăn nhậu. Nhân viên quán không ngần ngại quảng cáo thịt được chế biến cho thực khách đều là thú rừng thứ thiệt.
Còn tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, chúng tôi vào một quán nhậu bề ngoài không mấy sang trọng nhưng bên trong được quảng cáo với những món nhậu đặc sản, thú rừng tươi sống. Chúng tôi đề nghị được tiếp cận khu vực nuôi nhốt nhưng họ không cho. Tuy vậy, khi chúng tôi ngỏ ý mua nhím sống thì lập tức được một nhân viên bắt ra một con nhím trên 3 kg. Nhân viên này nói loài nhím này thuộc loại quý hiếm, nếu để cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý ngay.
Khi được hỏi về việc ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang khẳng định: "Các nhà hàng trên địa bàn huyện này đều ký cam kết không buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép". Dù vậy, vị này nói thêm: "Nếu có săn bắt, mua bán thì họ lén lút trong rừng sâu, khó bắt được". 
Nên cấm vĩnh viễn
Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với việc kiến nghị đóng cửa các chợ và các địa điểm có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; các tổ chức đề nghị Chính phủ xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩm thịt hoang dã. Đồng thời, ban hành các quy định bắt buộc với tất cả nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp; xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại; cải cách thủ tục tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Tại thông cáo phát đi ngày 17-2, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng đưa ra những cảnh báo về dịch bệnh Covid-19 và việc chống săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép để ngăn chặn dịch bệnh. "Do hoạt động buôn bán này không được kiểm dịch nên nó đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người, vật nuôi và tiềm ẩn những ảnh hưởng khôn lường tới cộng đồng, kinh tế cả ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế" - WWF khuyến cáo.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, kiến nghị cần đóng cửa vĩnh viễn việc bán động vật hoang dã trái phép và tăng cường thực thi pháp luật. "Phản ứng nhanh đối với dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai" - ông Thịnh nói.

Nhóm phóng viên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.