Ông Trịnh Văn Quyết "thổi" vốn FLC để làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tăng vốn mà không cần bỏ tiền ra bằng cách tạo ra các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc… đã giúp cho ông Trịnh Văn Quyết - FLC có được cơ ngơi vốn trên 7.000 tỉ đồng mà không cần bỏ tiền vào công ty

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tiếp tục ra thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các đơn vị có liên quan.

Bộ Công an cáo buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái cùng người thân thành lập 20 công ty, dùng chứng minh thư của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán.

Hơn chục năm qua, những người đầu tư chứng khoán ít nhiều đều có hiểu biết nhất định về "tình hình tài chính" của những công ty thuộc tập đoàn FLC, nơi ông Trịnh Văn Quyết từng làm lãnh đạo.

Thị trường nói FLC là của Trịnh Văn Quyết là vì ông ta là người sáng lập từ những ngày đầu, ông Quyết và những người liên quan đã nắm một lượng cổ phần chi phối. Tuy nhiên, nhiều người luôn nghi ngờ về những số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng mà ông Trịnh Văn Quyết và những người liên quan góp vào FLC và những công ty thành viên.


 

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Đồ họa: Tấn Nguyên
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Đồ họa: Tấn Nguyên


Còn nhớ năm 2010, khi FLC tăng vốn từ 18 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng thì số vốn tăng lên này được báo cáo nộp đủ nhưng sau đó số tiền này lại được chi ra cho một công ty khác – một cổ đông lớn sở hữu 31% vốn cổ phần của FLC. Nghĩa là sau khi góp vốn vào FLC thì cổ đông này rút ra nhiều hơn thông qua bút toán (ghi nhận sổ sách) cho vay. Đồng thời, FLC còn thành lập các công ty con bằng cách bút toán đầu tư tài chính. Theo đó, tiền từ các công ty con tiếp tục được rút ra khỏi FLC. Bút toán này cho thấy toàn bộ vốn góp vào công ty con đều đã rút ra ngay sau đó.

Việc dễ dàng tăng vốn mà không cần bỏ tiền ra qua việc tạo ra các bút toán đối ứng với phần vốn góp thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc… đã giúp cho FLC có được cơ ngơi vốn trên 7.000 tỉ đồng mà không cần bỏ ra đồng nào, hoặc nếu có thì cũng không lớn như vậy.

Không dừng lại ở đó, FLC tiếp tục gia tăng quy mô tổng tài sản bằng cách "điều chuyển tiền" từ những công ty được lập mới là những công ty con, công ty liên kết, công ty góp vốn đầu tư từ "hệ sinh thái FLC" thông qua bút toán các khoản phải trả, phải trả khác, ứng tiền trước, hay vay ngắn và dài hạn… Đến nay, tổng tài sản của FLC lên trên 30.000 tỉ đồng cũng nhờ vào bút toán này.

Bằng bài học vỡ lòng từ việc lập mới công ty và tăng vốn mà không cần thiết phải có tiền đã giúp Quyết tiếp tục thổi một công ty ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros) từ vốn 1,5 tỉ đồng vào năm 2011 để đến nay tăng vốn lên trên 5.600 tỉ đồng và tổng tài sản lên tới 11.000 tỉ đồng.

Cũng với cách làm này, số vốn Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) cũng được thổi lên với quy mô 4.100 tỉ đồng và tổng tài sản là 9.100 tỉ đồng. Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) cũng được tăng vốn từ 9,9 tỉ đồng lên 1.635 tỉ đồng và giá trị tổng tài sản lên tới 2.410 tỉ đồng…. Tất cả đều không cần phải bỏ tiền góp vốn mà bằng những bút toán như trên.

Đọc báo cáo tài chính 2021 của FLCHomes chúng ta có thể hình dung một bức tranh vốn góp 4.100 tỉ đồng được dùng để lập mới công ty con 698 tỉ đồng, công ty liên kết 1.095 tỉ đồng và góp vốn 190 tỉ đồng, sau đó tiền được rút ra thông qua khoản phải thu cho FLC là 2.467 tỉ đồng. Như thế, tổng của 2 khoản mục này đã vượt quá phần số vốn góp của FLCHomes.

Tương tự, FLC có vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng nhưng dùng để góp vốn cho các công ty con lên đến 12.620 tỉ đồng vào đầu năm 2021, 5.320 tỉ đồng vào cuối năm 2021, các khoản phải thu công ty thuộc họ FLC là 1.600 tỉ đồng. Tiếp tục với công ty ROS, với vốn góp 5.600 tỉ đồng, thì khoản đầu tư thành lập công ty là 3.700 tỉ đồng, tiền được rút ra thông qua các khoản phải thu từ các công ty khác thuộc họ FLC hết 3.200 tỉ đồng.

Như vậy, với 3 công ty trên đều đi đến một kết cục là số vốn góp luôn được rút ra nhiều hơn thông qua việc lập mới công ty và cho các công ty khác mượn - tạm gọi là vốn góp mất cân đối âm. Các công ty được lập mới hoạt động như thế nào là một ẩn số vì báo cáo tài chính không công bố và không kiểm toán nhưng kết quả kinh doanh hợp nhất không có thay đổi so với công ty mẹ, tài sản cũng không tăng và thậm chí giảm do trích lập dự phòng từ đầu tư tài chính. Trích dẫn trong thuyết minh báo cáo tài chính của công ty ROS cho thấy các công ty con có tổng tài sản không thay đổi với vốn góp. Nghĩa là phần vốn góp của công ty con rồi cũng được thành lập mới công ty cháu hoặc có ai đó mượn vốn…

Kết cục của quy trình này là gì? Tạo ra các tập đoàn có vốn và tài sản hàng ngàn tỉ đồng để chứng minh năng lực tài chính, giành quyền thực hiện dự án mà các tỉnh, thành phố kêu gọi đầu tư? Hay tạo ra những đơn vị góp vốn gọi là cổ phần để bán? Dù mục tiêu là gì thì nhóm công ty trên cũng cần có tiền để thực hiện vài dự án điểm và nộp thuế. Nguồn tiền nay được lấy từ đâu?

Bằng việc tạo ra các bút toán tăng vốn, nhóm cổ đông FLC đã bán ra cổ phiếu đang sở hữu thông qua thị trường chứng khoán. Để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, cần thiết phải có nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu đó. Hơn ai hết, nhà tạo lập thị trường chính là nhóm cổ đông kiểm soát FLC.

Năm 2015, với phương pháp đầu tư dựa trên vốn hóa thị trường, quỹ đầu tư Market Vectors ETF Trust-Market Vectors-Vietnam ETF đã tự động bổ sung cổ phiếu FLC vào danh mục nắm giữ và đã mua vào trên 24,3 triệu cổ phiếu, chiếm 6,49% vốn của FLC vào thời điểm đó và giúp Trịnh Văn Quyết bán ra cổ phiếu thu về hàng trăm tỉ đồng.

Vài năm sau, tháng 11-2017, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thực hiện chuyển nhượng hơn 57 triệu cổ phiếu FLC để thu về gần 400 tỉ đồng bằng việc vi phạm quy định công bố thông tin để chịu phạt hành chính 65 triệu đồng. Đây là những giao dịch của những cổ đông lớn, người có liên quan không khai báo với thị trường được phát hiện, liệu còn bao nhiêu cổ phần khác được bán ra gián tiếp từ nhóm cổ đông này?

Như trình bày ở trên, nhóm cổ đông FLC chưa thực sự góp vốn vào công ty qua các đợt tăng vốn thần tốc, do vậy, sau khi bán ra một phần cổ phiếu sở hữu trên, các cổ đông này tiếp tục thực hiện việc góp vốn "thực" vào hệ sinh thái công ty FLC. Số tiền trên dần cũng vơi cạn theo thời gian khi phải dùng tiền để duy trì bộ máy, phải duy trì hoạt động của các công ty con đang thua lỗ như Bamboo, nộp thuế, trả lãi vay… Ông chủ Quyết đành bán tiếp 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào tháng 1-2022 mà không thông báo với thị trường và nếu thương vụ thành công sẽ huy động được trên 150 tỉ đồng.

Cùng cách làm này, nhóm cổ đông của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thổi thanh khoản vào các công ty niêm yết khác như ROS, AMD, FHH… nhằm thu hút nhà đầu tư để bán ra. Các cổ phần được bán ra gần như chưa thực sự được góp vốn như phân tích trên, là một món lời lớn bất kể giá thị trường của chúng như thế nào. Tuy nhiên, việc lập mới những công ty có số vốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mà thực hư không tồn tại khi vốn góp mất cân đối âm đã giúp cho nhóm cổ đông Quyết thực hiện việc vay nợ ngân hàng từ thế chấp các phần vốn này.

Dù có trong tay nhiều công ty vốn hàng ngàn tỉ đồng, tổng tài sản hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng nhóm công ty FLC vay tiền ngân hàng không lớn. Điều này cho thấy các ngân hàng cũng rất dè dặt trong cho vay vì tài sản thế chấp thực có không nhiều như báo cáo. Tài sản chủ yếu của các công ty họ FLC tồn tại dưới dạng sở hữu các công ty con và các khoản phải thu nên không thể dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng.

Gần đây, khi phương thức phát hành trái phiếu được nở rộ, FLC thực hiện tài trợ mạnh thông qua trái phiếu doanh nghiệp mà người mua chính là các ngân hàng (SHB, MSB, OCB, NCB) được nhắc nhiều nhất trong bản thuyết minh báo cáo tài chính của hệ sinh thái công ty thuộc họ FLC. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên 1.600 tỉ đồng của FLC liệu có được bảo đảm bằng chính các cổ phiếu sở hữu ở công ty con hay cổ phiếu được ghi sổ như trên?

Riêng các khoản vay của FLCHomes tại Sacombank (mã chứng khoán STB) có một khoản cho vay khó hiểu khi mục đích dùng để bù đắp vốn tự có đã chi. Dù rằng mục đích cho vay có một không hai này lại được đảm bảo chính từ cổ phiếu mà ông Quyết góp tại công ty Bamboo, nhưng liệu phần vốn góp này có thực sự góp hay không để cầm cố thì sau khi cơ quan điều tra lần đến thì mọi chuyện sáng tỏ.

TS Lê Đạt Chí (Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP HCM)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này