Khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu hồi năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các lĩnh vực hợp tác mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng 4 năm sau, ông đã bắt đầu nhiệm kỳ 2 bằng giọng điệu cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Chính quyền Mỹ đã thể hiện lập trường rắn với Trung Quốc về một cuộc tranh chấp lãnh thổ với láng giềng Nhật Bản ở Hoa Đông, bùng làm phát sự giận dữ từ phía Bắc Kinh ngay trước thềm lễ nhậm chức lần 2 của ông Obama.
Thay đổi trên đánh dấu một phần sự chuyển dịch từng bước trong chính sách của Obama với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida hôm 18-1, đã đưa ra một cảnh báo rằng Bắc Kinh không nên thách thức quyền kiểm soát của Tokyo tại vùng quần đảo tranh chấp Senkaku-Điếu Ngư.
Bà Clinton cho hay Mỹ phản đối “bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản” đối với quần đảo Senkaku-Điếu Ngư, sau khi các tàu và máy bay Trung Quốc liên tiếp hiện diện tại khu vực.
Đáp lại, Trung Quốc cho biết nước này “hoàn toàn không hài lòng và mạnh mẽ phản đối” các bình luận của bà Clinton. Còn hãng tin Xinhua thì nói ông Obama “đã thất bại trong việc thúc đẩy lòng tin chiến lược” giữa 2 nước trong nhiệm kỳ đầu.
Cả Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều có các bước đi nhỏ mang tính hoà giải kể từ hôm 18-1. Trung Quốc nói nước này “lạc quan thận trọng” rằng ông Obama có thể cải thiện quan hệ trong nhiệm kỳ 2.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được biết tới với các quan điểm cứng rắn, đã gửi một bức thư tay cho Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua đồng minh Natsuo Yamaguchi, người hiện đang có chuyến thăm Bắc Kinh.
Còn phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói “không có gì mới” trong các bình luận của bà Clinton.
Mỹ từng nói rằng nước này sẽ không đứng về bên nào tranh tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư dù thừa nhận quần đảo nằm dưới sự quản lý hiệu quả của Nhật Bản, do đó được bảo vệ theo một hiệp ước an ninh Mỹ.
Nhưng Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho hay bà Clinton đã đánh dấu một sự chuyển hướng khi nói rằng Mỹ phản đối các hành động của Trung Quốc, dù không nêu tên đích danh Bắc Kinh.
“Thông qua “ngoại giao thầm lặng”, Chính quyền Mỹ trong vài tháng qua đã hối thúc 2 bên kiềm chế”, bà Glaser nói.
“Chúng ta đã nhận thấy phía Nhật Bản kiềm chế tốt hơn phía Trung Quốc. Tôi nghĩ người Trung Quốc đang tận dụng mọi cách để leo thang căng thẳng và tuyên bố chủ quyền”, bà Glaser nói thêm.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính phủ tiền nhiệm của ông Abe đã quốc hữu hoá quần đảo Senkaku-Điếu Ngư. Từ đó, Trung Quốc đã điều các tàu hải giám tới khu vực và quyết thực thi chủ quyền quần đảo.
Động thái trên diễn ra khi Trung Quốc tiến hành cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo. Những người theo chu nghĩa dân tộc đã xuống đường tại các thành phố của Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái để bày tỏ sự giận dữ với Nhật Bản, một bước đi hiếm thấy tại một đất nước nơi các cuộc biểu tình thường bị cấm.
Ngoại trưởng Clinton đã đi đầu trong chiến lược của Mỹ nhằm chuyển trọng tâm sang châu Á.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2010, bà Clinton nói rằng Mỹ có “lợi ích cốt lõi” trong tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi các quốc gia cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Thượng nghị sĩ John Kerry, người được ông Obama đề cử để thay thế bà Clinton, đã dành nhiều thời gian cho Nam Á, Trung Đông và châu Phi, khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng chính sách Đông Á sẽ ngày càng được Nhà Trắng theo đuổi.
Ông Kerry sẽ đưa ra các quan điểm ngoại giao tại buổi điều trần phê chuẩn vào ngày 24-1.
Theo dantri