Ở phía mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có thói quen ngồi lặng yên trong thời khắc sau Giao thừa. Vừa là để điểm lại những việc đã làm được hay chưa hoàn thành trong năm cũ, vừa để nghĩ về những dự định mà mình sẽ thực hiện trong năm mới. Buổi sớm đầu xuân bao giờ cũng gợi ra trong lòng tôi rất nhiều điều, có lẽ vì vậy, tôi luôn chuẩn bị một tâm thái thật tĩnh lặng trước mùa xuân mới chỉ vừa chớm đến.
Đã gần 30 năm thức dậy và lặng lẽ cảm nhận những buổi sớm chớm xuân, lần đầu tiên tôi gặp một sớm mùa xuân dùng dằng sương mù trên đất Tây Nguyên này. Có lẽ bởi cơn mưa nhỏ vào ngày cuối cùng của năm cũ trong cái rét ngọt tựa mưa xuân xứ Bắc. Tây Nguyên được biết đến là miền đất của nắng, của gió. Ở đây, nắng mưa phân kỳ rõ rệt nên giữa mùa khô mà mưa đổ xuống là một hiện tượng lạ.
Mùa xuân năm nay, đất nước cũng đón một cái Tết “lạ”. Những ngày cuối năm, dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến nhiều người, nhiều gia đình phải thay đổi kế hoạch đón Tết để thích nghi với hoàn cảnh mới. Tết đoàn viên, với rất nhiều người, phải chuyển thành Tết an toàn. Nhiều thói quen trong ngày Tết đã thực sự thay đổi. Nhiều người chọn cách chúc Tết qua điện thoại, tin nhắn, không đến những chỗ đông người. Muôn hình muôn vẻ của một cái Tết thật đặc biệt được gửi đến nhau bằng hình ảnh.
Đường phố sớm chớm xuân vắng vẻ. Tôi rất thích những buổi sớm đầu năm như thế này. Nhìn mọi người, ai cũng thảnh thơi và ăn mặc thật chỉn chu, tươm tất. Những nhà có người thân đã mất thì việc đầu tiên của ngày đầu năm mới là đến thắp hương cho họ ở nghĩa trang, sau đó đi lễ chùa.
Người Việt sống theo một triết lý giản dị mà sâu sắc, đó là “lá rụng về cội”. Đi đâu, làm gì, dù giàu sang hay nghèo khó thì ngày cuối năm cũng soạn bữa cơm tươm tất để mời người đã khuất về ăn Tết, cũng là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Và quanh năm bôn ba ngang dọc, dù ở bất cứ nơi nào thì những ngày Tết, người Việt cũng hướng về quê hương bản quán, nơi có những bữa cơm ấm áp sum vầy như vậy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nhìn những cụ bà với áo lam, áo gụ đi lễ chùa, tôi lại nhớ bà nội. Thuở còn bé tí, tôi đã được theo bà đi lễ chùa vào những ngày đầu năm. Bà lưng còng tóc bạc, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Bà nắm tay tôi đi trên con đường xanh mướt màu cỏ non và lắc rắc mưa xuân để bước đến một thế giới với đứa trẻ như tôi còn nhiều lạ lẫm.
Bà tôi giờ thành người thiên cổ, giàn trầu không vẫn vấn vít bên thân cau đang trổ những bẹ hoa ngát thơm trong một sớm chớm xuân. Bố tôi chọn những lá trầu và những quả cau đẹp nhất đặt bên mâm ngũ quả ngày Tết. Không biết bà tôi có về ăn Tết với chúng tôi thật không, nhưng từ một miền tâm linh, tôi cũng giống như bất cứ một người Việt nào, luôn tin rằng những người đã khuất, họ chỉ đi đến một thế giới khác thôi, chứ không rời bỏ người thân của mình.
Tôi đi dọc con đường ngoại ô. Cây pơ lang cổ thụ mùa xuân nào cũng trổ những đóa hoa đỏ rực vươn lên giữa nắng trời cao nguyên xanh trong vời vợi. Những cây mai vàng được mang về từ núi, trồng xuống trước sân nhà cũng rực rỡ những hoa. Trên những triền đồi, sắc trắng của hoa cà phê phủ lên màu đất bazan hứa hẹn một mùa vụ ngọt lành. Chồi non lộc biếc cũng như bừng thức để hòa vào sắc xuân tươi thắm.
Mùa xuân thường khởi đầu cho những ước mong tốt đẹp. Trong những ngày đầu xuân này, có lẽ điều mà mọi người mong đợi nhất là thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh, để mỗi người có thể quay trở lại với công việc, với những nếp sinh hoạt bình dị mà vì dịch bệnh, đang tạm phải thay đổi.
Một cái Tết đáng nhớ với biết bao người, trong đó có tôi. Dẫu không thể trở về quê hương, không được sum vầy bên mâm cơm đoàn viên ấm áp, nhưng lòng mỗi người đều hướng về nhau, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi mùa xuân đến. Thời gian vẫn tiến về phía trước, hoa vẫn nở, nắng vẫn rực rỡ, mùa xuân vẫn dâng tràn trên vạn vật. Vậy nên tôi luôn tin vào những tươi sáng đang đón đợi ở phía mùa xuân.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.