Núi rừng Tây Bắc qua 4 mùa hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có lẽ thiên nhiên rất ưu ái cho đất trời Tây Bắc khi hội tụ những mùa hoa đẹp nhất tại đây. Trải qua 4 mùa trong năm, Tây Bắc lại mang theo những mùa hoa rất riêng biệt.

Chưa bao giờ Tây Bắc không thôi quyến rũ du khách, đặc biệt những người yêu thiên nhiên bằng khung cảnh hùng vĩ với cảnh sắc đến mê hồn. Có khi nào thiên nhiên quá ưu ái cho đất trời Tây Bắc khi những mùa hoa đẹp nhất đều hội tụ ở nơi này. Nhắc đến những cánh đồng hay sườn đồi trải đầy hoa lá, người ta sẽ không thôi nhớ về mảnh đất vùng cao ấy.

Trải qua 4 mùa trong năm, Tây Bắc mang theo những mùa hoa của riêng mình.

Xuân của mơ mận trắng, đào hồng tươi

 

 Mùa của hoa mơ hoa mận nở trắng rừng
Mùa của hoa mơ hoa mận nở trắng rừng


Mùa của hoa mơ, hoa mận, hay những cành đào phai đã trở thành thương hiệu riêng của vùng núi miền bắc. Khi đất trời chuyến xuân, khắp núi rừng đồi nương là sắc đào phai phơn phớt dưới nắng.

 

Hoa đào vùng cao
Hoa đào vùng cao
Ban trắng như nét đẹp dịu dàng duyên ngầm của người thiếu nữ
Ban trắng như nét đẹp dịu dàng duyên ngầm của người thiếu nữ


Chuyến phượt từ Yên Bái tới Lào Cai, du khách sẽ nhận thấy những thảm hồng, trắng xen kẽ mềm mại giữa đất trời. Vạn vật bừng tỉnh sau ngày đông tháng giá. Lẫn trong nét hoang sơ là sự lãng mạn của đất trời với màu hoa khoe sắc. Độ tháng 2 âm lịch hàng năm, tiết trời ấm hơn cũng là lúc hoa ban đua nở. Loài hoa muôn màu sắc từ trắng, đỏ đến tím, nhưng có lẽ thanh khiết và nổi bật nhất vẫn là ban trắng. Đừng quên chiêm ngưỡng sắc hoa của núi rừng với những cánh đồng hoa nở rộ ở Điện Biên hay Sơn La.

Đỗ quyên gọi hạ về

Giữa núi rừng đại ngàn, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn là nơi được mệnh danh “vương quốc hoa đỗ quyên”. Có những cây hoa đỗ quyên nở gần như quanh năm, nhưng nhiều loài nở đẹp nhất lại vào dịp cuối xuân đầu hè. Tháng 4 hàng năm, khi tiết trời khô ráo cho chuyến chu du khám phá Tây Bắc, cũng là lúc loài hoa này rực rỡ cùng đất trời.


 

Đỗ quyên gọi hè về
Đỗ quyên gọi hè về



Hoa đỗ quyên ở Hoàng Liên Sơn khá đa dạng cả về màu sắc và kích thước. Trong đó gồm những màu chủ đạo như vàng, trắng, đỏ, hồng hay tím. Giữa những cung đường hiểm trở, dường như nét mềm mại cùng sự rực rỡ của màu hoa làm giảm đi cái mệt nhọc, tăng nguồn cảm xúc dạt dào trong suốt hành trình chinh phục. Những người yêu mảnh đất vùng cao chắc chắn không thể bỏ lỡ chuyến đi Tây Bắc để chiêm ngưỡng nét duyên thầm của loài hoa giữa đại ngàn.

Tam giác mạch chào thu

Cuối tháng 10 đầu tháng 11, trong cái nắng hanh hao của mùa thu, cũng là thời điểm tam giác mạch nở rộ. loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo vốn được trồng làm cây thực phẩm giống như ngũ cốc, nhưng còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt với hình tượng hoa nở trên đá.


 

 



Nơi rẻo cao Hà Giang, mùa hoa kéo dài từ tháng 10 tới tháng 12, vẫy gọi du khách về với vùng đất địa đầu Tổ quốc. Loài hoa nở vào độ tháng 10 thường có màu hồng, trong khi đó, cùng giống hoa nhưng vào tháng đầu năm lại nhỏ và mang màu trắng tinh khôi. Trên đường tới cao nguyên đá Đông Văn, dọc theo quốc lộ 4C, hoa ngập tràn bên thung lũng Pải Lủng, Sủng Là. Giữa bốn bề núi đá là những thảm hoa mềm mại, tinh khôi, mang sức sống bất diệt.

Mùa đông của mùa cải trắng

Sau hành trình rong ruổi tam giác mạnh, đến cuối tháng 11, hãy về với cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, để ngắm những cánh đồng cải trắng mùa đông. Khi ấy, cơn gió lạnh của phương Bắc ùa về, cũng là lúc Mộc Châu đổi màu áo mới với vẻ giản dị mộc mạc của hoa cải.


 

 



Một trong những điểm ngắm hoa lý tưởng đó là khu vực sau rừng thông bảng Áng, bản Ba Phách 1, 2, 3 hay khu vực Ngũ Động Bản Ôn. Hàng chục ha cải trắng trải dài ngút ngàn như không có điểm dừng, kéo dài mãi tới chân trời phía xa.

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.