Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khép lại 1 năm phục hồi sau đại dịch, nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái khá nhiều thành công với những con số đẹp được thống kê trên hầu khắp các lĩnh vực, từ lúa gạo, trái cây đến thủy hải sản đánh bắt, nuôi trồng… Từ thỏa mãn mục tiêu giữ vững an ninh lương thực quốc gia đến đảm bảo an sinh xã hội và xuất khẩu, nông nghiệp tiếp tục khẳng định được sứ mệnh trụ đỡ của nền kinh tế.
Tại cuộc họp tổng kết của Bộ Công thương mới đây, con số hơn 730 tỷ USD kim ngạch xuất-nhập khẩu trong năm 2022 tiếp tục được ghi nhận như một thành tích đáng tự hào của nền kinh tế. Tuy tốc độ tăng trưởng không có gì đột biến (10%), nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phủ một màu ảm đạm lên khắp thế giới, tác động sâu rộng và nghiệt ngã đến đời sống của mỗi người, mỗi nhà, làm chậm lại tốc độ phát triển của tất cả các quốc gia, mỗi con số thống kê tăng trưởng, từng mục tiêu đạt được của ngành nông nghiệp nước nhà trên hành trình chuyển đổi tư duy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đều rất đáng trân trọng.
Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hơn 371 tỷ USD (tăng khoảng 10,5%), hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch là tăng 8%) có con số 54 tỷ USD xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Qua đó, tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp năm nay đạt trên 3%, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Gạo, đồ gỗ, lâm sản chế biến, thủy sản, trái cây tiếp tục là thế mạnh xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là năm nay, nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường đông dân, khó tính, mở hướng phát triển mạnh cho ngành hàng trái cây Việt Nam.
Phía sau mỗi con số tăng trưởng là công sức của cả bộ máy điều hành. Phía sau thành tích xuất khẩu là sự linh hoạt sáng tạo trong công tác quản lý chuyên ngành, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Sức mạnh xã hội được khơi thông, đồng hành với bộ máy quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu làm quen với những cách tiếp cận mới, những giá trị mới như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số… Khó khăn không khuất phục, doanh nghiệp Việt luôn sẵn sàng tâm thế vượt lên, kết nối cùng nhau mở rộng thị trường, dù là thị trường khó tính nhất.
Nhiều mô hình sản xuất “thuận thiên” theo hướng đa canh, luân canh, xen canh, chú trọng chất lượng và giá trị hàng hóa; nhiều hợp tác xã kiểu mới do nông dân thành lập để giúp nhau vốn liếng, kỹ thuật canh tác; kinh tế tập thể với nhiều cách làm sáng tạo; nhiều chuyên gia tâm huyết, nhiều nhóm sáng kiến cộng đồng âm thầm đóng góp cho ngành nông nghiệp, cho nông dân theo cách riêng của mình đã từng bước hình thành đội ngũ nông dân Việt Nam chuyên nghiệp, thông minh, sẵn sàng thích ứng, năng động và sản xuất hiệu quả hơn.
Một nền nông nghiệp minh bạch theo cam kết quốc tế là cách để chúng ta tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho nông sản Việt khi ra thị trường thế giới. Các thành tựu khoa học nông nghiệp cần phải đến được với nông dân, phải được thị trường hóa để giúp gia tăng giá trị nông sản. Tri thức phải được bao phủ lên đồng ruộng để người sản xuất ít chi phí mà kết quả thu lại cao hơn, ít tác động đến môi trường hơn.
Việt Nam đang trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của nông nghiệp. Chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường khiến xu thế tiêu dùng thay đổi. “Kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” không còn là xu hướng mà là cam kết trên bình diện toàn cầu, sẽ tác động đến cách thức tiếp cận mới cho nông nghiệp truyền thống.
Tận dụng lợi thế tự nhiên, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kết hợp hài hòa giữa tập quán, văn hóa canh tác bản địa với những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh sang nông nghiệp số, mở ra cơ hội tiếp cận mới cho nông sản là cách để nông nghiệp Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới. Những hợp đồng xuất khẩu cả chục ngàn tấn sầu riêng, những chuyến hàng chuối, mít, chanh dây, cam, bưởi, cà phê, cao su, hồ tiêu… của nông dân Việt Nam đang xuống tàu ra biển lớn ngày càng nhiều, tiếp cận càng gần hơn với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới, nhất là những thị trường tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…đang là lối ra đầy hứa hẹn cho nông nghiệp Tây Nguyên-vùng bazan trù phú nhất nước phát huy thế mạnh, đóng góp xứng đáng cho tương lai mạnh giàu của quê hương đất nước.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.