Chanh dây Gia Lai: Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022, ngành sản xuất, chế biến chanh dây ở Gia Lai đã có những bứt phá ngoạn mục cả về năng suất, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp lớn vào cuộc
Tháng 5-2021, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với quy mô 12.000 m2 nhà màng tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Đến cuối năm 2021, Trung tâm đi vào hoạt động với công suất 5 triệu cây giống/năm. Tháng 12-2022, giai đoạn 2 cũng hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng quy mô diện tích nhà màng lên 30.000 m2. Từ đây, giống chanh dây chất lượng cao có mặt ở hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên. Hiện tại, Trung tâm cung ứng ra thị trường 11 triệu cây giống chanh dây/năm. Giai đoạn 3 của dự án được khởi công tháng 10-2022, nâng tổng diện tích nhà màng và các khu chức năng liên quan lên gần 60.000 m2. Dự kiến tháng 3-2023, Công ty sẽ đưa vào vận hành với công suất khoảng 16 triệu cây giống/năm.
Ông Lê Văn Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ-cho biết: Trung tâm đã ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại được chuyển giao từ Đài Loan. Diện tích của Trung tâm ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu giống chanh dây chất lượng cao sang Lào, Trung Quốc.
Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Ngọc Sang
Vườn ươm cây giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Ngọc Sang
Đưa vào hoạt động đầu năm 2022, Nhà máy chế biến trái cây (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) thuộc Công ty TNHH Quicornac đã tiêu thụ hàng trăm tấn chanh dây cho người dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Công ty đã xuất khẩu trên 100 container chanh dây sang thị trường châu Âu và Mỹ với kim ngạch trên 20 triệu USD. Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Bình quân mỗi tháng, các hợp tác xã ở Gia Lai cung cấp cho Công ty khoảng 600 tấn chanh dây. Sản lượng này mới chỉ đáp ứng một phần công suất chế biến của nhà máy là 150 tấn/ngày và có thể nâng lên 300 tấn/ngày. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với các hợp tác xã trong tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Xuân (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Trong 2 năm trở lại đây, giá chanh dây luôn ở mức cao và ổn định. Gia đình tôi có 3 ha chanh dây, năng suất bình quân khoảng 45-50 tấn/ha. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia chuỗi liên kết với Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông nên được Công ty TNHH Quicornac bao tiêu sản phẩm”.  
Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai liên kết với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác và 1.075 hộ nông dân trồng hàng ngàn héc ta chanh dây trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố. Năm 2022, Công ty đã thu mua 35 ngàn tấn quả chanh dây với giá tăng 50-60% so với năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của Công ty mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu thị trường thế giới đang có xu hướng tăng mạnh. Sản lượng, doanh thu từ xuất khẩu chanh dây của đơn vị trong năm 2022 tăng 125%. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 137%.
Nhận định về thị trường chanh dây trong năm 2023, ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho rằng: Các sản phẩm chế biến từ chanh dây rất có tiềm năng phát triển. Do vậy, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích tự trồng, liên kết với hợp tác xã cung cấp cây giống và thu mua chanh dây nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Công ty duy trì và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hướng đến 20 ngàn ha chanh dây vào năm 2025
Toàn tỉnh có hơn 29.016 ha cây ăn quả, riêng chanh dây khoảng 4 ngàn ha đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 40 tấn/ha, sản lượng mỗi năm khoảng 160 ngàn tấn. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận 350-400 triệu đồng/ha/năm, đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân. Do vậy, chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và Quyết định số 107/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, diện tích chanh dây được quy hoạch đến năm 2025 là khoảng 20 ngàn ha và đến năm 2030 khoảng 25-30 ngàn ha.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến rau quả (DOVECO Gia Lai). Ảnh: Ngọc Sang
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến rau quả (DOVECO Gia Lai). Ảnh: Hà Phương

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm xuất khẩu đa dạng như: chanh dây quả, dịch chanh dây cấp đông, nước ép chanh dây, hoa quả đông lạnh (chuối, xoài, dứa, thanh long, bắp ngọt...). Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung quốc. 

Theo đó, tỉnh đã có chủ trương chuyển các diện tích mì, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Bởi Gia Lai hội đủ các yếu tố khi có những nhà máy đi đầu trong chế biến cũng như xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai và Công ty TNHH Quicornac là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm chanh dây đã xây dựng nhà máy tại Gia Lai. Hiện 2 công ty này sản xuất trên 130 ngàn tấn sản phẩm/năm và đang có kế hoạch nâng công suất chế biến lên khoảng 300 ngàn tấn/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những doanh nghiệp sản xuất giống chanh dây công nghệ cao.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Mục tiêu mở rộng diện tích lên 20 ngàn ha chanh dây đến năm 2025 hoàn toàn dựa trên những cơ sở khoa học và tiềm năng sẵn có của tỉnh như đất đai màu mỡ và rộng lớn, khí hậu phù hợp, nông dân đã làm quen với các kỹ thuật canh tác chanh dây. Đặc biệt, năm 2022, Sở đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh dây giai đoạn 2022-2025. “Tuy nhiên, để cây chanh dây phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như xây dựng mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở. Đặc biệt, chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, phải trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ các nhà máy chế biến”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
NGỌC SANG - HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.