NÓI THẲNG: Không được “lùa du khách vào đường thu phí”!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

An Giang cần rà soát và điều chỉnh toàn bộ các chính sách thu phí hiện hành, đảm bảo sự minh bạch, công bằng và đúng mục tiêu phục vụ cộng đồng.

Việc đặt chốt chặn ô tô để yêu cầu rẽ vào trạm thu phí dẫn vào Khu Du lịch quốc gia Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang gây bức xúc nhiều năm qua, vừa được tháo dỡ sau khi có chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương.

"Rào cản" phát triển du lịch

Không phải đến bây giờ, người dân và du khách mới lên tiếng về bất cập từ các trạm thu phí đặt ngay trên tuyến đường hành hương đến Khu Di tích Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là điểm du lịch nổi tiếng cả nước, gắn với lễ hội được quốc tế công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một trong những địa điểm linh thiêng ở miền Tây Nam Bộ.

lua-du-khach.jpg
Chốt chặn ô tô để yêu cầu rẽ vào lối thu phí từng khiến rất nhiều du khách bức xúc mỗi khi đến Miều Bà Chúa xứ Núi Sam.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm tại TP Châu Đốc, tạo ra không ít phiền hà, thậm chí khiến nhiều người ngại quay lại vì cảm giác bị tận thu giữa chốn tâm linh. Không chỉ du khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi các tour hành hương bị đội chi phí, mất thiện cảm từ khách.

Việc đặt trạm thu phí ngay lối dẫn vào khu vực lễ hội không chỉ là một biểu hiện sai trong cách vận hành mô hình du lịch công – tư, mà còn phản ánh tư duy tận dụng di sản để kiếm lợi ngắn hạn, thay vì đầu tư vào giá trị dài lâu.

Điều đáng nói là không ít người dân địa phương cũng bị "đối xử" như khách vãng lai ngay trên chính mảnh đất của họ. Những tuyến đường vốn phục vụ nhu cầu dân sinh bị biến thành "đường chuyên dụng du lịch", dẫn đến mâu thuẫn giữa quyền lợi cộng đồng và mục tiêu tài chính của đơn vị khai thác.

Rõ ràng, nếu coi mỗi địa phương là một mắt xích trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, thì cách làm như vậy không những sai lệch về tư duy phát triển mà còn tạo tiền lệ xấu. Châu Đốc đáng ra phải là hình mẫu của du lịch văn hóa – tâm linh miền Tây Nam Bộ, thì lại trở thành "điểm nóng" vì một rào chắn thu phí.

Nhiều nguyên nhân trong số này là hệ quả của cách làm "thương mại hóa di sản" và tài nguyên du lịch bằng cách "móc túi" du khách nhất thời. Thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, địa phương đã tìm cách "móc bóp" du khách bằng mọi cách theo kiểu tận thu.

Kiến tạo du lịch bền vững

Làm gì để du lịch thoát tình trạng "ăn xổi, ở thì, tận thu"? Theo tôi, là bài toán phải giải quyết từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người làm du lịch. Bài học từ Châu Đốc không chỉ nằm ở sự tháo dỡ một chốt chặn hay một trạm thu phí, mà là lời nhắc nhở về cách quản lý di sản, phát triển du lịch trong thời đại mới, nơi trải nghiệm và niềm tin của du khách là tài sản quý hơn bất cứ khoản thu nào.

Trong khi Châu Đốc vướng vào câu chuyện "chốt chặn" thì Hội An (Quảng Nam) lại được du khách thích thú hơn nhờ cách tiếp cận hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tại đây, vé tham quan chỉ áp dụng với các điểm di tích cụ thể, còn không gian phố cổ vẫn mở, không rào chắn, không phiền hà. Nhờ đó, Hội An giữ chân du khách bằng giá trị di sản sống động, chứ không bằng trạm kiểm soát.

Đà Lạt (Lâm Đồng) sau những lời kêu ca cũng đang từng bước kiềm chế tốc độ đô thị hóa du lịch, hướng về phát triển sinh thái và giữ gìn bản sắc. Ở Kyoto (Nhật Bản) hay Bruxelles (Vương quốc Bỉ) là những ví dụ điển hình của việc giới hạn du khách, giãn dòng khách ra các khu vực khác, giảm áp lực lên di tích để tăng giá trị trải nghiệm.

Chuỗi giá trị du lịch không nên "gói" trong không gian hành chính của một địa phương. Liên kết vùng, chia sẻ lợi ích cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Mục tiêu của việc này là hướng tới đa dạng hóa sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, giữ chân khách qua lại giữa nhiều điểm đến khác nhau mà trước tiên là sự tôn trọng du khách và người dân.

Để không tái diễn "rào cản du lịch" như ở Châu Đốc, tỉnh An Giang cần cách làm mới, lấy chất lượng thay vì số lượng, lấy sự hài lòng của người dân và du khách làm thước đo. Trước hết, tỉnh An Giang cần rà soát và điều chỉnh toàn bộ các chính sách thu phí hiện hành, đảm bảo sự minh bạch, công bằng và đúng mục tiêu phục vụ cộng đồng, chứ không vì lợi ích cục bộ.

Song song đó là đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không chỉ để phục vụ du khách mà còn nâng cao điều kiện sống cho người dân địa phương. Một khu du lịch có thể thu phí – nhưng phải để du khách thấy rõ được họ nhận lại gì từ khoản chi đó.

2luadukhach.jpg
Trước khi chốt chặn được tháo dỡ, tất cả ô tô muốn đi thẳng đường Tân Lộ Kiều Lương hay vào đường Châu Thị Tế, cổng sau miếu Bà Chúa xứ Núi Sam đều phải rẽ trái để mua vé tham quan thì mới được đi vào.

Việc phát triển du lịch không thể tách rời cộng đồng. Chính người dân địa phương mới là chủ thể giữ gìn bản sắc, truyền tải câu chuyện văn hóa, tạo nên sự gắn kết và lòng mến khách. Khi người dân cảm thấy bị "gạt ra ngoài cuộc chơi", du lịch khó mà bền vững. Họ cần được tham gia, được chia sẻ lợi ích, được xem là một phần không thể thiếu trong quá trình vận hành ngành kinh tế không khói này.

Cuối cùng, An Giang cần mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng mô hình quản lý du lịch hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện. Mỗi địa phương đều có quyền sáng tạo ra mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể, nhưng sáng tạo không đồng nghĩa với "lập trạm để thu", với rào chắn để kiểm soát.

Không ai phản đối chuyện cần nguồn lực để bảo tồn di tích, phát triển hạ tầng du lịch. Nhưng nguồn lực ấy không thể đến từ những chốt chặn tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu minh bạch và xa rời cảm xúc của người dân. "Lùa dân vào đường thu phí" không chỉ là một hành động kỹ thuật, mà còn là biểu hiện của tư duy quản lý cũ kỹ, cần được thay thế bằng một tư duy mới – tư duy kiến tạo và phục vụ.

Khi người dân và du khách được tôn trọng, khi di sản được bảo tồn bằng sự nhân văn thay vì rào chắn, lúc đó du lịch Việt Nam mới thật sự có cơ hội để vươn xa, bền vững và được lòng người.

Hơn 200 năm hình thành

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh nổi tiếng, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2000. Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia. Năm 2024, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công nhận Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với lịch sử hơn 200 năm hình thành, ngôi miếu miền biên giới Tây Nam này gắn liền với nhiều giai thoại và truyền thuyết thời khai hoang, mở đất, đào kinh Vĩnh Tế của vị quan triều Nguyễn rất được lòng dân là ông Thoại Ngọc Hầu và vợ là bà Châu Thị Tế. Miếu Bà Chúa xứ nằm trong vùng Thất Sơn – Bảy Núi với nhiều điều huyền hoặc và kỳ bí, lời đồn đại khiến mọi người hiếu kỳ muốn tìm đến.

TS. TRẦN HỮU HIỆP (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

(GLO)- Có những lời xin lỗi khiến người ta cảm động, song cũng có những lời xin lỗi mãi mãi không nhận được sự chia sẻ. Trường hợp của MC Bích Hồng-gương mặt từng quen thuộc trên sóng SCTV-là một ví dụ rõ ràng. Lời xin lỗi cô đưa ra không mang lại cảm thông mà chỉ khoét sâu thêm nỗi thất vọng.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn. 

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Chứng khoán lạnh và nóng

Chứng khoán lạnh và nóng

Lên cao vút, xuống mất hút; lúc lên thì không ai bán, lúc xuống lại chẳng ai mua... là tình trạng thị trường chứng khoán trong nước mấy phiên vừa qua. Chuyện này cũng chẳng có gì mới nhưng chỉ lúc xong rồi, rất nhiều người mới nhận ra mình đã phản ứng "quá nóng" ở thời điểm cần có một cái đầu lạnh.