Nơi sông Hồng chảy vào đất Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấy là tôi muốn nói đến Lào Cai, trong chuyến công tác các tỉnh phía Bắc vào trung tuần tháng 11-2012, chúng tôi ngược lên đây và tỉnh vùng Tây Bắc này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Mới đây thêm một niềm vui nữa khi ngày 7-12-2012 Thủ tướng Chính phủ ký văn bản số 2074/TTg-KTTH phê duyệt đề án rà soát xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu địa phương để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2013-2015.

Cửa khẩu Lào Cai là một trong 8 cửa khẩu quốc tế trên địa bàn cả nước được đầu tư trong giai đoạn nêu trên (đó là các cửa khẩu: Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai tỉnh Lào Cai, Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh, Lao Bảo tỉnh Quảng Trị, Bờ Y tỉnh Kon Tum, Mộc Bài tỉnh Tây Ninh và An Giang tỉnh An Giang). Với lợi thế sẵn có, đây thực sự là một cú huých quan trọng để Lào Cai tiếp tục vươn lên khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế chung cả nước.

 

Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong

Thành phố tỉnh lỵ Lào Cai cách thủ đô Hà Nội 345 km đường bộ, ngoài ra còn có tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai 296 km nối thành phố Lào Cai với thành phố Côn Minh, Trung Quốc. Lào Cai tiếp giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và đây cũng là nơi dòng sông Hồng chảy vào nước ta. Năm 2011 và 2012 Lào Cai thu ngân sách trên 3.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 1.550 triệu USD.

Với lợi thế về khoáng sản, trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nổi tiếng như Công ty Apatit Việt Nam, Công ty Tuyển đồng Sín Quyền, Công ty Khoáng sản Luyện kim Việt-Trung… Đặc biệt Lào Cai có thế mạnh vượt trội về ngành công nghiệp không khói với các tuyến điểm du lịch nổi tiếng trong và cả ngoài nước như: Sa Pa, Phanxipăng, Bắc Hà… cùng các “đặc sản”: đua ngựa Bắc Hà, chợ tình Sa Pa, leo núi chinh phục “nóc nhà Đông Dương” Phanxipăng, hang động Tả Phìn, Cầu Mây, thung lũng Mường Hoa, đèo Ô Quý Hồ…

Chỉ riêng huyện Sa Pa đã có đến 268 cơ sở du lịch với 2.228 phòng nghỉ, trong đó có 600 phòng đạt tiêu chuẩn 1 sao trở lên. Thiên nhiên còn ưu ái cho Lào Cai khí hậu mát mẻ quanh năm thành những vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như: mận Bắc Hà, cá tầm (Nga), cá hồi (Phần Lan), cây dược liệu (Giảo cổ lam, táo Mèo) các loại rau ôn đới.

Lợi thế là vậy tuy nhiên do nằm sát biên giới phía Bắc nên Lào Cai cũng hứng chịu nhiều luồng “gió độc” thổi sang. So với nhiều cửa khẩu quốc tế trong cả nước, có lẽ cửa khẩu Lào Cai là đặc biệt nhất bởi tại thành phố Lào Cai chỉ cần đi bộ vài trăm mét trên cây cầu bắc qua sông Nậm Thi là đã đến thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc. Đây là nơi tập trung hàng hóa các loại từ Trung Quốc ồ ạt nhập sang nước ta, chưa kể nhập lậu bằng thuyền qua sông Nậm Thi và sông Hồng.

Không chỉ trung chuyển hàng hóa, Hà Khẩu còn có nhiều sòng bạc, ổ mại dâm và trăm thứ lổn ngổn khác của tầng đáy xã hội. Thủ tục ở đây khá rườm rà không giống ai: tôi phải sang bằng giấy thông hành nhờ đồng nghiệp Báo Lào Cai giúp bởi theo quy định nếu đi bằng hộ chiếu thì phải theo đoàn du lịch. Và nữa, tấm bản quy định dịch từ chữ Hán sang chữ Việt bên Cửa khẩu Hà Khẩu đầy lỗi chính tả rất ngô nghê.

Người ta thường nói đến Lào Cai mà chưa lên Sa Pa thì coi như chưa đến. Thị trấn vùng cao này quả không hổ danh là một trong các điểm du lịch nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á. Cách thành phố Lào Cai 38 km, Sa Pa nằm ở độ cao 1.600 mét so với mặt nước biển, khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, quanh năm mát mẻ. Con đường đèo lên Sa Pa ngoằn ngoèo uốn lượn quanh các sườn đồi cho du khách thỏa thích ngắm ruộng bậc thang của vùng Tây Bắc. Đẹp nhất là vào mùa lúa chín, nhìn từ xa các thửa ruộng như vẽ lên nền đồi xanh những đợt sóng vàng óng nối tiếp nhau.

Sa Pa, từ đầu thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng tại đây nhiều ngôi biệt thự, nhà nghỉ giữa rừng đào và samu như một đô thị châu Âu. Ngôi nhà thờ bằng đá gần trăm tuổi nằm ở trung tâm thị trấn là kiến trúc cổ còn nguyên vẹn và cũng là điểm nhấn của Sa Pa, đứng bất kỳ đâu cũng có thể nhìn thấy tháp chuông. Khoảng đất rộng phía trước trồng cây samu bao quanh luôn được tổ chức các phiên “chợ tình” vào tối thứ bảy hàng tuần và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, dịch vụ của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Tày…

Trong chợ và trên phố du khách có thể mua các loại hàng hóa đặc sản, đồ lưu niệm của Sa Pa như khèn, vòng bạc, hoa tai, túi thổ cẩm… nhất là các loại dược liệu quý như Atiso, táo Mèo, chè Giảo cổ lam…

Tôi chưa may mắn được ngắm cảnh tuyết rơi Sa Pa nhưng chỉ ở lại đây một đêm thôi cũng đã làm tôi cực kỳ thích thú. Mặc áo ấm dạo phố trong cái lành lạnh của trời đêm vùng cao; ánh đèn lung linh, huyền ảo trong sương mù; những con phố Cầu Mây, Thác Bạc tuy nhỏ nhưng sâu và các ngôi nhà trên phố mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Thú vị nhất là ngồi quanh bếp than hồng nhấm nháp, thưởng thức các món nướng ở Sa Pa vào đêm: bắp nướng, khoai nướng, cà tím nướng, đậu nướng, cá nướng, thịt nướng và cả… trứng gà… cũng nướng. Các bé gái dân tộc thiểu số co ro đi từng tốp vài ba em rao bán đồ lưu niệm cho du khách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp...

Tuy đã đi nhiều nơi nhưng thị trấn nhỏ này để lại trong tôi ấn tượng đẹp, không chỉ là vẻ đẹp mê hồn của một Sa Pa về đêm mà còn là tình cảm các bạn đồng nghiệp ở Báo Lào Cai dành cho chúng tôi: can rượu gạo đưa lên từ thành phố đãi bạn, miếng thịt heo cắp nách ngọt lịm, nồi lẫu cá tầm nấu măng chua thêm đọt su su non xanh mướt và ngồng cải; sự ân cần của những người làm báo Đảng ở Tây Bắc đối với người Tây Nguyên…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.