Nỗi niềm sơn nữ: Lối mòn ở buôn làng vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những năm gần đây, khi công nghệ cùng theo nó là mạng xã hội khi tràn về buôn làng khiến nhiều thiếu nữ náo nức hơn trong ý tưởng tự tạo cuộc hành trình tìm miền đất hứa. Những hình ảnh trên thế giới ảo vẫy gọi họ đổi đời với khát khao thoát khỏi nương rẫy và hủ tục dựng vợ, gả chồng…
Vườn cà phê bạt ngàn của gia đình chị Khe
Vườn cà phê bạt ngàn của gia đình chị Khe
Tan hoang giấc mộng
Trong buổi sớm mai, những vạt nắng đầu ngày soi chiếu buôn làng Ê Đê nằm yên bình bên dòng hồ Ea Kao. Ngôi nhà của chị H’H (sinh 1984, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) người vừa trở về từ xứ người cách đây mấy tháng khép cửa im ắng.
Nhờ già làng dẫn đi, sau nhiều lần thuyết phục, người phụ nữ này mới đồng ý gặp. Chị dè dặt chia sẻ: Đầu năm 2018 chị đi làm công nhân cho một xí nghiệp ở tỉnh Long An. Một lần lướt facebook, chị thấy tài khoản Xuan Tien đăng thông tin tuyển nhân viên dọn vệ sinh hằng ngày với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng tại một cửa hàng điện thoại ở TP Buôn Ma Thuột.
Thấy mức thu nhập khá, chị kết bạn và hỏi công việc để xin làm. Một ngày giữa tháng 5/2018, H’H và một bạn nữ ở xã Ea Kuêh, huyện Cư Mgar và người tự nhận là chủ tài khoản Xuan Tien cùng gặp nhau tại Buôn Ma Thuột để “làm hồ sơ”. Theo yêu cầu của “Xuan Tien”, để ký được hợp đồng, ngày 14/5 hai phụ nữ phải theo thanh niên này ra Hà Nội. Đến nơi họ được một người đàn ông đợi sẵn chở đi.
“Tôi không biết đã đi qua những tỉnh nào, chỉ nhớ họ đi nhanh và đổi xe 3 lần. Đến nơi hẻo lánh, họ giao tôi và bạn cho một phụ nữ tên Giang. Khi qua thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) chúng tôi bị nhốt ở tầng 3 của căn nhà. Tôi không ăn uống được gì nên ngất xỉu và được họ đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhân lúc họ đi công việc tôi bỏ trốn, nhưng không thành và bị đánh tàn nhẫn. Họ đập điện thoại, đốt hết giấy tờ tùy thân của tôi. Tiếp đó tôi và bạn bị đưa đi bán làm vợ cho người khác. Rất may sau đó công an đã lần ra manh mối. Ngày 28/5 tôi và bạn được đưa đến Công an tỉnh Lào Cai lấy lời khai, rồi về Hà Nội khai báo và được công an ở đó đưa về quê an toàn.
Cạm bẫy rình rập
Những năm trước, cảnh nghèo đói bám lấy người dân thôn Cư Rang, xã Cư Pui. Nhiều gia đình người Mông đông con nên tha phương cầu thực. Có gia đình cả mẹ và con đều bị lừa. Bà Lý Thị Dợ (xã Cư Pui) chia sẻ: Cuộc sống đói khổ triền miên, nên tôi từng tin có công việc lương cả chục triệu đồng để rồi bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc. Ngày trốn được trở về chưa kịp vui thì đứa con gái (sinh năm 1997) đi theo người lạ tìm việc lương cao, đến giờ không có tin tức. Nó cũng vì muốn đỡ đần bố mẹ nên mới ra nông nỗi này.
Hai trong số các em học sinh đi lao động ở thành phố Hồ Chí Minh trở về
Hai trong số các em học sinh đi lao động ở thành phố Hồ Chí Minh trở về
Trong ngôi nhà tuềnh toàng, người đàn ông đôi mắt thẫn thờ ngồi bó gối bên bếp củi. Cũng vì gia cảnh nghèo khó nên khi có người đến nhà thuyết phục cho con đi làm thuê ở dưới TPHCM với mức lương 6-7 triệu/tháng, ông đồng ý cho đứa con gái 13 tuổi nghỉ học để đi làm xa. Khuôn mặt đen sạm, đôi mắt sâu hoắm khắc khổ, giọng ông nghèn nghẹn: Tôi không biết con mình làm gì, ở đâu, lâu lâu nghe con điện về than cuộc sống cơ cực. Nó phải làm việc quần quật từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Thương con nhưng không biết phải làm thế nào?
Trốn chạy chồng hờ
Nếu ai đến thôn Đại Thành, xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar, sẽ gặp một nữ già làng uy tín mới 31 tuổi được bà con thôn người Dao Đỏ kính trọng và yêu quý.  Chị là Bàn Mùi Khe (SN 1987). Nhìn cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên chồng và hai người con, ít ai biết rằng chị từng có một quá khứ đau thương. Bên ấm trà nóng giữa cơn mưa chiều ở vùng đất đỏ, câu chuyện về cuộc đời chị đong đầy trắc ẩn.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng, năm 1997 chị theo bố mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp. Là con cả trong gia đình, đất đai rộng, năm chị mới 13 tuổi, bố mẹ buộc chị phải bắt rể để có người làm rẫy. Họ chọn cho chị một người đàn ông to béo, mặt mũi dữ dằn nhưng làm rẫy giỏi. Mỗi lần nhìn thấy chồng chị lại run bắn người. Đêm đến, quá sợ hãi, chị phải chui xuống gầm giường ngủ. Được 2 ngày bị chồng phát hiện, anh lấy cán chổi đẩy mạnh vào gầm giường cố tình đánh trúng người chị. Thấy tình hình không ổn, nghĩ cả đời phải sống với một người đàn ông mình không yêu, chị quyết định bỏ trốn.
Trong một đêm mùa khô gió lạnh, trời tối đen như mực chị chạy bán sống bán chết đến khi thấy một chiếc ô tô chở hàng dừng bên vệ đường, phần mệt, phần vì sợ người nhà phát hiện chị đánh liều lên thùng xe. Chiếc xe từ từ chuyển bánh chở chị ra khỏi buôn làng hun hút. Trời rạng sáng, chị ở một vùng đất mới (xã Cư Suê, huyện Cư Mgar).
“Ở xã này đa số người Dao nhưng cách nghĩ họ tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi được một gia đình người Dao nhận về làm công. Khi bỏ nhà đi, tôi đã bị mang tiếng gái hư và bất hiếu, đây là tội rất nặng phải bị xử phạt. Thế nên tôi quyết định trở về. Một hôm đang thái chuối cho heo, chồng đứng phía sau cầm dây thừng quất vào người. Đau quá không chịu được, tôi vùng đứng dậy đang cầm sẵn con dao trong tay hét lên, nếu còn đánh nữa tôi sẽ không tha cho anh. Sau đó tôi lại bỏ nhà đi. Đó là lần thứ hai tôi phải chạy trốn”, chị ngậm ngùi.
Sau nhiều lần đấu tranh quyết liệt, bố mẹ chị dần hiểu và hứa không ép hôn nữa, chị mới chịu về nhà. Đó là năm chị 16 tuổi và chính thức bỏ chồng, chịu bao tai tiếng, dị nghị của mọi người. Chị bỏ ngoài tất cả, cố gắng làm việc chăm chỉ, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng ở vùng đất cằn sỏi đá này giúp bà con phát triển kinh tế. Chị nhận được sự tín nhiệm, kính trọng. Mọi người bầu chị là người uy tín của buôn. Năm 22 tuổi chị bắt chồng lần hai. Cuộc hôn nhân lần này hoàn toàn là tự nguyện. Họ sống với nhau hạnh phúc đến bây giờ.

Theo cán bộ phòng lao động thương binh xã hội huyện Krông Bông, thực trạng trẻ em nghỉ học đi làm việc ở các tỉnh phía Nam diễn ra từ lâu, rộ vào cuối năm 2014 đến nay. Từ đầu năm 2017 đến nay toàn huyện có 135 em (từ 10 -16 tuổi) bỏ học. Trong đó 42 em nghỉ học đi lao động ở TPHCM. Mặc dù ngành Lao động Thương binh Xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, giải thích, xử lý sai phạm nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng này.

NT (TP)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.