"Nói không" với chợ tạm trên quốc lộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường dọc các tuyến quốc lộ làm nơi buôn bán, họp chợ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết giải tỏa việc họp chợ trái phép nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng của người dân.
Không còn lấn chiếm vỉa hè họp chợ
Theo ông Hồ Trung (tổ 4, thị trấn Chư Sê), sau vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trước cổng chợ Chư Sê làm 4 người chết, 1 người bị thương, người dân đã không còn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán như trước. Tuy nhiên, theo quan sát của P.V, khu vực người dân họp chợ sát lòng đường trước đây giờ lại trở thành nơi để xe máy, xe đạp của người đi chợ. Tại khu vực này, người mua hàng ra vào liên tục, chưa kể người đi xe máy tấp ngang, người đi bộ qua lại nên vẫn bát nháo, an ninh trật tự chưa cải thiện rõ nét. Ông Trương Thanh Hoài-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho biết: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán. Đồng thời, kiện toàn nhân sự các đội: Quản lý trật tự đô thị, Tự quản an toàn giao thông và Ban bảo vệ dân phố. Những người thiếu nhiệt tình, ngại va chạm sẽ bị thay thế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lập lại trật tự ở khu vực trước cổng chợ”.
Khu vục trước cổng chợ trung tâm huyện Chư Sê-nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết-vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi để xe máy. Ảnh: M.N
Khu vục trước cổng chợ trung tâm huyện Chư Sê-nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết-vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi để xe máy. Ảnh: M.N
Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê thông tin thêm là đã xin ý kiến của UBND huyện về việc xây cao gờ tiếp xúc với lòng đường ở khu vực này để trồng hoa, không cho người dân đậu xe, tụ tập mua bán; lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, bảng cấm tụ tập mua bán, họp chợ. “Ngoài việc đề nghị UBND huyện ra văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức mua hàng tại các điểm bán ở lòng, lề đường, chúng tôi còn kiến nghị huyện đền bù cho các tiểu thương di dời xuống chợ phía Nam để sớm giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông tại khu vực này. Bởi đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, hầu hết tiểu thương ở đây sẽ hết thời hạn hợp đồng thuê địa điểm, giá trị đền bù còn lại không cao”-ông Hoài kiến nghị.
Tương tự, tại chợ tự phát dọc theo tuyến quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn phường Chi Lăng (TP. Pleiku)-giao nhau với đường Trường Sa, hơn 1 tuần nay không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, tụ tập mua bán như trước. Bà Nguyễn Thị Bình (tổ 1, phường Chi Lăng) xác nhận: Gần 10 ngày nay, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nên không còn ai tụ tập mua bán. Có chăng là một số người chạy xe máy chở hàng lên xuống để bán và một ít người dân tộc thiểu số gùi hàng đi bộ bán dọc quốc lộ. “Chúng tôi hy vọng, lần này TP. Pleiku chỉ đạo làm triệt để, không như trước đây hễ vắng bóng lực lượng chức năng thì người dân tụ tập tại ngã ba này mua bán”-bà Bình cho hay.
Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết đã chỉ đạo lực lượng Trật tự đô thị, Công an TP. Pleiku và phường Chi Lăng, xã Ia Kênh, Chư Hdrông xây dựng kế hoạch giải tỏa việc lấn chiếm lòng, lề đường tại khu vực này; quyết liệt xử lý việc họp chợ tự phát nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân; tiến hành lắp đặt biển báo cấm họp chợ, đậu đỗ xe và tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. 
Nhiều giải pháp ngăn chặn chợ tự phát
Trao đổi với P.V về việc xóa bỏ “điểm đen” tai nạn giao thông trước chợ trung tâm huyện, ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho rằng: Những tiểu thương mua bán tại chợ này sắp hết thời hạn hợp đồng thuê địa điểm, huyện sẽ không ký hợp đồng trở lại mà tổ chức di dời xuống chợ phía Nam cách đó khoảng 1 km để mua bán. Sau đó, huyện có kế hoạch xây dựng nơi đây trở thành khu trung tâm thương mại của huyện. “Đối với bến xe huyện, chúng tôi đã có phương án di dời đến một địa điểm khác ở đầu đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh thị trấn Chư Sê. Khi đó, nơi đây sẽ được cải tạo làm đảo giao thông, tạo điểm nhấn đặc trưng về cảnh quan cho huyện, đồng thời góp phần giảm mật độ giao thông khu vực này”-ông Linh nói.
Tại chợ Chư Sê, khu vực mà người dân buôn bán sát lòng đường trước đây, giờ trở thành nơi để xe máy, xe đạp của người đi chợ. Ảnh: M.N
Tại chợ Chư Sê, khu vực mà người dân buôn bán sát lòng đường trước đây, giờ trở thành nơi để xe máy, xe đạp của người đi chợ. Ảnh: M.N
 
Ngay sau vụ TNGT thương tâm xảy ra tại huyện Chư Sê ngày 3-8, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý tình trạng sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để buôn bán, họp chợ trái phép. Ngoài việc kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo đường thông, hè thoáng, các địa phương phải rà soát, sắp xếp các chợ để đáp ứng tốt nhu cầu mua bán của người dân, có giải pháp bố trí khu vực buôn bán tạm thời để công tác giải tỏa chợ tự phát đạt hiệu quả; không để phát sinh chợ tự phát.

Tại đoạn quốc lộ 19 qua xã Hà Ra (huyện Mang Yang) trước đây cũng có xảy ra tình trạng người dân tụ tập ven đường mua bán gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Hải-Bí thư Đảng ủy xã Hà Ra, chính quyền địa phương đã cho di dời các hộ dân mua bán tại chợ cũ vào khu vực chợ mới cách quốc lộ 100 m. “Chúng tôi chỉ đạo các thôn, làng tập trung tuyên truyền di dời chợ, bởi việc tụ tập mua bán gần quốc lộ tiềm ẩn cao về TNGT”-ông Hải cho biết.
Theo ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang: Huyện đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 19. Đặc biệt, việc di dời chợ Hà Ra nằm sát quốc lộ vào phía trong để người dân ổn định mua bán là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của huyện. Ngoài ra, việc đảm bảo hành lang an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ này cũng được huyện chỉ đạo thường xuyên, gắn với tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án quốc lộ 19 trong thời gian đến.
Để tránh tai nạn đáng tiếc như vừa xảy ra tại huyện Chư Sê, việc xử lý chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, chính quyền các địa phương có tuyến quốc lộ đi qua cần tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, ý thức của người dân; đồng thời quy hoạch đầu tư xây dựng thêm chợ phục vụ nhu cầu người dân, tránh việc họp chợ tự phát dễ dẫn đến TNGT đáng tiếc.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.