(GLO)- Là đồng nghiệp thân thiết nên có dịp, chúng tôi được các bạn Báo Long An dành cho thịnh tình, đưa đi thăm thú, giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của địa phương. Trong đó có Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An hay còn gọi là Khu Di tích lịch sử Bình Thành. Nơi đây được mệnh danh là "Căn cứ của lòng dân", từng là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7 với tên gọi “Quân khu Đông Thành”. Tỉnh ủy Long An trong những năm kháng chiến đã kiên trì bám trụ cùng Nhân dân góp phần tạo nên truyền thống cao quý của địa phương gắn với 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Một địa điểm nổi tiếng khác là Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Nơi đây, ngày 4-6-1930, đồng chí Châu Văn Liêm-Bí thư liên tỉnh Gia Định-Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần-Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo hơn 5.000 nông dân tập trung trước dinh quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hy sinh anh dũng.
Chân dung đồng chí Võ Văn Ngân (ảnh tư liệu) |
Đồng chí Võ Văn Tần là anh ruột của đồng chí Võ Văn Ngân (1902-2022) là nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng ta, được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân, năm nay, Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy Long An đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh công lao, sự nghiệp của nhà cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, noi gương người cộng sản quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh.
Thăm Khu công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, chúng tôi được các anh chị Ban quản lý, thuyết minh viên nhiệt tình giới thiệu về công trình cũng như công lao các vị lãnh đạo qua các thời kỳ, trong đó có nhà cách mạng Võ Văn Ngân. Không gian giới thiệu các vị lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ có chân dung đồng chí Võ Văn Ngân, bên cạnh các nhân vật quan trọng khác. Chỉ với một tấm chân dung trắng đen giản dị nhưng qua giọng thuyết minh của cô nhân viên, sự nghiệp, tên tuổi của nhà cách mạng trẻ tuổi được tái hiện thật sinh động, lôi cuốn, làm ai cũng xúc động, yêu quý và ngưỡng mộ.
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cuối năm 1926, được sự tuyên truyền vận động của hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn, Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân đã gia nhập tổ chức này, trở thành 1 trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Chợ Lớn nói riêng. Đồng chí nhiệt tình tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Hội, vận động quần chúng, nhất là thanh niên tham gia, phát triển tổ chức Hội trong quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn.
Hộp 3 D tái hiện "cầu người" đưa thương binh về trạm phẫu tại Khu công viên tượng đài Long An. Ảnh: T.S |
Nhờ có uy tín và địa bàn hoạt động rộng, đồng chí Võ Văn Ngân đã vận động được nhiều hội viên là những nông dân, thanh niên hăng hái, tích cực, giáo dục họ lòng yêu nước và ý thức giai cấp, động viên tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Liên tục các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh được thành lập, mở rộng quy mô và ảnh hưởng ra cả vùng nông thôn rộng lớn ở Sài Gòn, Chợ Lớn sau đó.
Hoạt động tích cực và hiệu quả chứng tỏ sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị, khả năng vận động, tổ chức và phẩm chất, năng lực hoạt động của nhà cách mạng. Sau khi An Nam Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Võ Văn Ngân trở thành thành viên của tổ chức, là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa (cuối năm 1929). Ngày 6-3-1930, tại làng Đức Hòa, cuộc họp bí mật của Chi bộ diễn ra với sự tham gia của các đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Sậy, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ đã quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn, phản ánh phong trào vận động cách mạng sôi nổi, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Ngân, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp dùng thủ đoạn khủng bố thâm độc nhằm tiêu diệt các tổ chức cộng sản và lớp đảng viên đầu tiên, phong trào cách mạng cả nước rơi vào thoái trào. Đồng chí Võ Văn Ngân đã nỗ lực vượt bậc, vượt qua gian khổ, bền bỉ vận động quần chúng cách mạng giữ vững niềm tin, kiên trì giác ngộ những người yêu nước đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Năm 1938, khi phong trào cách mạng có những chuyển biến tích cực thì chẳng may đồng chí Võ Văn Ngân phát bệnh. Sau khi được Xứ ủy chuyển về quê hương Đức Hòa, bệnh thêm nặng và đồng chí đã vĩnh viễn ra khi mới 37 tuổi. Đây là tổn thất rất lớn của Đảng, của phong trào cách mạng lúc bấy giờ.
Đến thăm Long An, chúng tôi không chỉ biết một vùng quê giàu đẹp mà còn nổi tiếng bởi truyền thống oanh liệt, vẻ vang: "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Càng nhận thức sâu sắc công lao của các bậc tiền bối, của nhà cách mạng Võ Văn Ngân trong việc góp phần hồi sinh, củng cố và phát triển phong trào cách mạng Gia Định và Chợ Lớn, đóng góp to lớn vào việc khôi phục tổ chức và mở rộng hoạt động của Đảng ở Nam Bộ từ năm 1930 đến năm 1938.
THẤT SƠN