Những thầy giáo quân hàm xanh nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều năm qua, những người lính quân hàm xanh trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà còn trở thành thầy giáo kèm cặp các em nhỏ học tập để lập thân, lập nghiệp trong tương lai.

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) tất bật chuẩn bị sách vở, quần áo để em Ksor Nương (làng Klă, xã Ia Mơr) nhập học tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Bố mất sớm, gia đình có 3 chị em, con đường đến trường của Nương trở nên gập ghềnh, trắc trở. Năm 2017, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã nhận em làm con nuôi.

“Em ở với các bố được 5 năm rồi. Hàng ngày, em được các bố chăm lo từng bữa ăn, chỉ bảo cách sống, sinh hoạt; buổi tối các bố hướng dẫn học bài. Giờ em chuẩn bị lên huyện học. Em rất biết ơn các bố và cũng là những người thầy dạy em khôn lớn”-em Nương tâm sự.

Cán bộ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) hướng dẫn con nuôi Biên phòng học bài. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cán bộ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) hướng dẫn con nuôi Biên phòng học bài. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đại úy Ngô Văn Hữu-Đội phó Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơr-chia sẻ: “Ngoài Ksor Nương là con nuôi của đơn vị, Đồn Biên phòng còn nhận nâng bước cho em tới trường 3 em khác. Thuyết phục các em đến trường đã là việc khó, nhưng đảm bảo các em chuyên cần đến lớp hàng ngày càng khó hơn. Cắt tóc, tắm giặt, khâu quần áo cho các em là công việc hàng ngày, kèm cặp các em học bài là trách nhiệm của chúng tôi”.

Những ngày cuối tuần, đến Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) vẫn nghe những thanh âm trong trẻo vang lên từ phòng học hè. 4 năm gắn bó với lớp học hè này, Thiếu tá Kpuih Đức-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đã trở thành người thầy thực sự của các em nhỏ vùng biên này.

“Vào dịp hè, bố mẹ lên rẫy, các em ở nhà cũng ít ôn bài, thường ra ao hồ, sông suối để chơi nên rất nguy hiểm. Được sự cho phép của đơn vị, chúng tôi mở lớp dạy hè cho các em. Lớp học là phòng làm việc được kê thêm mấy bộ bàn ghế, treo thêm chiếc bảng đen. Lúc đầu, các em còn e ngại, chúng tôi đến từng nhà thuyết phục gia đình, rồi chở các em đến lớp. Bây giờ thì khác rồi, vào dịp hè, thứ bảy và chủ nhật các em đến lớp đều đặn”-Thiếu tá Kpuih Đức chia sẻ.

Siu Niên năm nay bước vào lớp 2 nhưng chữ viết vẫn còn nguệch ngoạc. Từ khi được thầy giáo Đức chỉ dạy, nét chữ của em đã đẹp và rõ hơn. “Đến lớp em không chỉ được thầy Đức luyện viết chữ, tập làm các phép toán mà thầy còn kể cho chúng em nghe những câu chuyện rất hay. Em và các bạn đều muốn năm nào cũng được thầy Đức dạy học dịp hè”-em Siu Niên tâm sự.

Thầy giáo mang quân hàm xanh Kpuih Đức không chỉ dạy cho các em biết đọc thông, viết thạo, thành thục từng phép toán mà anh còn dạy về lẽ sống ở đời, về cách ứng xử với mọi người. Khi phụ huynh đến đón con, anh lại tranh thủ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, chăm lo lao động sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu.

“Thầy Kpuih Đức không chỉ là cán bộ tốt, nói tiếng đồng bào mình giỏi mà còn dạy cho trẻ em trong làng biết con chữ. Thầy dạy bọn trẻ biết yêu quê hương, yêu biên giới”-bà Siu Phyin-già làng Gòng-tâm sự.

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang nhận 11 em làm con nuôi và nâng bước cho em đến trường 30 em. Ngoài ra, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh còn có 1 bếp ăn tình thương dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường. Và ở đó, những người lính mang quân hàm xanh không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc mà còn là những người bố, người thầy ngày đêm chăm lo cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn giúp các em vươn lên trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...