“Những tấm ảnh biết nói”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thông qua cuộc thi “Những tấm ảnh biết nói”, các em học sinh đến từ 19 trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã nêu lên nhiều ý kiến, kiến nghị về vấn đề giao thông bền vững và an toàn giao thông (ATGT) khu vực trường học. Trên cơ sở đó, các ban ngành của tỉnh và TP. Pleiku có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo điều kiện ATGT cho các em khi đến trường.

Khi học sinh lên tiếng

Tại chương trình lắng nghe ý kiến của thanh-thiếu niên về giao thông không khói cho hành tinh xanh thuộc Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2 mở rộng do Ban ATGT tỉnh và Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á tổ chức mới đây, thông qua các tác phẩm tham gia cuộc thi “Những tấm ảnh biết nói”, các em học sinh của TP. Pleiku đã có dịp chia sẻ ước muốn và nhu cầu về đường phố an toàn. Hình ảnh được các em ghi nhận tại các cổng trường mất an toàn về cơ sở hạ tầng giao thông như: nhiều khu vực sang đường không an toàn, vạch qua đường mờ nhạt gây khó khăn cho người đi bộ; tình trạng đậu đỗ xe, mua bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè gây cản trở lối đi dành cho người đi bộ... Cùng với hình ảnh được lựa chọn cẩn thận, từng góc chụp được chọn lọc, lời bình kèm theo được xem là mong muốn, đề xuất của các em gửi đến các cơ quan chức năng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về ATGT khu vực trường học.

Học sinh các trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku trình bày những điểm nổi bật từ cuộc thi “Những tấm ảnh biết nói” và ý kiến, kiến nghị của mình về giao thông bền vững. Ảnh: M.P

Học sinh các trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku trình bày những điểm nổi bật từ cuộc thi “Những tấm ảnh biết nói” và ý kiến, kiến nghị của mình về giao thông bền vững. Ảnh: M.P

Tự tin trình bày về những điểm nổi bật từ cuộc thi “Những tấm ảnh biết nói”, em Nguyễn Đức Nhân (lớp 8, Trường THCS Nguyễn Huệ, phường Hội Thương) cho biết: Đây là những cảm nhận của các bạn học sinh về thực trạng ATGT ngay trước cổng trường mình. Chỉ cần nhìn vào những bức ảnh, em có thể biết được những điểm mất ATGT ở các trường học như: hình ảnh vỉa hè trước cổng Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Biển Hồ) bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm làm nơi mua bán, đổ vật liệu xây dựng. Mặt khác, vỉa hè chưa hoàn thiện khiến cỏ dại mọc um tùm, không có lối đi bộ cho học sinh, vạch kẻ sang đường bị mờ, không có biển báo quy định giới hạn tốc độ 30 km/h tại khu vực này. Còn đối diện cổng Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá) là tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Không những vậy, người mua còn dựng xe tràn xuống lòng đường gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người đi bộ và lái xe. Đồng thời, tại khu vực này cũng không được lắp đặt biển báo trường học và giới hạn tốc độ đối với các phương tiện.

Nêu thực trạng ngay tại chính ngôi trường mình theo học, em Nguyễn Đức Nhân cho rằng: Mỗi khi tan trường, cha mẹ đến đón con đậu xe rất lộn xộn và chiếm hết vỉa hè khiến cho học sinh phải tràn xuống lòng đường để đi. Ngoài ra, đoạn đường Sư Vạn Hạnh giao với đường Hùng Vương là đường một chiều nhỏ hẹp, có nhiều góc khuất nhưng nhiều người lại đi ngược đường nên dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Còn tại khu vực trước cổng Trường Huỳnh Thúc Kháng (phường Yên Đổ) là điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Khu vực đứng đợi sang đường hẹp, vỉa hè chưa hoàn thiện, còn nhiều bùn đất trong khi lưu lượng xe qua lại trước cổng trường rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Cảnh báo về thực trạng này, em Võ Văn Thiện (lớp 9, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: Thông qua bức ảnh chụp trước cổng trường kèm theo lời bình, em mong muốn các ban ngành quan tâm cải thiện tình trạng mất ATGT ở đây. Cùng với đó, Thiện cũng đưa ra các gợi ý về giải pháp hoàn thiện vỉa hè trước cổng trường hay điều chuyển các cột điện, cây cối để người điều khiển phương tiện có thể nhìn thấy học sinh đang đứng chờ trên vỉa hè. “Ngoài ra, em cũng đề nghị lắp đặt biển báo giới hạn tốc độ, biển báo khu vực trường học và gờ giảm tốc ở khu vực này. Đồng thời, em mong muốn lực lượng Cảnh sát Giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với học sinh”-Thiện đề xuất.

Nâng cao điều kiện ATGT

Trước phản ánh của học sinh về thực trạng mất ATGT trước cổng trường, cô Nguyễn Thị Phi Khanh-Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng-khẳng định: Hình ảnh của các em chụp đã phản ánh đúng thực tế hiện nay. Trường nằm trên đoạn đường Lý Thái Tổ, là đường hai chiều với lưu lượng xe qua lại hàng ngày rất lớn. Đường hoàn thành đã hơn 2 năm nhưng vỉa hè thì chưa có. Chính vì vậy, mỗi khi tan học, nhà trường phải mở cổng để phụ huynh đi xe máy, thậm chí đi ô tô vào sân trường đón con. Việc này làm tăng nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông ngay trong sân trường. Thực tế đã có va chạm giữa phụ huynh đi xe máy đón con em trong sân trường với học sinh đi bộ từ trong trường ra.

Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: Nguyên nhân một phần là do chưa có vỉa hè, phụ huynh đứng bên kia đường đón con, học sinh phải băng qua dải phân cách đường hai chiều trong khi lưu lượng xe lớn, chạy với tốc độ nhanh, nguy cơ tai nạn rất cao. “Gần đây đã có vài học sinh bị tai nạn giao thông khi băng qua đường. Tuy chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc nhưng điều này gây lo lắng, bất an cho Ban Giám hiệu nhà trường cũng như phụ huynh. Do vậy, tôi khẩn thiết đề nghị sớm trả lại vỉa hè khu vực phía trước cổng trường để đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường”-cô Khanh đề nghị.

Học sinh theo dõi “Những tấm ảnh biết nói” của các em học sinh 19 trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku được trưng bày tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh: Minh Phương

Học sinh theo dõi “Những tấm ảnh biết nói” của các em học sinh 19 trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku được trưng bày tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh: Minh Phương

Còn đối với Trường THCS Nguyễn Huệ, Phó Hiệu trưởng Trần Thị Kiều Diễm cho biết: Việc các em đánh giá xếp hạng trường chỉ đạt 1/5 sao chứng tỏ nút giao thông ở khu vực này rất nguy hiểm. Trường nằm trong khu đô thị, dân cư đông đúc, trong khi đường Sư Vạn Hạnh có vỉa hè nhưng rất nhỏ hẹp. Cô Diễm nhấn mạnh: “Nhà trường đã đề ra một số biện pháp nhằm tránh ùn tắc giao thông cục bộ mỗi lúc tan trường như: phân luồng cho học sinh ngay tại sân trường, chia theo từng lớp, mỗi khối đi theo cổng khác nhau; đồng thời, nhờ hỗ trợ của lực lượng Công an, trật tự phường nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Các em học sinh đã nêu thực trạng khu vực trường chưa an toàn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các ngành quan tâm cùng nhà trường tháo gỡ vướng mắc, bất cập tại nút giao thông này”.

Về phía ngành chức năng, ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho rằng: Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các em học sinh, các ngành chức năng tiếp thu và khảo sát để đưa ra các giải pháp nâng cao điều kiện về cơ sở hạ tầng đường bộ, đề xuất khắc phục những bất cập về ATGT nhằm đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường. “Nhiều em có ý kiến rất thiết thực. Điều này chứng tỏ nhận thức về ATGT của các em học sinh rất tốt. Nếu mỗi học sinh đều trở thành đại sứ tuyên truyền về đảm bảo ATGT, nói lên tiếng nói của mình sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu số ca tử vong và bị thương do tai nạn giao thông trong khu vực trường học trên địa bàn TP. Pleiku. Đây cũng là cơ sở đánh giá, cải thiện ATGT đường bộ và thúc đẩy giao thông bền vững tại khu vực trường học trong thời gian tới”-ông Quảng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trao đi những giọt máu hồng

Trao đi những giọt máu hồng

(GLO)- Ngày 5-4 tới, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức ngày hội hiến máu hưởng ứng Ngày toàn dân HMTN (7-4) với mục tiêu phấn đấu tiếp nhận tối thiểu 500 đơn vị máu an toàn.
Mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp

Mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp

(GLO)- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều đoàn viên, thanh niên ở Gia Lai đã có những việc làm hay, hành động đẹp, góp phần lan tỏa lối sống tích cực và nhân văn đến cộng đồng.
Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.