(GLO)- Bao nhiêu năm đã trôi qua, vậy mà ký ức tôi luôn dừng lại rất lâu ở một khoảng thời gian khi còn thơ bé. Đó là những năm tháng được sống trong doanh trại quân đội cùng với cha tôi. Những năm ấy, đất nước trong thời bao cấp, cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn mọi bề.
Cha đã đem theo tôi trên những nẻo đường ông đóng quân. Những ngày ấy trở thành kỷ niệm luôn ăn sâu vào tâm thức dẫu trí nhớ tôi khi đó còn rất non nớt, chuyện nhớ chuyện quên. Cha tôi lái xe cho thủ trưởng đơn vị, do đặc thù công việc nên ông thường rong ruổi với những chuyến công tác. Khi vắng nhà, cha gửi tôi cho các cô chú trong đơn vị. Tôi cùng với những đứa trẻ trong khu gia binh xếp hàng chờ lấy cơm, đi ngủ và thức dậy cùng tiếng kẻng doanh trại, học tập và sinh hoạt y hệt những chiến sĩ thực thụ. Cùng lứa với tôi có cả vài chục đứa trẻ trong khu gia binh. Đứa thì sống trong khu gia đình với cả bố mẹ, nhưng hầu hết là sống ở dãy nhà tập thể cùng cha giống như tôi. Thời đất nước khó khăn, việc những đứa trẻ con như chúng tôi được nuôi trong doanh trại quân đội có lẽ cũng là chuyện không có gì đặc biệt.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Những tháng năm sống cùng cha trong doanh trại quân đội, cha không chỉ là người thầy đầu tiên nắn nót cầm tay dạy cho tôi những con chữ đầu đời, mà còn rất nhiều thói quen tốt khác được hình thành. Tôi còn nhớ mãi lá thư đầu tiên tôi viết về cho mẹ, cha đã bắt tôi viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần. Cha chỉ gợi ý, còn để tôi tự viết, nhưng hễ chữ nào không ngay hàng thẳng lối là phải viết lại. Sau này, khi tôi đã lớn lắm thì mẹ cho xem lại bức thư ấy, tôi thực sự “kinh ngạc” về mình, bởi chữ tôi khi ấy đẹp và đều như thể được in ra từ một chiếc khuôn nào đấy.
Cha tôi nấu ăn rất ngon. Tôi không sao quên được hình ảnh ông cặm cụi với cái bếp dầu, ông rang từng nắm đậu xanh thơm giòn, rồi xay thành bột. Mỗi sáng mỗi tối, ông pha một cốc bột đậu xanh thơm phức mát lành rồi dỗ tôi uống, nhẫn nại và tỉ mỉ chẳng khác nào một bà mẹ nuôi con thơ. Những ngày cuối tuần, ông cùng bạn bè ra suối câu cá. Những con cá to nhất bao giờ ông cũng dành để làm ruốc cho tôi ăn dần. Khi tôi tha thẩn chơi bên cạnh thì cha luộc, gỡ từng chút cá, rồi cặm cụi rang khô cất vào chiếc lọ thủy tinh. Giờ nhìn ngắm da dẻ sắc vóc của mình, tôi luôn nghĩ về những ngày cha đã chăm chút nâng niu tôi từng miếng ăn giấc ngủ.
Những cái Tết xa quê, hai cha con tôi ở lại đơn vị. Cha cùng với đồng đội tự gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ Tết. Mùa xuân phương Nam có những cành mai vàng rực rỡ khiến cha con tôi cũng phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Những mùa xuân khiến tôi khôn lớn, những mùa xuân hoài vọng luôn cựa quậy như những chồi non biêng biếc xanh trong ký ức của tôi.
Cha tôi giờ đã ở tuổi thất thập, thủ trưởng của cha không còn nữa, những đồng đội đồng cam cộng khổ năm nào cũng đã nghỉ hưu. Ông giờ quanh quẩn với con cháu. Có một việc cha rất thích là gặp mặt hội đồng ngũ, những lúc ấy, tôi thấy ông vui tươi hoạt bát, nhìn như trẻ hẳn ra. Thỉnh thoảng ông nhắc lại với tôi về những đồng đội năm xưa. Người tôi vẫn còn nhớ, người tôi đã quên mặt quên tên, nhưng lòng tôi chưa bao giờ thôi biết ơn những tháng năm đầu đời đã tạo cho mình một nền tảng, một xuất phát điểm thật vững vàng.
Nhớ lại những năm tháng bên cha, tôi lại ước được đưa ông về thăm chốn xưa, để gặp lại những tháng ngày khi tôi còn thơ bé.
ĐÀO AN DUYÊN