Người già và bánh nếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bạt nằm vật ra xe, nhai nhộm nhoạm suất cơm hộp vừa được phát. Vẫn chưa thấy chủ báo nghỉ làm dù mỗi ngày con số người bệnh nhiễm COVID-19 các tỉnh ở Nhật đang tăng lên chóng mặt.

 

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN



"Liệu Nhật có vỡ trận như châu Âu không?" là câu hỏi mà hàng nghìn người lao động Việt ở đây đang nơm nớp hỏi nhau. Bệnh dịch lây lan theo cấp số nhân, ấy vậy mà ở đây chẳng thấy mấy ai ra đường đeo khẩu trang.

Ga tàu điện ngầm mà Bạt di chuyển mỗi sáng cả nghìn người chen chúc. Vai sát vai, mặt đối mặt, ho văng cả nước bọt ra ngoài. Giả dụ trong số ấy chỉ cần một người nhiễm virus corona thì không biết sẽ lây cho bao nhiêu người.

Rồi từng ấy người F1 lại lây ra F2, F3, F4... Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy rùng mình. Siêu thị trong thành phố chỗ Bạt ở thì hết sạch khẩu trang.

Sáng nào nhìn thấy cảnh cô giáo dẫn các cháu thiếu nhi tung tăng đi ngắm hoa trong công viên đông đúc, Bạt cũng tự hỏi "người Nhật họ không sợ chết hay sao?". Ông cụ người Nhật cười hềnh hệch bảo:

- Đầu năm dân tao nghẹn bánh nếp chết cả đống người. Giờ chết vì corona có mấy người, không quan trọng.

- Chết vì nghẹn bánh nếp là sao? À, tức là người già chết vì nghẹn ấy hả?

- Thì thế. Nước tao khối người già chết thối trong nhà không ai biết kia kìa.

"Cả đống người" chắc là ông cụ cứ nói vống lên. Nhưng việc năm nào Nhật cũng có nhiều người chết vì nghẹn bánh nếp hóa ra có thật. Theo truyền thống, mỗi dịp năm mới người Nhật thường làm bánh mochi bằng bột nếp.

Đây là loại bánh rất dẻo và dễ bị mắc nghẹn nếu cắn miếng to và không nhai kỹ. Cơ quan cứu hỏa Nhật cho biết các nạn nhân đều trên 70 tuổi. Họ khuyến cáo những người già nên cắt nhỏ bánh và chỉ nên ăn khi có người thân bên cạnh.

Bạt tự hỏi trong số những cái chết cô đơn không ai biết có bao nhiêu người chết vì bánh nếp? Với một đất nước già hóa dân số như Nhật thì họ coi người già là gánh nặng bởi "ác mộng" lương hưu.

Bạt gặp nhiều người già gần tám mươi tuổi ở Nhật vẫn đi làm là chuyện bình thường. Hồi mới từ Việt Nam sang, Bạt còn làm trong công ty sản xuất gỗ. Hằng ngày phải vác những khúc gỗ nặng trịch đến tê nhức tay chân.

Có hôm đau quá, không lết đi được đành phải xin nghỉ, nhờ người công ty đưa đi bệnh viện. Bạt mới hơn ba mươi tuổi chứ mấy, ấy thế mà thua ông cụ Yamaguchi đã ngoài tám mươi. Ông vác gỗ đi phăng phăng, da dẻ hồng hào.

Ông cười khà khà bảo: "Không đi làm lấy gì mà ăn. Con cháu nó cũng phải lo cuộc đời của nó, không thể làm phiền". Lúc mới trốn ra ngoài, Bạt làm thuê cho cụ Matsumoto, chủ một trang trại lớn.

Ông cụ gầy nhẳng, lưng nhô lên như núi nên mặt lúc nào cũng chúi xuống đất. Nhưng ông không chịu nghỉ ngơi mà ra đồng làm suốt ngày. Thậm chí ông còn làm việc nhiều giờ hơn cả người khác. Hỏi vì sao thì ông bảo "để đỡ phải thuê người làm, giảm chi phí".

Công việc hiện tại của Bạt là làm trong công ty chuyên dọn dẹp những căn hộ của người đã khuất. Thường là những căn hộ của người già độc thân chết không ai biết. Giá dịch vụ dọn dẹp cao ngất ngưởng nhưng chẳng khiến Bạt vui.

Như mỗi lần bắt gặp một người già đứng chờ sang đường, hoặc ngồi chờ khách trong các cửa hàng tạp hóa nhỏ, lòng Bạt bùi ngùi khó tả. Nó khiến anh nghĩ đến bố mẹ già ở nhà, đã bảy năm rồi anh chưa được ăn với họ một bữa cơm.

Bảy cái tết lớn, mười mấy cái tết nhỏ trôi qua lạnh lẽo. Mùa này ở quê mới đi qua cái rét nàng Bân, xoài non lúc lỉu trên cây, vải ngoài vườn có khi vỏ đã hung đỏ chờ bầy chim dòm ngó. Không biết mẹ đã quên thói quen bữa cơm nào cũng lấy thêm bát đũa cho Bạt hay chưa?

Mùa này cua đồng nhiều, nấu bát canh có khi cũng nhắc "thằng Bạt thích món này nhất", mổ con gà có khi cũng lẩm bẩm "giá mà có thằng Bạt ở nhà".

Ở đây có gì vui? Nhiều bữa đưa miếng cơm lên miệng tự nhiên Bạt nhớ đến lời ai đó ru con: "Cơm người khổ lắm mẹ ơi/Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn". Quê Bạt nghèo, chó ăn đá gà ăn sỏi.

Cấy hái, trồng trọt quanh năm vẫn chẳng đủ ăn. Bạt chán cảnh công nhân ở quê, cầm mấy triệu tiền lương chưa kịp nóng tay thì đã phải chi tiêu hết. Bạt sang đây cực trăm đường nhưng cứ nghĩ ở nhà bố mẹ sẽ không phải lo tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng vì món nợ mấy trăm triệu do chăn nuôi thua lỗ.

Mẹ đi chợ không còn phải tằn tiện, ăn bữa nay lo bữa mai. Mỗi lần bố đau yếu cũng dư dả tiền mua thuốc điều trị cho đỡ cực. Nghĩ thế nên Bạt cứ cố cày cuốc hết ngày này đến ngày khác. Bình thường Bạt chẳng nghĩ ngợi gì.

Cứ đi làm về mệt là lăn ra ngủ, mở mắt ra đã là ngày mới. Hôm nào cũng dậy từ năm giờ sáng, về đến nhà thì đã quá khuya nên có khi nửa tháng Bạt chẳng gọi về cho bố mẹ. Mấy hôm nay Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp do số người mắc COVID-19 càng ngày càng tăng lên, các công ty đóng cửa, dân "bộ đội"(*) như Bạt đều nghỉ việc ở nhà tránh dịch.

Bạt được bà hàng xóm bê sang cho một đĩa bánh gạo. Bà bảo: "Có người vừa tặng nó cho ta nhưng ta không dám ăn. Người ta có câu: nếu bạn muốn giết một người già cô độc thì hãy tặng bánh gạo cho người đó".

Bà Akiko đi được vài bước chợt quay đầu lại dặn: "Nhớ để ý rèm cửa sổ nhà ta lúc sáu giờ sáng nhé. Nếu không thấy nó mở thì có nghĩa là ta đã chết". Đó là lời nhờ vả trong lần đầu tiên Bạt đến đây thuê trọ.

Nhưng hôm nào Bạt cũng rời nhà trước lúc sáu giờ. Nhìn dáng bà lầm lũi bước đi, Bạt bỗng nhớ đến câu chuyện về nhiều người già ở đất nước mặt trời mọc cố tình vào tù vì cô đơn và nghèo đói. Họ được coi là cơn "sóng thần" màu xám ở xứ sở này.

Miếng bánh bỗng nghẹn lại trong cổ họng Bạt. Tự nhiên Bạt nhớ ra mẹ ở nhà cũng hay làm bánh nếp...


 

(*) Cách gọi những người lao động bất hợp pháp ở Nhật

Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.