Những lá đơn tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong số đó có không ít thanh niên viết đơn tự nguyện xin tòng quân với khát vọng được đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu và nâng cao chất lượng công tác tuyển quân năm 2024, những ngày này, hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đang triển khai công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Cùng với việc rà soát, sơ tuyển, khám sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác tuyển quân; quyền lợi, nghĩa vụ của công dân khi tham gia nghĩa vụ quân sự; các chế độ, chính sách khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự...

Nhờ đó, các gia đình có con em trong độ tuổi nhập ngũ và thanh niên hiểu rõ các quy định về tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã có nhiều thanh niên nhận thức đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương, đất nước và tự nguyện làm đơn xin nhập ngũ.

Thanh niên Rơ Châm Hạ (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ảnh: Phương Dung

Thanh niên Rơ Châm Hạ (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ảnh: Phương Dung

Đang học năm thứ nhất chuyên ngành Cơ khí Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương tại TP. Đà Nẵng, anh Rơ Châm Hạ (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) xin tạm nghỉ để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh Hạ nêu rõ lý do trong lá đơn tình nguyện: “Bản thân đã có 7 năm học tập dưới mái trường nội trú của huyện, của tỉnh. Em đã được địa phương giúp đỡ, các thầy cô quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ chu đáo. Vì vậy, em luôn biết ơn và muốn làm việc gì đó với nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Mặt khác, em cũng muốn bản thân được rèn luyện cả về ý chí lẫn nghị lực để có đủ bản lĩnh sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách trong tương lai”.

Cũng với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Quốc Pháp (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) trở về địa phương viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong lá đơn tình nguyện, anh Pháp mong muốn được tiếp bước truyền thống cha anh, đóng góp một phần công sức tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước. “Tôi nói rõ những mong muốn này với bố mẹ. Sau cùng, bố mẹ đã gạt bỏ băn khoăn và vui vẻ ủng hộ quyết định của tôi”-anh Pháp bộc bạch.

Mỗi công dân đều có lý do, mục đích khi đặt bút viết lá đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Song, họ đều có điểm chung là nhận thức rõ thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và là vinh dự của bản thân, gia đình. Để rồi, họ gác lại việc riêng, sẵn sàng lên đường tòng quân, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Phấn khởi và vui mừng hơn khi có nhiều “bóng hồng” cũng hăng hái, tình nguyện tòng quân.

Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nữ chiến sĩ Trần Lâm Anh chia sẻ: “Bố là bộ đội Biên phòng nên ngay từ nhỏ, em đã yêu thích bộ quân phục. Em cũng nuôi dưỡng ước mơ sớm trở thành quân nhân. Tuy nhiên, thời điểm em tốt nghiệp THPT, các trường đại học trong quân đội lại không có chỉ tiêu dành cho nữ. Do đó, em đã theo học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”.

Ra trường, có việc làm ổn định tại một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh, song ngay khi biết tỉnh có chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với nữ, Trần Lâm Anh đã viết đơn xin thực hiện nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển.

Theo quy định, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Công dân được gọi nhập ngũ phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ học vấn phù hợp... Hy vọng rằng, nét đẹp đáng quý trong lá đơn tự nguyện tòng quân sẽ được tuổi trẻ tỉnh nhà gìn giữ, phát huy.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.