Lễ diễu binh Ngày Chiến thắng năm nay sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng 9-5 theo giờ địa phương (tức 14 giờ theo giờ Hà Nội), tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.
Lễ diễu binh Ngày Chiến thắng là một trong những sự kiện hàng năm quan trọng nhất ở Nga. Ảnh: Sputnik |
Dưới đây là những điều thú vị về lễ diễu binh này:
Lễ diễu binh đầu tiên không được tổ chức vào tháng 5
Mặc dù ngày 9/5 được xem là Ngày Chiến thắng phát xít Đức, nhưng lễ diễu binh chiến thắng đầu tiên diễn ra vào ngày 24/6/1945. Năm 1949, ngày 9/5 không còn được xem là ngày nghỉ Quốc gia. Phải đến năm 1965, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev mới tuyên bố ngày 9/5 là ngày quốc lễ trở lại và yêu cầu tổ chức diễu binh quân sự. Sau khi Liên Xô tan rã (1991), các cuộc diễu binh không được tổ chức và đến năm 1995 truyền thống này mới được khôi phục. Khi đó, diễu binh không có sự tham gia của các xe quân sự. Đến năm 2008, các loại xe quân sự cũng như máy bay quân sự mới tham gia trở lại vào các cuộc diễu binh.
Cờ chiến thắng chỉ xuất hiện 1 lần ở Quảng trường Đỏ
Lá cờ chiến thắng từng được kéo lên bên trên tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag ở Berlin năm 1945, chỉ xuất hiện đúng 1 lần duy nhất trong cuộc diễu binh quân sự ở Quảng trường Đỏ, nhưng lại không phải là vào năm 1945. Ban đầu, 4 quân nhân – người từng kéo lá cờ chiến thắng trên tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag được đề nghị mang lá cờ chiến thắng này trong cuộc diễu binh chiến thắng năm 1945. Tuy nhiên, vì một số lý do, điều này đã không được thực hiện.
Đến năm 1965, khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khôi phục truyền thống diễu binh, lá cờ chiến thắng mới lần đầu tiên xuất hiện trong lễ diễu binh và được chính 4 quân nhân kể trên mang tới Quảng trường Đỏ. Kể từ đó, lá cờ chiến thắng được đưa vào bảo quản đặc biệt để tránh bị hư hỏng. Lá cờ được mang trong các cuộc diễu binh sau đó đều là bản sao chép.
Tên lửa hạt nhân là thật (Khả năng rất cao)
Có nhiều tranh cãi về việc liệu các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - phần hấp dẫn nhất của các cuộc diễu binh, là thật hay giả. Có nhiều người cho rằng, đó là “đồ thật” và nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, các tên lửa Topol-M hay ICBM sẽ được triển khai và phóng ngay từ Quảng trường Đỏ. Những người phản đối giả thuyết này lại cho rằng, việc mang tên lửa thật qua các đường phố ở Moscow là rất nguy hiểm. Ý tưởng về các tên lửa giả cũng có nguồn gốc lịch sử của nó. Trong cuộc diễu binh năm 1965, một số mẫu tên lửa ICBM đã được trưng bày lần đầu tiên, nhưng không có tên lửa nào trong số đó được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo Rossiyskaya Gazeta, các tên lửa trong các cuộc diễu binh ngày nay là đồ thật.
Trên thực tế, chỉ có 1 cách để có thể tìm ra chân tướng, nhưng chúng ta tốt hơn là không nên làm điều đó.
Năm 1995 có 2 cuộc diễu binh
Năm 1995, Tổng thống Liên bang Nga khi đó Boris Yeltsin tổ chức cuộc diễu binh đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã. Nguyên thủ của 52 nước trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, đã tới dự cuộc diễu binh này. Tuy nhiên, các xe quân sự không được đưa tới Quảng trường Đỏ. Thay vào đó, các cựu chiến binh đại diện cho những người đã từng tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ 2, đã diễu hành tới Quảng trường Đỏ. Các xe quân sự lại tập kết ở Poklonnaya Gora, một khu tưởng niệm cách Điện Kremlin khoảng 9km.
Các đồng minh tham gia diễu binh lần đầu tiên năm 2010
Lực lượng của các nước đồng minh tham gia diễu binh tại Quảng trường Đỏ năm 2010, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 Ngày Chiến thắng. Lực lượng này gồm những quân nhân của Mỹ, Anh, Pháp và Ba Lan. Ngoài các nước phương Tây, quân nhân của các nước thuộc Liên Xô như Azerbaijan, Armenia, Belorussia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Moldova cũng tham gia vào cuộc diễu binh này. Trước năm 2010, các lực lượng đồng minh chỉ tham gia vào cuộc diễu binh ngày 7/9/1947 ở Berlin. Khi đó, Liên Xô, Pháp, Anh và Mỹ cùng tham gia cuộc diễu binh này.
Thùy Linh/VOV.VN
Theo Sputnik