Sau 39 ngày làm việc, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng được đưa ra từ đầu kỳ họp với chất lượng cao.
Đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII, là kỳ họp của nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Do đó, kỳ họp này có vị trí đặc biệt quan trọng giúp Quốc hội nhìn lại chặng đường gần 3 năm qua; đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tư pháp… xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.
Thông qua Hiến pháp - sự kiện lịch sử
Dấu ấn quan trọng có tính lịch sử của kỳ họp này là việc thông qua Hiến pháp sửa đổi với tỷ lệ cao (97,59% đại biểu Quốc hội có mặt). Đại biểu Quốc hội đã đồng loạt đứng lên vỗ tay mừng "giờ phút lịch sử" này.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đã xác định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng, dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho công việc này. Đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Sau một thời gian dài lấy ý kiến cử tri và những nhà khoa học, nhà quản lý, tập hợp ý kiến của nhân dân, Quốc hội đã chắt lọc và đưa vào bản Hiến pháp 1992 những gì tiến bộ, phù hợp và tạo điều kiện cho đất nước, con người Việt Nam phát triển.
Trong thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội công bố lấy ý kiến nhân dân. Nội dung của Dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của Nhà nước và chế độ đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, Dự thảo Hiến pháp đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và phù hợp với tình hình của đất nước. Nhiều ý kiến đánh giá, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự đổi mới về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương.
Đánh giá về sự kiện Hiến pháp được Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, các Đại biểu Quốc hội rất có trách nhiệm trong việc tham gia vào dự thảo Hiến pháp và trong việc ấn nút để thông qua toàn văn Hiến pháp. “Vì thế, bản Hiến pháp này cũng sẽ đánh giá được một bước tiến mới trong việc phát triển của đất nước. Và tôi cũng rất tin tưởng rằng, sau khi Hiến pháp ra đời thì đất nước Việt Nam sẽ có những đổi mới và chắc chắn đất nước sẽ có những bước tiến, đặc biệt là an ninh chính trị được giữ vững, ổn định”.
Để Hiến pháp (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết qui định một số điểm thi hành Hiến pháp.
Và nhiều nội dung quan trọng khác
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật, trong đó có các Luật rất quan trọng như Luật đất đai (sửa đổi), Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật tiếp công dân…
Vào ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Đây là một luật phải xem xét trong 3 kỳ họp liên tục, được nhân dân và cử tri rất quan tâm. Và ban soạn thảo cũng tiếp thu tối đa, đặc biệt là tiếp thu quyền sử dụng đất của người dân, giá đền bù, tái định cư.
Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Quốc hội còn cho ý kiến 10 dự án luật như: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật giao thông đường thủy nội địa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật y tế…
Về giám sát tối cao, Quốc hội đã xem xét các báo cáo công tác năm 2013 của Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao; báo cáo của UB Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Quốc hội cũng đã giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 và nhiều báo cáo khác.
Nét mới của kỳ họp này, là Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Đây là bước đổi mới quan trọng trong tổ chức hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng được đông đảo cử tri quan tâm. Quốc hội dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết luận sau 3 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chánh án trả lời chất vấn và 7 Bộ trưởng tham gia giải trình thêm các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn để tiến hành chất vấn là những vấn đề bức xúc, cần giải quyết, do cuộc sống thực tế của nhân dân đặt ra.
Tuy nhiên, khi đánh giá về chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng vẫn còn thiếu “lửa”, chưa đi đến cùng sự việc; phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành vẫn mang nặng tính báo cáo phần công việc của bộ, ngành mình đã làm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước. Quốc hội cũng đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, như việc qui hoạch tổng thể về thủy điện, đường Hồ Chí Minh, phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014…
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã dành gần 1 tuần làm việc để xem xét công tác nhân sự. Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Thiện Nhân; Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm chức Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.
Quốc hội cũng tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhân sự của một số ủy ban.
Qua hơn 1 tháng làm việc, dư luận cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo VOV