Những điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kon Tum là tỉnh xa nhất ở Tây Nguyên,  sở hữu rất nhiều điểm đến hùng vĩ mà thơ mộng.
1. Nhà thờ gỗ Kon Tum
 
Nhà thờ gỗ Kon Tum Ảnh: Du lịch Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Du lịch Kon Tum
Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum được mệnh danh là báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, thể hiện tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên bao đời qua. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính nhất nơi đây. Nhà thờ tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, được xây dựng từ năm 1913 bởi một vị linh mục người Pháp, vì thế nhà thờ có thiết kế hài hòa giữa kiến trúc Roman mang đậm văn hóa phương Tây với nhà sàn gỗ của người Ba Na, là nét đặc sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên.
 
Nhà thờ là sự kết hợp kiến trúc châu Âu và nét đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên Ảnh: Fanpage Giáo xứ Chính tòa
Nhà thờ là sự kết hợp kiến trúc châu Âu và nét đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Fanpage Giáo xứ Chính tòa
Trần và tường nhà thờ được xây dựng bằng đất trộn rơm, hệ thống cột gỗ, rui mè chạm khắc hoa văn đơn giản nhưng lại toát lên sự mạnh mẽ, phóng khoáng. Bước vào giáo đường, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên về công trình “kiệt tác” này. Những hàng cột được gắn kết với nhau bằng các vòng cung hình vòm, tạo ra không gian cao và thoáng rộng. Trên những cột gỗ đen bóng còn được trang trí nhiều họa tiết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng cao nguyên.
Ngoài ra, trên các vách gỗ điểm những khung cửa sổ bằng kính vẽ lại điển tích trong kinh thành với nhiều màu sắc rực rỡ. Trên tầng 2 của giáo đường là phòng truyền thống lưu giữ hiện vật, lưu giữ lịch sử xuyên suốt từ quá trình truyền giáo ở Kon Tum từ cuối thế kỷ XIX và sự phát triển của đạo Giáo cho đến nay.
2. Nhà Rông Kon K'lor
 
Nhà Rông Kon K'lor Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kon Tum
Nhà Rông Kon K'lor. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kon Tum
Nhà Rông ở Tây Nuyên được coi là “trái tim” của làng, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng, do đó nhà Rông luôn được đặt ở những nơi trung tâm và đẹp nhất. Nhà Rông Kon K’lor ở Kon Tum cũng không ngoại lệ, được đặt ở vị trí đẹp nhất trên con đường Trần Hưng Đạo rộng thênh thang, thẳng tắp. Nhà Rông được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu bằng gỗ, tre, nứa, tranh, lá và được trang trí bằng những họa tiết, hoa văn vô cùng công phu, tỉ mỉ.
 
Đây luôn là nơi tổ chức các lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Ba Na Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Đây luôn là nơi tổ chức các lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Ba Na. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Đến thăm nơi đây, du khách sẽ bị thu hút bởi mái nhà Rông Kon K’lor cao sừng sững, vững chãi, nó chứa đựng bao tâm huyết của nghệ nhân và dân làng Kon K’lor.
Nhà Rông là niềm tự hào của người dân Ba Na, là linh hồn của làng, là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi. Khung cảnh yên bình, tĩnh lặng cùng thiên nhiên xanh ngút ngàn, nơi đây chắc hẳn sẽ níu chân được du khách.
3. Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 30km, vườn quốc gia Chư Mom Ray trải rộng trên hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Đây là 1 trong 3 vườn di sản có diện tích lớn nhất và có tính đa dạng sinh học cao nhất trong cả nước.
 
Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Huy Đằng
Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Huy Đằng
Đến với vườn quốc gia Chư Mom Ray, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, sự phong phú của hệ sinh thái rừng có đến 1895 loài thực vật, trong đó có 52 loại thuộc diện quý hiếm, 101 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
 
Ảnh: Huy Đằng
Ảnh: Huy Đằng
 
Suối nguyên sơ trong vườn quốc gia. Ảnh: Báo Kon Tum
Suối nguyên sơ trong vườn quốc gia. Ảnh: Báo Kon Tum
Vườn quốc gia Chư Mom Ray sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm khám phá du lịch sinh thái, nghiên cứu vùng đất hoang sơ và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên Kon Tum.
4. Khu du lịch sinh thái Măng Đen
Măng Đen là thiên đường sinh thái ở huyện Kon Plong, với độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, nơi đây mang khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ chỉ giao động từ 16 - 22 độ C.
 
Măng Đen mỗi sáng bình minh. Ảnh: Thùy Trinh
Măng Đen mỗi sáng bình minh. Ảnh: Thùy Trinh
Được thiên nhiên ưu đãi, nên Măng Đen có cảnh sắc tuyệt đẹp, được ví như “nàng thơ” của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Có 2 thời điểm đẹp nhất để đến Măng Đen là khoảng tháng 4 tháng 5 khi thời tiết còn se lạnh, hòa với hương thơm của hoa rừng, của lá thông, và thời điểm tháng 10 đến tháng 12 đến Măng Đen du khách sẽ được rong ruổi trên những sườn đồi vàng ươm màu lúa chín từ những thửa ruộng bậc thang.
 
Ảnh: Gina
Ảnh: Gina
Đến với Măng Đen, du khách sẽ được đắm chìm trong không khí của Đà Lạt với những cung đường quanh co, những rặng thông xanh mướt và cả hoa lan rừng thơm nhẹ nhẹ nhưng mê hoặc vô cùng. Trải nghiệm du lịch cộng đồng với Làng Văn hóa Kon Pring, cách trung tâm thị trấn Măng Đen chỉ khoảng 3km.
 
Rừng thông Măng Đen. Ảnh: Hình ảnh Kon Tum
Rừng thông Măng Đen. Ảnh: Hình ảnh Kon Tum
 
Du lịch cộng đồng. Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ
Du lịch cộng đồng. Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ
Ngoài ra, du khách có thể đi tham quan hồ Đăk Ke vô cùng nguyên sơ, vì là khu sinh thái hoang sơ nguyên bản nên nơi đây lưu giữ được rất nhiều thảm thực vật, động vật phong phú đa dạng.
 
Ảnh: Khu Du lịch Măng Đen
Ảnh: Khu Du lịch Măng Đen
5. Cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương
Ghé Kon Tum du khách không thể bỏ qua cột mốc ngã ba biên giới thuộc cửa khẩu quốc tế Bờ Y để check-in và được trải nghiệm cảm giác “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”, vì đây là nơi tiếp giáp của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương được xây dựng từ năm 2007 trên đỉnh núi cao 1086m so với mặt nước biển, nằm ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
 
Đường lên
Đường lên "Ngã ba Đông Dương"
Cột mốc có hình trụ tam giác làm bằng đá hoa cương, quanh 3 mặt là Quốc huy và tên 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
 
Cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương Ảnh: 2 Ngày 1 Đêm
Cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương Ảnh: 2 Ngày 1 Đêm
 
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Hai bên đường lên đỉnh núi rợp bóng lau trắng bay phất phới trong gió, dù đường lên có hơi khó khăn nhưng giữa đại ngàn thiên nhiên thơ mộng mọi thử thách cũng đáng được trải nghiệm và ghi nhớ.
 
Toàn cảnh đường đến “Ngã ba Đông Dương”
Toàn cảnh đường đến “Ngã ba Đông Dương”
Chinh phục được cột mốc biên giới quốc gia, du khách như được “ôm trọn” trời đất vào lòng khi trước mặt là toàn bộ vùng ngã ba Đông Dương trù phú, xanh mướt mắt của núi rừng cây cỏ giữa vùng bình địa đất đỏ bazan.
 
 
Đất trời của ba nước Đông Dương nhìn từ “Ngã ba Đông Dương”
Đất trời của ba nước Đông Dương nhìn từ “Ngã ba Đông Dương”
Thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục ngã ba Đông Dương là từ tháng 10 – tháng 12 âm lịch, vì thời điểm này dã quỳ Kon Tum cũng bắt đầu nhuộm sắc vàng rực rỡ một góc trời Tây Nguyên. 
Theo Vân Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.