(GLO)- Gia Lai đang là tỉnh nghèo và phải phấn đấu rất nhiều mới có thể bằng các địa phương khác trong cả nước. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì có những lĩnh vực Gia Lai phát triển khá nhanh mà nổi bật trong lĩnh vực kinh tế (KT) đó là sự lớn mạnh của các ngành thương mại-dịch vụ (TMDV). Trong cơ cấu kinh tế (CCKT) của tỉnh, nếu năm 1976 ngành nông-lâm nghiệp (NLN) chiếm 71,4%, công nghiệp-xây dựng (CNXD) 15,6% và TMDV 13% thì đến năm 2010 cơ cấu ấy là: 43,3%, 29,57% và 27,13%.
Nghĩa là ngành CNXD và TMDV tăng hơn 2 lần. Và đến năm 2011, với tốc độ tăng trưởng KT cả tỉnh là 13,14% thì mức tăng 18% của CNXD và 15,24% của TMDV, xuất khẩu đạt 350 triệu USD tiếp tục phản ánh CCKT chuyển dịch đúng hướng với việc nâng tỷ trọng GDP trong CNXD và TMDV, giảm thấp tỷ trọng GDP của ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản.
Quầy giao dịch Ngân hàng Sacombank. Ảnh: Đức Thụy |
Ở thời đại nào thì ngành TMDV cũng luôn chiếm giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Mốc đánh dấu ngành TMDV tỉnh nhà “cất cánh” là từ năm 1986-khi Đảng chủ trương đổi mới. Luồng gió mới trong chủ trương và chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước rõ ràng đã khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong xã hội mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Giờ đây ngành KT quan trọng TMDV của Gia Lai đã lớn mạnh rất nhiều. Thương mại, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, chứng khoán, xuất khẩu... ngành nào cũng phát triển toàn diện, mạnh mẽ.
Với ngành vận tải, sự phát triển là “một trời một vực” so với trước đây cả về phương tiện và chất lượng phục vụ. Trước đây, giao thông đi lại nhiều nơi ách tắc thì bây giờ 100% xã ô tô vào đến trung tâm, nối liền hai mùa mưa nắng. Khối lượng vận chuyển hàng hóa và khả năng luân chuyển hành khách của các phương tiện vận tải ngày càng đồ sộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Dịch vụ vận tải phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác, mà thiết thực nhất là thương mại. Tình trạng khan hiếm hàng hóa, ách tắc trong phân phối lưu thông, găm hàng chờ giá, bất ổn thị trường... đã không còn.
Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi khắp nơi, các làng xa xôi cũng có cửa hàng cửa hiệu đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Hàng hóa đã được lưu thông nhanh hơn. Mạng lưới tiêu thụ hàng hóa từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được chú trọng phát triển. Năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm trước.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku. |
Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” được các công ty, siêu thị tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Nhiều vùng nông thôn trở thành thị trường giàu tiềm năng, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Có thể thấy rõ điều này ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê, hay huyện Đức Cơ, huyện Kbang, huyện Chư Prông...
Với đặc thù công nghệ và phương châm “đi tắt đón đầu”, ngành bưu chính viễn thông (BCVT) có tốc độ phát triển chóng mặt. Thành tích của ngành BCVT góp phần đưa đến kết quả: 100% xã có điện thoại, hầu như xã nào cũng có bưu điện văn hóa xã, 100% thôn, làng có điện thoại. Điều không thể phủ nhận là với sự phát triển chóng mặt của nhà cung cấp dịch vụ và sự quan tâm của Nhà nước, là tỉnh miền núi biên giới nhưng BCVT Gia Lai có một trình độ phát triển đáng khâm phục. Và cùng với điện thoại, sách báo, văn hóa phẩm, báo chí, phát thanh truyền hình, phim ảnh... đã giúp bà con các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận với thành tựu khoa học công nghệ, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.
Ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh kế tiếp phải nói đến là ngân hàng. Tính đến cuối tháng 5-2012, toàn tỉnh có 23 tổ chức tín dụng (TCTD), vốn huy động đạt 13 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay 27.600 tỷ đồng. Hầu hết các TCTD đều phát huy tốt chức năng kinh doanh tiền tệ, cung cấp nhiều sản phẩm và tiện ích cho khách hàng. Cùng với chức năng quan trọng nói trên, một số ngân hàng với việc thành lập sàn giao dịch chứng khoán, giúp hình thành một thị trường mới mẻ, tăng nguồn vốn hoạt động cho doanh nghiệp thông qua việc phát hành và niêm yết cổ phiếu. Nguồn vốn ngân hàng có tác dụng giúp các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương vừa làm giàu cho bản thân vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.
Cũng phát triển với tốc độ nhanh là ngành bảo hiểm. So với trước đây, ngành bảo hiểm của tỉnh có bước phát triển rất mạnh. Nhiều công ty bảo hiểm được thành lập và đến nay có đến hàng chục công ty với nhiều loại hình dịch vụ bảo hiểm khác nhau, từ các công ty bảo hiểm riêng lẻ đến các công ty trong chuỗi kinh doanh khép kín của các tập đoàn, công ty lớn, đem đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt, cạnh tranh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thu hút sự tham gia của đông đảo khách hàng. Sự phát triển của ngành bảo hiểm thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các tổ chức và cá nhân khi tham gia bảo hiểm và đây cũng là một tiêu chí phát triển của xã hội hiện đại.
Theo quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2011-2020 xác định: Tốc độ tăng trưởng KT bình quân hàng năm 12,4%, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 12,8%, giai đoạn 2016- 2020 đạt 12%. Tỷ trọng nông-công nghiệp-dịch vụ trong CCKT vào năm 2015 là: 33%, 36,7%, 30,3% và đến năm 2020 là: 28%, 38% và 34%. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng này, quy hoạch đồng thời xác định phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực hợp lý. Với ngành dịch vụ là ưu tiên phát triển ngành có đóng góp cao cho nền KT như: Thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 14,9%, giai đoạn 2016-2020 đạt 12,4%.
Trong đó chú trọng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ. Tăng nhanh lưu thông hàng hóa nhất là mạng lưới tiêu thụ hàng hóa từ thành thị đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; mở rộng thị trường nông thôn, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương. Quan tâm phát triển các dịch vụ truyền thông; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tin học; tiếp cận nhanh các dịch vụ mới; dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển; mở rộng loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Ngoài ra còn phải tôn tạo và phát triển các điểm du lịch, xây dựng các dự án đầu tư theo quy hoạch. Tăng cường các hoạt động dịch vụ với các tỉnh vùng Tây nguyên, duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh; phát triển sang thị trường các nước để xuất khẩu hàng hóa nông sản và nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống.
Thất Sơn