(GLO)- Hình ảnh 128 cá nhân và tập thể khắp cả nước được trưng bày tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khách tham quan. Bằng những việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa, họ như những bông hoa nhỏ góp thêm hương sắc cho đời.
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum với 3 nội dung chính. Cùng với những tư liệu, hình ảnh về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển lãm còn trưng bày 128 tấm gương cá nhân và tập thể với những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Bên cạnh đó là những hình ảnh, tư liệu về tỉnh nhà trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: P.V |
Điểm nhấn của triển lãm lần này chính là 58 tập thể và 70 cá nhân được tuyển chọn từ gần 300 tấm gương do Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh. Bằng hình ảnh và những dòng tóm tắt ngắn gọn, súc tích, triển lãm đã kể lại những câu chuyện cảm động, mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh của đất nước. Đó là nhà khoa học luôn tận tâm vì “hạt ngọc trắng” quê hương Trần Tấn Phương (tỉnh Sóc Trăng); triệu phú đất chè Lai Châu Hoàng Văn Phúc; cựu chiến binh Trần Văn Minh (tỉnh Bình Định) làm theo lời Bác; tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ xóm Ngô Quyền (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) hết lòng vì cộng đồng… Gia Lai cũng góp mặt với những tấm gương tiêu biểu như ca sĩ Y Byen nhận 2 đứa con nuôi chống lại tập tục lạc hậu của buôn làng; anh Nguyễn Văn Kiên (huyện Krông Pa) dũng cảm cứu 5 em học sinh bị nước cuốn trôi; Thượng úy Bùi Minh Quý (Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê) quên mình vì nhiệm vụ; người thầy ngăn dòng bỏ học Vũ Tam Thăng (huyện Ia Pa)…
Em Tô Thị Mỹ Thuận (lớp 8/2, Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku) rất vui khi được cùng các bạn đến tham quan triển lãm. Thuận chia sẻ: “Được tham quan triển lãm này em thấy mình học được nhiều điều. Qua các tấm gương của các cô, các chú, các anh chị trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như ở Gia Lai, em rất xúc động, tự hào. Họ đã dạy cho em lòng nhân ái, sự hy sinh vì cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Ông Huỳnh Văn Kính-Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, cho biết: “Triển lãm là hoạt động chính trị và văn hóa hết sức ý nghĩa. Bởi lẽ, triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt mà còn giúp người xem nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó mỗi người có thể tìm ra cho mình phương pháp học tập, làm theo Bác trong công việc thiết thực hàng ngày”.
Những năm gần đây, việc tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Ông Trần Tiến Đức-Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh, cho hay: “Hàng năm, tỉnh duy trì phát hành tập sách “Giữa rừng hoa đẹp” phát hành trong toàn quốc với số lượng 1.500 quyển/số và tập sách “Người tốt việc tốt làm theo gương Bác” để kịp thời giới thiệu, tôn vinh những tấm gương đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt việc tốt để tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng phát hiện, giới thiệu những điều tích cực, ý nghĩa. Việc làm này đã phát huy hiệu quả khi hàng ngàn tấm gương được biết đến, khiến những hình ảnh tốt đẹp, chân thiện được lan tỏa rộng rãi, truyền cảm hứng và có ảnh hưởng tích cực, sâu sắc trong toàn xã hội”.
Phương Vi