Nhớ Anh hùng Lê Công Khai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa có chuyến về thôn Trung Tây (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thăm gia đình thân nhân Anh hùng quân đội Lê Công Khai. Liệt sĩ chống Pháp Lê Công Khai đã anh dũng hy sinh năm 1954 khi đánh đồn Đak Đoa (nay thuộc xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa).

Xung phong Nam tiến

Nghe cháu nội Lê Công Thư giới thiệu có khách từ Tây Nguyên ra thăm, bà Lê Thị Sang-cháu dâu của liệt sĩ Lê Công Khai vô cùng mừng rỡ. Là người thờ cúng liệt sĩ, bà cho biết, gia đình vợ chồng ông Lê Công Khanh-Lê Thị Chọn có 4 người con, lần lượt là: Lê Công Hiến (bố chồng bà Sang), Lê Công Thoan, Lê Thị Kháy và Lê Công Khai. Về làm dâu năm 20 tuổi (năm 1957) và mặc dù không được gặp chú Lê Công Khai, nhưng những chuyện thời trai trẻ, gương chiến đấu, hy sinh của ông trên chiến trường Liên khu 5 vẫn được mọi người truyền kể cho con cháu nghe vào những dịp giỗ, Tết.

Anh hùng Lê Công Khai (hàng ngồi, thứ 3 từ phải sang) và đồng đội. Ảnh tư liệu N.Q.T sưu tầm

Anh hùng Lê Công Khai (hàng ngồi, thứ 3 từ phải sang) và đồng đội. Ảnh tư liệu N.Q.T sưu tầm

Cùng ngày, tôi đến thăm và hỏi chuyện cán bộ hưu trí Lê Công Dẻo-cháu gọi Anh hùng Lê Công Khai bằng chú ruột. Ông Dẻo kể: Anh hùng Lê Công Khai sinh năm 1926 (Bính Dần) nhưng đã khai tăng lên 1 tuổi thành 1925. Trước lúc lên đường vào Nam đánh giặc, chàng trai Lê Công Khai chưa có vợ và gia đình đã mất liên lạc suốt hơn 10 năm liền cho đến khi nhận được tin báo tử. “Năm tôi 6 tuổi (1946), vài hôm trước ngày lên đường Nam tiến, chú Khai đã đến từng nhà trong làng để tạm biệt bà con anh em, bạn bè. Chú Khai trước đó đã đi học trường làng, là người nhanh nhẹn và tháo vát. Đặc biệt, không rõ học được từ ai, nhưng “chú Khai là người có võ và khá giỏi”-ông Dẻo hồi nhớ.

Bia Lê Công Khai bên bờ sông Bến Hải

Đak Đoa, nơi đảng viên Lê Công Khai ngã xuống, là một trong những trận đánh cuối cùng ở Gia Lai, Tây Nguyên, trước khi chiến tranh tạm kết thúc, 2 miền Nam-Bắc bị chia cắt theo Hiệp định Genève 1954. Hai năm sau ngày hy sinh, năm 1956, Lê Công Khai được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Để động viên cả nước noi gương những người con ưu tú của dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1958, Nhà nước ta đã cho dựng 7 bia đá về các anh hùng, liệt sĩ chống Pháp tiêu biểu, tại Quảng Trị, gồm: Trần Đức, Lê Công Khai, Nguyễn Đô Lương, Trương Văn Ly, Ngô Mây, Ngô Chí Quốc, Wừu. Theo cán bộ quản trang huyện Vĩnh Linh, nơi đặt hệ thống bia đặc biệt này là một ngọn đồi ở phía Bắc, cách cầu Hiền Lương 3 km, dọc theo quốc lộ 1A. Đây chính là biểu tượng Nam-Bắc một nhà, đoàn kết đấu tranh giải phóng đất nước.

Liên hệ với các cơ quan chức năng, tôi được biết thêm: Cuối tháng 4-1958, Đài Anh hùng tỉnh Quảng Trị được khởi công tại khu vực nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh. Khánh thành sau 3 tháng, các tấm bia được đặt trong khuôn viên Đài Anh hùng. Sau này, khi Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh được xây dựng, các bia đá này tiếp tục được bảo quản tại đây. Theo bà Phạm Thị Phượng-cán bộ quản trang huyện Vĩnh Linh, bia khắc công trạng của các vị anh hùng chống Pháp ở đây đều được tạc từ đá núi Nhồi (Thanh Hóa). Sau 65 năm tồn tại, các bia đá vẫn còn có thể đọc được chữ, trừ những chỗ bị bom đạn hủy hoại.

Giấy chứng nhận huân chương (1954) có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh N.Q.T chụp lại

Giấy chứng nhận huân chương (1954) có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh N.Q.T chụp lại

Vĩnh Linh may mắn còn lưu trữ một tập tài liệu đánh máy tuy đơn sơ nhưng ghi lại đầy đủ nội dung các bia đá kể trên. Bia số 2 cho biết: Liệt sĩ Lê Công Khai quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; khi hy sinh là Đại đội trưởng thuộc Liên khu 5, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Sau nhập ngũ, Lê Công Khai xung phong Nam tiến. Gần 9 năm trong quân đội, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 40 trận.

Đầu năm 1947, dù bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng người liên lạc viên trẻ không những không hề khai báo mà sau 4 tháng bị giam cầm, ông đã vận động được 10 anh em tổ chức vượt ngục trở về đơn vị. Trong trận Ninh Mã-Khánh Hòa (tháng 7-1949), Lê Công Khai bắn súng máy kiềm chế hỏa lực địch, diệt 13 tên. Năm 1950, ở trận phục kích Nam Khánh Hòa 1950, ông tự tay bắn súng máy tiêu diệt 10 tên địch và chỉ huy tiểu đội đánh lui một đại đội. Tháng 5-1952, đánh đồn Túy Loan (Quảng Nam), Lê Công Khai đã bình tĩnh chỉ huy trung đội tiêu diệt địch. Bị thương vào chân, ông tự băng bó và tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến khi giải quyết xong trận địa. Trong trận Tú Thủy (An Khê, Gia Lai), khi đại đội trưởng bị thương nặng, Lê Công Khai chính là người lên chỉ huy thay, góp phần san phẳng đồn và bắt sống hơn 1 đại đội địch.

Bia đá ghi công trạng của Anh hùng Lê Công Khai tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Phạm Thị Phượng

Bia đá ghi công trạng của Anh hùng Lê Công Khai tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Phạm Thị Phượng

Đầu năm 1954, đơn vị công đồn Đak Đoa, một cứ điểm kiên cố của địch, ta đã đánh 2 lần nhưng chưa dứt điểm được. Ở lần tập kích thứ 3 này, trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Bị thương gãy chân trái, Lê Công Khai vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu; bị thương gãy thêm chân phải, anh vẫn kiên trì chịu đựng, nằm tại chỗ động viên và chỉ huy đơn vị xông lên giết giặc. Đồn Đak Đoa cuối cùng đã bị đập tan nhưng người đại đội trưởng dũng cảm Lê Công Khai đã anh dũng hy sinh.

Tôi đã nhiều lần trở lại Đak Đoa, lặng đứng trên nền những mô gò gạch đá, bê tông một thời vốn từng là nơi bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, trước khi cứ điểm bị các đơn vị thuộc Trung đoàn 803 (Liên khu 5) xóa sổ vào ngày 17-2-1954. Đọc lịch sử quân sự giai đoạn này, tôi mới biết, để diệt được đồn địch, gần 100 cán bộ, chiến sĩ ta đã ngã xuống (27 người hy sinh, 70 người bị thương).

Ước vọng đầu xuân

Nghe tôi kể về việc có tấm bia ghi công trạng của Anh hùng Lê Công Khai ở Quảng Trị, ông Lê Công Dẻo chia sẻ: Dù gia đình chưa đến Vĩnh Linh nhưng vẫn đinh ninh sau năm 1954, chú ông đã được các đồng đội mang từ Tây Nguyên ra và chôn cất ở đấy. Theo ông Dẻo, anh em dòng họ đều tin như vậy, mà không để ý đến việc đất nước bị chia cắt, việc mang thi thể Anh hùng Lê Công Khai ra miền Bắc khó khăn như thế nào.

Khi tôi hỏi tài liệu về Anh hùng Lê Công Khai, ông Dẻo lắc đầu nói không còn gì. Trao đổi với tôi qua điện thoại, ông Lê Việt Quang-Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa) cũng cho biết: Sở hiện không còn lưu giữ bất kỳ văn bản, giấy tờ nào liên quan đến Anh hùng Lê Công Khai.

Tôi ngước nhìn lên gian thờ Anh hùng Lê Công Khai, không thấy bảng ghi danh hiệu “Anh hùng quân đội” nhưng ngoài tấm ảnh thờ khắc đá, vẫn còn ít nhất 2 hiện vật quan trọng liên quan đến người đã khuất: Huân chương Quân công hạng ba, cấp cho Đại đội trưởng Lê Công Khai, ngày 28-2-1954, có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và Bằng Tổ quốc ghi công, cấp cho liệt sĩ, Tiểu đoàn phó Lê Công Khai, ngày 1-8-1959, có chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bà Lê Thị Sang trước bàn thờ Anh hùng Lê Công Khai. Ảnh: N.Q.T

Bà Lê Thị Sang trước bàn thờ Anh hùng Lê Công Khai. Ảnh: N.Q.T

Trong câu chuyện thân tình, bà Sang và ông Dẻo đều thừa nhận cả hai không còn đủ sức khỏe để ghé thăm nơi từng là đồn Đak Đoa. Dù vậy, họ vẫn mong cháu chắt của mình sẽ có dịp đến Gia Lai, thắp cho Anh hùng Lê Công Khai một nén hương, thay vì chỉ cúng giỗ ông vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Kết thúc thời kỳ chống Pháp, Gia Lai có 2 du kích Bahnar kiên cường được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội là Đinh Núp và Wừu. Cũng chính nơi đây, 2 “bộ đội Việt Minh” can trường là Ngô Mây và Lê Công Khai đã hy sinh anh dũng. Trừ Anh hùng Núp đi qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi tiếp tục có những cống hiến trong hòa bình, các liệt sĩ Wừu, Ngô Mây, Lê Công Khai đều cùng được Nhà nước ta dựng bia ghi danh tại Vĩnh Linh từ năm 1958.

Lê Công Khai đã trở thành một tên đường ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, hẳn vì thiếu thông tin, nên tại Gia Lai, danh tính ông vẫn còn khá… mới mẻ. Ở huyện Đak Đoa-nơi ông ngã xuống-chưa có đường hay trường học mang tên ông. Trong ngân hàng tên đường và công trình công cộng của tỉnh ta mới được công bố gần đây, Lê Công Khai cũng chưa được nhắc đến. Giống bao liệt sĩ khác, có lẽ chúng ta sẽ khó tìm thấy mộ của người con xứ Thanh dũng cảm này. Tuy vậy, việc vinh danh ông với tư cách một anh hùng chống ngoại xâm dưới nhiều hình thức thì hoàn toàn có thể. Đó cũng chính là mong ước của người viết bài này, khi mùa xuân đã gõ cửa từng nhà.

NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.