Nhìn từ Pleiku: Ngăn chặn việc lợi dụng báo chí để trục lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, ngành chức năng đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ tống tiền liên quan đến hoạt động báo chí. Thực tế đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của những nhà báo chân chính. Dư luận xã hội cũng đặt câu hỏi nghi ngờ về đạo đức, phẩm hạnh của những người được cho là đại diện của “quyền lực thứ tư”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Dư luận mấy ngày gần đây lại xôn xao về vụ 2 đối tượng Phan Văn Dũng (trú tại TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Uần (trú tại tỉnh Đak Lak) bị Công an tỉnh Tiền Giang tạm giữ để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, các đối tượng yêu cầu một Cảnh sát Giao thông (CSGT) tỉnh này đưa 250 triệu đồng và bị bắt quả tang khi đang nhận tiền trên ô tô. Các đối tượng khai nhận từng làm cộng tác viên Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Nhân đạo và Đời sống. Theo nguồn tin từ Người Lao Động, vụ việc có liên quan đến một người đàn ông tên Mai Xuân Hiển-phóng viên Báo Nhân đạo và Đời sống. Đáng chú ý, ngoài vụ cưỡng đoạt nói trên, Dũng và Uần cùng một số phóng viên đã thực hiện hàng loạt vụ cưỡng đoạt tiền của CSGT các tỉnh, thành như: Quảng Bình, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... Cụ thể, các đối tượng đến nhiều tỉnh, thành để quay clip CSGT làm nhiệm vụ, sau đó dọa đăng báo để tống tiền. Với thủ đoạn như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, các đối tượng đã cưỡng đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngoài vụ việc nói trên, thời gian gần đây, ngành chức năng đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ tống tiền liên quan đến hoạt động báo chí. Thực tế đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của những nhà báo chân chính. Dư luận xã hội cũng đặt câu hỏi nghi ngờ về đạo đức, phẩm hạnh của những người được cho là đại diện của “quyền lực thứ tư”. Điều đó có thỏa đáng không và bản chất các vụ việc là như thế nào?
Phân tích diễn biến vụ tống tiền tại tỉnh Tiền Giang và một số vụ diễn ra trong thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đối tượng tống tiền thường không phải nhà báo có thẻ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mà là cộng tác viên, phóng viên hợp đồng công việc hoặc người có quan hệ “đặc biệt” với cán bộ, phóng viên ở các cơ quan báo chí. Thông thường, những người này không được hưởng lương và các loại phụ cấp theo quy định của Nhà nước mà chỉ được hưởng nhuận bút tin bài, hoa hồng quảng cáo… Vì vậy, để có tiền trang trải cuộc sống, họ buộc phải xoay xở đủ đường, trong đó có việc “chạy” quảng cáo để hưởng hoa hồng. Cá biệt, có trường hợp dùng thông tin báo chí làm phương tiện để mặc cả với tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính. Về mặt pháp lý, họ hoàn toàn không chính danh nhà báo vì không được bộ chủ quản cấp thẻ, thậm chí không có trong biên chế của cơ quan báo chí mà chỉ quan hệ với danh nghĩa “hai bên cùng có lợi”. Cũng bởi chỉ tồn tại với tư cách cộng tác viên hoặc cao hơn là hợp đồng công việc nên đội ngũ này không được cơ quan báo chí đào tạo, bồi dưỡng và giám sát chặt chẽ. Vì vậy, họ rất dễ vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Đặc biệt, khi sự việc vỡ lở thì cơ quan báo chí sẵn sàng đùn đẩy hoặc chối bỏ trách nhiệm.
Luật Báo chí năm 2016 quy định rất chi tiết về hoạt động báo chí, trong đó có cơ quan báo chí và nhà báo. Khoản 1, Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Điều đó đồng nghĩa với việc người chưa được cấp thẻ nhà báo thì chưa phải là nhà báo. Trong trường hợp phóng viên chưa đủ tiêu chuẩn để cấp thẻ nhà báo thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Vì thế, trong quá trình giao dịch, các tổ chức, cá nhân cần đặc biệt lưu ý đến chi tiết này; tránh để những nhà báo dỏm lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi. Để giữ gìn uy tín đối với công chúng, các cơ quan báo chí cũng phải đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng đội ngũ cộng tác viên và phóng viên hợp đồng công việc. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, bộ chủ quản cũng cần có quy định cụ thể về vấn đề này nhằm tạo môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, kiên quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đức An

Có thể bạn quan tâm

Bão Yagi gây ra trận lũ lớn trên sông Mekong, đang di chuyển về ĐBSCL

Bão Yagi gây ra trận lũ lớn trên sông Mekong, đang di chuyển về ĐBSCL

Cơn bão Yagi (số 3) đã gây ra trận lũ lụt có quy mô và cường độ lớn nhất từng được ghi nhận trong 30 năm qua ở lưu vực sông Mekong tại Thái Lan, Myanmar và Lào. Khối nước khổng lồ từ trận lũ lớn này đang di chuyển về phía hạ nguồn sông Mekong và có thể về đến ĐBSCL của Việt Nam vào đầu tháng 10.
Thông báo biểu mẫu phiếu lý lịch tư pháp

Thông báo biểu mẫu phiếu lý lịch tư pháp

(GLO)- Sở Tư pháp tỉnh vừa có Công văn số 40/STP-NV3 gửi Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh và sở tư pháp các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thông báo sử dụng biểu mẫu phiếu lý lịch tư pháp.
Chư Krêy ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo

Chư Krêy ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Chư Krêy là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Thời gian qua, UBND xã đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Năm 2023, xã có 38 hộ thoát nghèo. Xã phấn đấu giảm 48 hộ nghèo trong năm 2024.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho 4 đại biểu của tỉnh Gia Lai tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho 4 đại biểu của tỉnh Gia Lai tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”

(GLO)- Sáng 17-9, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình tiếp xúc “Cử tri trẻ em”; tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II-năm 2024.