Nhìn rõ thách thức để nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thúc đẩy đầu tư công và kích thích tiêu dùng trong nước được xem là 2 chân kiềng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, trong bối cảnh xuất khẩu được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khi nhiều thị trường tiềm năng bị thu hẹp, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 thì kịch bản lạc quan nhất cũng mới chỉ gần sát mục tiêu kế hoạch đề ra là xấp xỉ 6,5%. Điều cần nhất lúc này là cần nhìn rõ thách thức để nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng.

Báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023 đánh giá: Mặc dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I và 4,14% trong quý II. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%; chỉ số CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% đề ra cho cả năm 2023. Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế-xã hội các tháng đầu năm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, để đạt kế hoạch tăng GDP cả năm là 6,5% thì 6 tháng cuối năm, GDP phải tăng 7-8%.

Hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng. Ảnh: Vũ Thảo

Hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng. Ảnh: Vũ Thảo

Đó là thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh khó đoán định của nền kinh tế thế giới, xu hướng phục hồi không chắc chắn, chỉ số nhà quản trị đặt hàng giảm liên tục trong 4 tháng liền và nhu cầu về các sản phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm từ Việt Nam đang giảm sút. Vì vậy, trụ cột dựa vào xuất khẩu của chúng ta sẽ không còn như trước nữa và khả năng phục hồi tăng trưởng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Đó là lý do vì sao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 theo 3 kịch bản với tốc độ tăng GDP lần lượt là 5,34%, 5,72% và 6,46%, tương ứng với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm là 3,43%, 3,87% và 4,39%.

Kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy, không ít lần kinh tế suy giảm trong 1-2 quý đầu, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm. Những khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 sẽ là “sức ép tích cực” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong điều hành nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng việc gắn ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn với cải thiện môi trường kinh doanh được đề ra trong thời gian qua là rất đúng và trúng. Vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực hiện phải quyết liệt hơn, nhanh hơn để bảo đảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công phải thực hiện ở mức cao nhất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 tổ chức hôm 4-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm nay là 6% và 6,5%. Đồng thời nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch.

Nhận định này là có cơ sở bởi với hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội) nếu giải ngân trên 95% thì đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, kéo theo sự phục hồi của doanh nghiệp và thị trường, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Các dự án giao thông trọng điểm quốc gia cùng hàng loạt dự án đầu tư công ở các địa phương được thúc đẩy triển khai rốt ráo, tạo sự kết nối liên vùng, mở ra cơ hội phát triển giao thương mạnh mẽ cho hàng hóa xuất khẩu. Nguồn lực quốc gia sẽ được phát huy tác dụng, tạo nền tảng cho phát triển bền vững đất nước.

Trong 6 tháng cuối năm, một loạt chính sách được áp dụng như: giảm 2% thuế VAT cùng 36 loại phí, lệ phí khác, trong đó có loại được giảm tới 50% như phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế… Mặt bằng lãi suất cũng giảm dần. Đây là sự hỗ trợ thị trường hết sức ý nghĩa. Hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng. Du lịch phục hồi nhanh khi 6 tháng qua có gần 5,6 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 70% kế hoạch cùng trên 64 triệu khách nội địa, doanh thu du lịch trên 343.000 tỷ đồng cho thấy nhiều khả năng mục tiêu đón khách du lịch năm nay hoàn toàn có thể đạt được.

Mong là chính sách đã trúng rồi cần được triển khai kịp thời, quyết liệt và khả thi cao. Cơ quan công quyền cần làm đúng chức trách, hỗ trợ, đồng hành, chứ đừng “hành” doanh nghiệp và người dân. Có như vậy, niềm tin kinh doanh, tâm lý an tâm mới quay trở lại. “Sức khỏe” doanh nghiệp tốt lên, người lao động có việc làm, có thu nhập, chi tiêu sẽ tăng, thị trường mới “ấm” lên, ý nghĩa của tăng trưởng mới thực sự đạt được.

Có thể bạn quan tâm

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Bước then chốt về sáp nhập

Bước then chốt về sáp nhập

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sau giai đoạn tăng tốc vừa qua, hiện đứng trước bước quyết định: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

'Chắc chân' thị trường nội địa

'Chắc chân' thị trường nội địa

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, chính sách thuế quan khắt khe ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU gây áp lực lớn lên nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thì việc doanh nghiệp quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

50 năm lên tầm cao mới

50 năm lên tầm cao mới

(GLO)- Vùng đất Gia Lai, với sự kiện giải phóng thị xã Pleiku và chiến thắng vang dội trên đường 7 (nay là quốc lộ 25) tháng 3-1975 đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mở ra thời kỳ xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp.

Thuế và chi tiêu của người dân

Thuế và chi tiêu của người dân

Tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn đang phủ bóng lên sức mua trong nước suốt nhiều năm qua. Ở thời điểm hiện tại, tâm lý này đang có chiều hướng được củng cố do những lo ngại về thất nghiệp và giảm thu nhập.