Nhiều tồn tại trong ngành xây dựng trong 5 năm qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 26.12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Tại đây, Bộ đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề vẫn đang cần được giải quyết.

Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm trong ngành xây dựng. Ảnh Cao Nguyên.
Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm trong ngành xây dựng. Ảnh Cao Nguyên.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay.
Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách; xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời, chưa thường xuyên.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành, dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở.
Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch ở một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ; công tác quản lý và triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt còn có hạn chế.
Theo Bộ Xây dựng, vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra), nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ.
Việc phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng không nung và vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế.
Đặc biệt, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.
Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù đã được quan tâm khắc phục từng bước nhưng chưa dứt điểm, do các nguyên nhân chính:
Một số chính quyền và cơ quan chuyên môn xây dựng ở địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai pháp luật về xây dựng. Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
Hệ thống pháp luật về xây dựng, công tác lý luận, phương pháp xây dựng quy hoạch, định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan xây dựng có một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Hệ thống dữ liệu về xây dựng, đô thị, thị trường bất động sản... còn thiếu và không đồng bộ.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.
Cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Một bộ phận cán bộ, công chức ngành Xây dựng còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, quản lý, trì trệ, ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ còn yếu, chưa chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn, vi phạm pháp luật.
CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.