Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

Ám ảnh mỗi khi tới trường

Trường Tiểu học Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) có 6 điểm trường với tổng số 569 học sinh. Điểm trường chính đặt tại làng Ar Bơ Tôk có 352 em, trong đó có 117 em học bán trú. Thế nhưng tại đây chỉ có 1 nhà vệ sinh dành cho học sinh với 4 chậu xí và 20 hố tiểu.

Chưa kể, nhà vệ sinh của điểm trường hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ để phục vụ nhu cầu của hơn 300 học sinh cũng như không đáp ứng được các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

z6008261660070-cf93b158e15e67bbf4f846de556b1029.jpg
Nhà vệ sinh nhỏ hẹp, ẩm thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh. Ảnh: Đồng Lai

Đó cũng là thực trạng chung tại không ít điểm trường trên địa bàn tỉnh. Nhiều nhà vệ sinh bị xuống cấp, vi khuẩn tích tụ, không đủ để phục vụ nhu cầu tiểu-tiện của học sinh, nhất là vào giờ ra chơi. Không gian trường học cũng vì thế mà trở nên ô nhiễm, bốc mùi, trở thành nỗi ám ảnh của học sinh mỗi khi phải sử dụng đến.

Em Nguyễn Lê Đăng Khánh-Lớp 2A4, Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1 (huyện Mang Yang) bày tỏ: "Mặc dù nhà vệ sinh thường xuyên được dọn nhưng mỗi lần đi em vẫn cảm thấy mùi rất hôi và khó chịu. Chưa kể, học sinh đông nên lần nào đi vệ sinh em cũng phải đợi khá lâu”.

hoc-sinh-mong-muon-co-them-nha-ve-sinh-de-bao-ve-suc-khoe-khong-anh-huong-den-qua-trinh-hoc-tap.jpg
Em Nguyễn Lê Đăng Khánh-Lớp 2A4, Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1 (huyện Mang Yang) mong muốn trường sẽ có thêm nhà vệ sinh để không phải xếp hàng đợi mỗi giờ ra chơi. Ảnh: Đồng Lai

Tương tự, em Nguyễn Quỳnh Anh-Lớp 9A1, Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Bất đắc dĩ lắm em mới phải đi vệ sinh ở trường. Mỗi lần vào nhà vệ sinh em đều phải nín thở, bịt mũi để tránh mùi hôi. Em thường tranh thủ đi vệ sinh ở nhà và hạn chế ăn, uống trước khi đến trường”.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng, bất an trước tình trạng này. Anh Nguyễn Sỹ Chai-Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 9A1, Trường THCS Chu Văn An-cho hay: “Con tôi rất ít đi vệ sinh ở trường vì con nói rằng nhà vệ sinh khá hôi lại phải đợi lâu. Mặc dù, nhà trường có thuê nhân viên dọn vệ sinh vào cuối mỗi buổi học nhưng mùi vẫn rất nặng do quá tải”.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Tân-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An-cho biết: Trường chỉ có 1 nhà vệ sinh phục vụ cho 865 học sinh nhưng rất nhỏ và ẩm thấp. Tuy nhiên, đáng mừng là hiện nay trường đang được đầu tư xây dựng thêm một nhà vệ sinh với 8 phòng (4 phòng nam, 4 phòng nữ) thuộc Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới Ia O. Công trình khởi công vào tháng 1-2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới.

Mong ước của thầy-trò

Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh chưa có đủ số lượng nhà vệ sinh. Có nơi, nhà vệ sinh đã xây dựng từ lâu nên xuống cấp trầm trọng dẫn đến không sử dụng được. Dù giáo viên và học sinh đã rất ý thức và cố gắng để giữ gìn vệ sinh chung, song hiện thực trạng nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi vẫn khó có thể khắc phục triệt để.

Do vậy, thầy-trò các trường đều có một mong ước chung là được cấp trên quan tâm, đầu tư xây dựng bổ sung nhà vệ sinh mới hoặc nâng cấp, sửa chữa đối với các nhà vệ sinh trường học đã xuống cấp để đảm bảo an toàn sức khỏe và vệ sinh môi trường học đường.

nhieu-cong-trinh-nha-ve-sinh-van-con-tinh-trang-ban-hoi-thoi-tro-thanh-noi-am-anh-cua-khong-it-hoc-sinh.jpg
Công trình nhà vệ sinh trong tình trạng xuống cấp và nặng mùi trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh. Ảnh: Đồng Lai

Thầy Nguyễn Đình Chí-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đê Ar đề xuất nguyện vọng: Nhà trường mong muốn được các cấp ngành quan tâm đầu tư xây thêm 1 nhà vệ sinh tại điểm trường chính gồm 8 chậu xí, 10 hố tiểu cho nữ và 8 chậu xí, 10 hố tiểu cho nam. Đặc biệt, trường chưa có nhà tắm nên cần thêm 5 phòng tắm cho học sinh bán trú.

Tương tự, cô Phạm Thị Tuyết-Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1-cho biết: Trong năm học 2024-2025, trường có 781 học sinh chia thành 22 lớp nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh được xây dựng từ năm 2006 và 2019. Mặc dù đã sửa chữa, nhưng cả 2 nhà vệ sinh đều đang xuống cấp và quá tải.

"Nhà trường rất mong được xây thêm nhà vệ sinh và lắp đặt thêm các chậu xí, hố tiểu để đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Bởi lẽ vào giờ ra chơi, số lượng học sinh đông, nhiều em phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt sử dụng”-cô Tuyết bày tỏ.

“Em ước trường sẽ có nhà vệ sinh sạch sẽ để có thể an tâm, thoải mái sinh hoạt hơn trong quá trình học tập tại trường”-em Cao Nguyên Hoàng Yến (lớp 5A2, Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1) thủ thỉ.

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang Trần Văn Bảng thông tin: Nhiều trường học trên địa bàn đã được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, bao gồm cả khu nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít khu nhà vệ sinh của một số trường, điểm trường thật sự chưa đáp ứng được tiêu chuẩn; thậm chí có nơi còn quá tải vì học sinh đông mà nhà vệ sinh thì ít.

“Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã được cấp 4 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học trong khu vực. Kinh phí này sẽ được sử dụng để xây dựng các hàng rào, các công trình phụ trợ; đồng thời, xây mới 3 nhà vệ sinh cho các trường: Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1 (thị trấn Kon Dơng), Mẫu giáo Đak Ta Ley (xã Đak Ta Ley) và Mẫu giáo Kon Chiêng (xã Kon Chiêng). Dự kiến, các công trình sẽ hoàn thành và bàn giao cho các trường vào cuối năm 2024”-ông Bảng nói thêm.

Theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành "Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học", khu vệ sinh học sinh bố trí theo các khối phòng chức năng, phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt, bảo đảm cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Số lượng thiết bị đối với nam là 1 tiểu nam, 1 xí và 1 chậu rửa cho 30 học sinh (trường hợp làm máng tiểu bảo đảm chiều dài máng 0,6 m cho 30 học sinh), có tường/vách ngăn giữa chỗ đi tiểu và xí; đối với nữ gồm 1 xí và 1 chậu rửa cho 20 học sinh. Trường hợp khu vệ sinh riêng biệt cần đặt ở vị trí thuận tiện cho sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường.

Ông Phạm Đức Huệ-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Nếu căn cứ theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT thì trên địa bàn tỉnh không có trường nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn về nhà vệ sinh cho học sinh. Bình quân hơn 100 học sinh/hố tiểu là thực trạng hiện rất đáng lo ngại".

Theo ông Huệ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy định chồng chéo giữa các luật. Cụ thể, Luật Ngân sách nhà nước cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo... trong khi đó, Luật Đầu tư công lại quy định các khoản chi xây mới, sửa chữa phải dùng nguồn chi đầu tư công và phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công. Do đó, nhiều cơ quan, đơn vị có công trình bị hư hỏng, xuống cấp, cần thực hiện sửa chữa ngay để duy trì hoạt động nhưng không có trong kế hoạch đầu tư công để thực hiện.

Bác sĩ Bùi Trường Giang-Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai:Nhà vệ sinh là nơi chứa lượng chất thải lớn. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ tạo ra khí NH3 độc hại, có mùi khai, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh. Môi trường không sạch sẽ, thiếu nhà vệ sinh khiến các em ngại đi tiểu/đại tiện, nhịn tiểu/đại tiện gây ra nhiều hệ lụy như: táo bón, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm nấm âm đạo..., đặc biệt là đối với bé gái. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe sinh sản sau này mà còn để lại ấn tượng xấu về tuổi thơ của trẻ.

Thêm vào đó, kiến thức về chăm sóc sức khỏe và giới tính trong trường học còn hạn chế, chủ yếu được giảng dạy qua môn Sinh học hoặc các hoạt động tuyên truyền. Điều này khiến học sinh thiếu hiểu biết về cách bảo vệ sức khỏe cá nhân, dẫn đến nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong) trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Ảnh: N.M

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang phối hợp với một số trường học trên địa bàn ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ trở thành sân chơi bổ ích giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện giao lưu, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống.

Trường học không điện thoại di động

Trường học không điện thoại di động

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều năm giữ vị trí số 1 trong các trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất TP, cấm học sinh dùng điện thoại di động trong bao nhiêu năm qua, kể cả giờ ra chơi, ăn bán trú, nghỉ trưa.