Người Jrai ở Krông Pa lưu giữ nếp nhà dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Kiến trúc nhà ở phần nào thể hiện nét văn hóa trong đời sống của một cộng đồng. Với người Jrai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), văn hóa ấy thể hiện rõ nét qua từng nếp nhà dài, chở che qua bao thế hệ.

Ngôi nhà dài của gia đình ông Rơ Lan Bốk (buôn Du, xã Chư Rcăm) nép mình dưới tán cây xoài xanh mát. Ảnh: P.L

Ngôi nhà dài của gia đình ông Rơ Lan Bốk (buôn Du, xã Chư Rcăm) nép mình dưới tán cây xoài xanh mát. Ảnh: P.L

Mặc dù đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang song gia đình ông Rơ Lan Bốk (68 tuổi, buôn Du, xã Chư Rcăm) vẫn chọn giữ lại ngôi nhà dài ở bên cạnh để làm kỷ niệm và làm nơi để đại gia đình ông tập trung ăn uống, hội họp vào mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết.

Mỗi lúc rảnh rỗi, ông Bốk lại ngồi bên hiên nhà sàn tranh thủ chuốt nan, đan gùi. Ảnh: P.L

Mỗi lúc rảnh rỗi, ông Bốk lại ngồi bên hiên nhà sàn tranh thủ chuốt nan, đan gùi. Ảnh: P.L

Đó là một ngôi nhà dài truyền thống còn giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc độc đáo nép dưới bóng 2 cây xoài lâu năm. Ông Bốk kể: Ngôi nhà này được dựng nên từ năm 1986 với 16 cột trụ bằng gỗ cà chít cao khoảng 5,5 m. Ngoài ra, phần vì, kèo, vách và sàn nhà cũng làm hoàn toàn từ gỗ rừng, được xẻ bằng cưa tay đều tăm tắp. Ngày ấy, mỗi khi trong làng có ai dựng nhà, bà con đều chung tay giúp. Đẽo cột là vất vả nhất. Cứ 2 người đẽo 1 ngày thì xong 1 cây cột trụ. Cơm nước có thế nào thì ăn thế ấy, không ai đòi hỏi công cán gì. Cũng chỉ những gia đình nào khá giả mới có thể dựng được nhà to và rộng như thế.

Căn nhà cũ của ông Bốk mang đầy đủ nét đặc trưng của nhà dài truyền thống. Nhà dài khoảng 30 m, trước đây được chia làm nhiều gian cho 4 thế hệ sinh sống. Ảnh: P.L

Căn nhà cũ của ông Bốk mang đầy đủ nét đặc trưng của nhà dài truyền thống. Nhà dài khoảng 30 m, trước đây được chia làm nhiều gian cho 4 thế hệ sinh sống. Ảnh: P.L

Ngôi nhà của gia đình ông Bốk dài khoảng 30 m, chiều ngang khoảng 5 m. Chỉ có phần mái tranh trước đây được thay bằng mái tôn, còn lại thì hầu như gần 40 năm không phải sửa chữa gì. Những trụ cột, vì, kèo đen nhánh, bóng loáng theo thời gian càng khiến cho ngôi nhà thêm phần vững chãi. Trước đây, khi cả gia đình 4 thế hệ cùng chung sống, bên trong nhà được chia thành nhiều vách tương ứng với mỗi hộ gia đình sinh hoạt. Bây giờ, khi 6 người con của ông đã lập gia đình, theo lối sống mới làm nhà ra ở riêng, những vách ngăn ấy đã được dỡ bỏ, khiến không gian ngôi nhà như được mở rộng. Hiện chỉ còn cô con gái út ở chung với vợ chồng ông Bốk.

Hệ thống cột trụ, vì, kèo bên trong ngôi nhà dài của gia đình ông Bốk ngả màu đen bóng, mang dấu ấn của thời gian. Ảnh: P.L

Hệ thống cột trụ, vì, kèo bên trong ngôi nhà dài của gia đình ông Bốk ngả màu đen bóng, mang dấu ấn của thời gian. Ảnh: P.L

“Cũng có nhiều người hỏi mua lại ngôi nhà gỗ này, nhưng tôi không bán, để làm kỷ niệm và cũng để con cháu về có chỗ chơi, nhớ lại ngày xưa cả nhà cùng chung sống quây quần bên nhau. Ngày ấy người đông nhưng vì nhà gỗ, phần sàn lại có khe hở nên vẫn có gió lùa vào nhà mát mẻ lắm”-ông Bốk bộc bạch.

Bên trong ngôi nhà dài của gia đình chị Rơ Ô H'Nếu (buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm). Ảnh: P.L

Bên trong ngôi nhà dài của gia đình chị Rơ Ô H'Nếu (buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm). Ảnh: P.L

Tương tự, phần sàn gỗ bên trong ngôi nhà dài của gia đình chị Rơ Ô H’Nếu (buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) đã lên màu nâu bóng theo thời gian. Từ khi sinh ra, ngôi nhà dài này đã có và gắn bó với chị cho đến bây giờ. Cũng như nhiều gia đình Jrai khá giả khác, cha mẹ chị vẫn chọn giữ lại ngôi nhà dài này dù đã dựng một ngôi nhà sàn kiểu mới rộng rãi, khang trang ngay bên cạnh. Cả 2 ngôi nhà san sát, nối với nhau bằng 5 bậc cầu thang nhỏ xinh. Không chỉ có chiều dài ấn tượng với gần 20 m, phần đầu cầu thang dẫn lên ngôi nhà vẫn còn vẹn nguyên hình dáng bầu vú mẹ và quả bầu được tạc đẽo khéo léo-nét đặc trưng đại diện cho chế độ mẫu hệ của người Jrai.

Cầu thang mang đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Jrai. Ảnh: P.L

Cầu thang mang đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Jrai. Ảnh: P.L

Vì giờ đây chỉ sử dụng để làm nơi nấu nướng, tụ họp của cả gia đình khi có dịp đông đủ nên bên trong ngôi nhà bố trí 2 bếp lửa ở 2 đầu, thuận tiện cho sinh hoạt. Chị H’Nếu bày tỏ: Người Jrai quen ở nhà sàn, nhà gỗ bởi mát mẻ, gần gũi. Cha mẹ mình cũng vậy, dù có điều kiện hơn trước nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà này để làm kỷ niệm, nhắc nhở một thời gian khó”.

Ngôi nhà của ông Kpă Bưn (buôn Mlăh, xã Phú Cần) dài khoảng 30 m được dựng nên từ năm 2003. Ảnh: P.L

Ngôi nhà của ông Kpă Bưn (buôn Mlăh, xã Phú Cần) dài khoảng 30 m được dựng nên từ năm 2003. Ảnh: P.L

Còn đối với ông Kpă Bưn (buôn Mlăh, xã Phú Cần), nhắc đến ngôi nhà dài mà gia đình ông đang sinh sống là cả một sự tự hào. “Suốt nửa tháng ròng, tôi cùng các anh em trong làng đổi công cưa ván, đẽo cột, tập kết gỗ. Xong đâu đấy thì dựng 4 ngày là xong ngôi nhà. Từ năm 2003 đến nay nhà cũng chưa sửa chữa gì đâu”-ông Bưn vui vẻ giới thiệu về nơi mình ở. Hiện có 6 người thuộc 3 thế hệ cùng sinh sống trong ngôi nhà này.

Bên trong ngôi nhà của gia đình ông Kpă Bưn được bố trí, sắp xếp các không gian hợp lý cho 6 người cùng sinh hoạt.

Bên trong ngôi nhà của gia đình ông Kpă Bưn được bố trí, sắp xếp các không gian hợp lý cho 6 người cùng sinh hoạt.

Bên trong, các gian được phân chia rõ ràng. Ở gian đầu tiên, sát bức vách, ông Bưn còn buộc một hàng ghè rượu và trưng bày những chiếc trống do ông tự tay làm. Ngôi nhà cũng trổ nhiều cửa sổ để lấy sáng và khiến không gian trở nên thoáng đãng hơn, thích hợp với khí hậu nắng nóng của vùng “chảo lửa”.

Những ngôi nhà dài truyền thống có tuổi đời hàng chục năm nép dưới bóng cây cổ thụ tạo thành nét yên bình, mộc mạc. Ảnh: P.L

Những ngôi nhà dài truyền thống có tuổi đời hàng chục năm nép dưới bóng cây cổ thụ tạo thành nét yên bình, mộc mạc. Ảnh: P.L

Cuộc sống ngày càng hiện đại, cùng với việc hội nhập với những luồng văn hóa mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn thì người Jrai ở Krông Pa vẫn chọn lưu giữ nếp nhà dài như một nét văn hóa độc đáo. Vì lẽ đó, xen kẽ với những ngôi nhà xây khang trang, Krông Pa vẫn khiến bao du khách không khỏi thích thú khi nhìn thấy nếp nhà sàn dài gần gũi, mộc mạc nép mình dưới những tán cây xanh mát nằm dọc theo quốc lộ 25 hay vào tận trong những buôn làng. Đó cũng chính là minh chứng cho tính cố kết cộng đồng, sự gắn bó mật thiết của mỗi gia đình người Jrai.

Có thể bạn quan tâm

Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.