Người dân Ia Băng tự nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào hiến đất làm đường giao thông, trường học... được người dân xã Ia Băng (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hưởng ứng tích cực. Hàng chục ngàn mét vuông đất đã được người dân tình nguyện hiến nhằm nỗ lực đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.
Theo chân cán bộ xã Ia Băng, chúng tôi đến thăm làng Châm Prông. Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Lít niềm nở cho biết: Năm 2009, khi xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, tôi đã không ngần ngại hiến 2.500 m2 đất và phá bỏ hàng trăm cây cà phê để góp phần mở con đường rộng 8 m, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản.
Ông Lít bộc bạch: “Trước đây, tuyến đường từ trung tâm xã tới khu sản xuất là đường cụt. Vì vậy, bà con phải đi vòng vài cây số mới tới nơi. Ngoài ra, khi vận chuyển nông sản, phân bón, bà con phải bỏ xe ở ngoài đường chính rồi khuân vác hàng trăm mét mới vào được vườn rẫy. Vì vậy, gia đình tôi phá bỏ một phần diện tích cà phê để mở đường cho bà con đi lại thuận tiện hơn”.
Đoạn đường đi qua khu rẫy của ông Rơ Châm Lít (làng Châm Prông) được mở rộng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. Ảnh: R’Ô HOK
Đoạn đường đi qua khu rẫy của ông Rơ Châm Lít (làng Châm Prông) được mở rộng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. Ảnh: R’Ô HOK
Noi gương ông Lít, nhiều hộ trong làng cũng tự nguyện hiến đất làm đường giao thông. Gia đình anh Bin có đất liền kề với vườn cà phê của ông Lít. Vừa qua, anh cũng đã hiến 1.800 m2. Hiện nay, con đường đã hoàn thành giúp bà con đi lại thuận tiện. Anh Bin cho hay: “Khi xã có chủ trương mở đường, thấy ông Lít hiến đất, gia đình tôi cũng làm theo. Mặc dù phải chặt bỏ cà phê nhưng để bà con có đường đi lại thuận lợi, mình chịu hy sinh một chút quyền lợi cũng không sao”.
“Vừa rồi, nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào lui vào mỗi bên 1 hàng cà phê để làm đường bê tông nội làng rộng 3 m. Bây giờ, cứ đến mùa thu hoạch nông sản, xe tải, xe công nông chạy bon bon, ra vào nườm nượp”-ông Lít phấn khởi nói.
Tương tự, tại làng Châm Bôm, phong trào hiến đất xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn cũng được người dân đồng tình hưởng ứng. Mặc dù gia đình không khá giả, nhưng khi được UBND xã vận động hiến đất xây dựng trường học mầm non, ông Moh đã tự nguyện phá bỏ hơn trăm cây cà phê đang chuẩn bị thu hoạch để hiến 1.000 m2 đất. Dẫn chúng tôi ra xem khu đất xây trường, ông Moh thổ lộ: “Ban đầu, gia đình mình không đồng ý hiến đất vì kinh tế khó khăn, nhà đông con, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào 4 sào cà phê. Tuy nhiên, chứng kiến các cháu đi lại vất vả, tôi quyết định phá bỏ vườn cà phê để hiến đất xây trường cho các cháu đi học thuận tiện. Con cháu mình học biết cái chữ sẽ có tương lai tốt hơn”.
 Điểm trường mầm non làng Châm Bôm được xây dựng trên mảnh đất do ông Moh hiến tặng. Ảnh: R’Ô HOK
Điểm trường mầm non làng Châm Bôm được xây dựng trên mảnh đất do ông Moh hiến tặng. Ảnh: R’Ô HOK
Nhờ phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ia Băng đã có 11/11 thôn, làng được công nhận đạt danh hiệu “thôn, làng văn hóa”, trong đó có 10 thôn, làng giữ vững danh hiệu từ 3 năm trở lên, 2.257 hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: “Trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, lợi ích của việc hiến đất làm đường giao thông, xây trường học... từ đó nhận được sự đồng thuận của người dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2021”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.