"Người đàn bà điên" ở trại phong Quả Cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mặc kệ miệng đời với những lời xì xầm phía sau lưng, trong suốt 32 năm qua, người đàn bà ấy vẫn bền chí với ý nguyện của mình. Đó là gắn bó với những người mắc bệnh phong, những người bị xa lánh với chân tay bị ăn cụt. Căn bệnh không thuốc chữa, bị nhiều người chối bỏ, xa lánh ấy trong đôi mắt "người đàn bà điên" của trại phong Quả Cảm cũng chỉ là nỗi đau của cõi thường.
Như nằm tách biệt với xã hội, bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là trại phong Quả Cảm như một ốc đảo cô tịch, chơ vơ và đầy nỗi đau. Phía sau cánh cửa của trại là nhiều cảnh đời, nhiều câu chuyện với bao đau thương và nước mắt của những người sống thiếu đi sự quan tâm của gia đình.
Qua sự giới thiệu, chúng tôi được gặp bà Xuân, người được coi là "linh hồn" của trại phong Quả Cảm. Khác với suy nghĩ trước đó, bà Xuân xuất hiện giống như một phần của trại phong, không tách biệt, không xa lạ với mái tóc rối khô xơ xác được buộc vội cùng bộ quần áo cũ kĩ, tuềnh toàng… 
 
Bà Xuân cùng những bệnh nhân phong.
Ở trại phong này, không ai không biết về bà Xuân, một người phụ nữ quả cảm như chính cái tên của trại này. Nhưng với nhiều người ở bên ngoài cổng trại, bà Xuân lại bị coi như một sự khác biệt, "người đàn bà điên" khiến nhiều người khó hiểu.
Bà Xuân tên thật là Nguyễn Thị Xuân (SN 1957, Quế Võ, Bắc Ninh), theo đạo tôn giáo và tu tại gia. Trước khi gắn bó với trại phong Quả Cảm trong suốt 32 năm, bà từng là giáo viên mầm non tại địa phương nơi mình sinh sống. Bà đến với trại phong giống như một mối lương duyên sắp đặt, vốn dĩ phải thế một cách rất "tình cờ".
"Khi ấy, mình đến nhà thờ Bắc Ninh và được nghe nói tới những người phong, nhưng hồi ấy, họ vẫn gọi là "người hủi". Bản thân mình chỉ nghe chứ không hình dung ra họ như thế nào. Sau đó, mình vô tình đọc một cuốn sách "Lạc quan trên miền thượng", viết về một linh mục công giáo của Pháp, sau khi đến Việt Nam đã lập ra một trại phong ở Di Linh (Lâm Đồng). Mình chợt nghĩ, người ta là người Pháp mà sang Việt Nam giúp người phong, còn mình thì không làm được gì", bà Xuân kể lại.
Nghĩ vậy, bà Xuân liền đi tìm và hỏi thăm được tới trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh), nơi sinh sống của rất nhiều người bị phong, căn bệnh bị cả xã hội khi ấy xa lánh, hắt hủi. Năm ấy, bà Xuân vừa tròn 30 tuổi.
Nói về trại phong Quả Cảm thời điểm ấy, trong kí ức của bà Xuân, ấn tượng đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn dù đã qua biết bao năm tháng. Ngày hôm ấy là ngày chủ nhật, ở bên trong một căn phòng cấp 4 cũ nát, một ông cụ mắc bệnh phong đã 84 tuổi, quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội) đang ốm rất nặng cuối của cuộc đời.
"Lúc đó tôi còn làm giáo viên mầm non nên phải đến chủ nhật tuần sau mới quay lại trại phong. Nhưng ai ngờ, khi tới nơi, cụ ông đó đã vừa qua đời", bà Xuân kể.
Hối tiếc, bàng hoàng và đau đớn, đó là những gì mà bà Xuân cảm nhận. Một lễ tang không thân nhân, không khăn tang hay một tiếng khóc thương người đã khuất. Một người đã ra đi khỏi thế giới một cách lặng lẽ như họ chưa từng tồn tại trên thế gian. Họ chỉ sống trong kí ức của một vài người mắc bệnh phong với chân tay cụt ngủn, cũng không rõ còn sống được bao lâu. Cũng chính họ đem ông lão lên núi chôn cất và để lại một vài nén nhang cho đỡ hiu quạnh.
Bà Xuân bùi ngùi nói: "Lúc ấy mình đã nghĩ, đi dạy mẫu giáo cũng ngày 2 bữa cơm. Lên đây giúp các cụ cũng ngày hai bữa. Cuộc đời chẳng có gì khác nhau nhưng lại có thể giúp đỡ những con người cô độc và khốn khổ như thế này nên đã bỏ nghề dạy trẻ để lên trại phong Quả Cảm".
 
Những bệnh nhân giờ đã có nơi ở tốt hơn.
Quyết định bỏ nghề giáo viên khi ấy dĩ nhiên bị người nhà, bạn bè phản đối một cách kịch liệt. Có nhiều người đều cho rằng bà bị điên nên mới có lựa chọn như vậy.
"Có nhiều người còn dùng những từ rất nặng nề, bảo mình là bị điên. Mình nghĩ, chắc mình cũng điên thật, điên vì thương những bệnh nhân của trại", bà Xuân cười nói.
Có mặt tại trại phong, người phụ nữ vừa qua tuổi 30 và còn chưa lập gia đình, cả ngày tất bật với công việc phục vụ, giúp đỡ những bệnh nhân của trại, từ lau nhà, giặt giũ quần áo cho đến tắm rửa. Khi đó, trong trại phong quả cảm đang có gần 300 bệnh nhân nên công việc thường nhật ấy đã cuốn theo bà suốt cả một ngày dài, không còn thời gian mà làm việc khác.
Từ bỏ một công việc "sạch sẽ", không có nhiều vất vả như nghề giáo viên để làm một công việc giống như tạp vụ. Hẳn khi đó, việc nhiều người cho rằng bà Xuân là "người đàn bà điên" cũng là lẽ thường. Ngay chính những người có mặt trong trại phong Quả Cảm cũng nghi ngờ về sự xuất hiện, về lòng tốt kì lạ của bà. Bởi công việc mà bà Xuân đang làm ít ai muốn làm.
Nhưng sau một năm dài làm việc không ngần ngại, sự nghi ngờ bị đẩy lùi về phía sau bởi tấm chân tình của người phụ nữ không gia đình ấy. Thấy bà Xuân làm việc không màng chút lợi ích nào cho bản thân mình, giám đốc trại phong khi ấy đã gọi bà lên đề nghị: "Nếu cô không sợ bệnh thì hãy đi học lấy bằng y tá về, chúng tôi sẽ nhận làm nhân viên".
Năm 1988, bà Xuân vào trại phong Quy Hòa (Bình Định) để học làm y tá. Kết thúc khóa học, bà làm đơn xin làm nhân viên của trại phong Quả Cảm. Thế nhưng, Sở Y tế Hà Bắc (tên gọi 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay) chưa chấp nhận ngay vì nghi ngờ trước sự chuyển việc kì lạ của bà Xuân.
 
Gian nhà cấp 4 nơi bà Xuân làm việc.
"Quan niệm về người bị bệnh phong khi đó còn nặng nề. Chẳng ai nghĩ sẽ có người tình nguyện đi vào "trại hủi" làm việc cả. Do đó, họ phải điều tra xem mình là người như thế nào, có mục đích gì trước khi tiếp nhận. Và mãi đến ngày 4-3-1992, tôi mới chính thức trở thành y tá của trại phong Quả Cảm", bà Xuân giải thích.
Là một y tá chính thức của trại phong, ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, bà Xuân lại có thêm công việc mới, đó là phát thuốc cho người bệnh. Chứng kiến cảnh những người tàn tật đi lại khó khăn, phải bò lê trên đường, bà Xuân lại nảy ra ý tưởng phải hỗ trợ họ có những đôi bàn tay, bàn chân mới.
Nghĩ là làm, đến tháng 10-1992, bà xin đi học làm chân giả tại Bình Dương và sau đó trở về trại phong, được sự hỗ trợ để thành lập Phòng Chức năng chỉnh hình - nơi chuyên làm các dụng cụ để hỗ trợ những đôi bàn tay, bàn chân bị ăn mòn, co quắp. Kể từ đó, những bệnh nhân phong có những chiếc chân giả, những chiếc xe đẩy hỗ trợ đi lại, thay vì việc phải dùng những chiếc xô cũ như trước để đi lại, khiến da thịt trầy xước và đau đớn.
Đến năm 2012, sau 25 năm làm việc, "người đàn bà điên" năm nào đã đến tuổi nghỉ hưu. Thấy mình vẫn còn sức khỏe, vẫn còn có nguyện vọng giúp đỡ các bệnh nhân cùng khổ, bà Xuân lại xin được ở lại làm việc tại trại phong Quả Cảm.
Đáp lại nguyện vọng của bà, Sở Y tế Bắc Ninh tiếp tục ký hợp đồng sau hưu hàng năm để bà làm việc tại phòng phục hồi chức năng, giúp đỡ các cụ già trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Việc tiếp tục ở lại làm việc tại trại phong của bà Xuân một lần nữa bị nhiều người quen biết cho là quyết định kì lạ, của người điên. Nghe đến đó, bà Xuân chỉ cười vì đã mang tiếng người điên, đã một lần điên thì đâu sợ những lời nói nặng nề đó.
Không chỉ giúp đỡ người bệnh phong trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe, bà Xuân còn là người đã đứng ra tổ chức và kêu gọi sự giúp đỡ, quan tâm của cộng đồng với nhóm người yếu thế này. Sự chân tình của bà đã giúp nhiều "Mạnh Thường Quân tìm về với bệnh nhân phong.
Bên cạnh việc cải thiện từng bữa cơm, manh áo mới, bà Xuân còn làm cầu nối để giúp cho nhiều bệnh nhân phong có thể tái hòa nhập cộng đồng. Những đồng vốn làm ăn, những căn nhà nhỏ dựng lên… giúp nhiều gia đình được vực dậy từ hoàn cảnh suy sụp, bi đát. Nhiều người con của các cặp bố mẹ mắc bệnh phong đã trưởng thành, trở thành giáo viên, bác sĩ…
Có người trêu bà Xuân là "tỷ phú không tiền", bà Xuân chỉ cười: "Mình đi ăn mày người giàu để giúp cho người nghèo. Bản thân mình chẳng màng chút gì nhưng luôn cảm thấy vui và hạnh phúc".
Đinh Hiền (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.