Ngôi đền linh thiêng nhất Nhật Bản 20 năm xây lại một lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thần cung Ise được mệnh danh là ngôi đền thiêng nhất Nhật Bản, gây tò mò cho du khách với truyền thống 20 năm xây lại một lần.
 

 

Thần cung Ise thuộc thành phố Ise, tỉnh Mie, Nhật Bản, là một trong những công trình quan trọng nhất của Thần đạo Shinto. Quần thể đền gồm hơn 100 đền thờ, phân bố trên một khu vực rộng lớn.
 

 

Hai ngôi đền quan trọng nhất là đền Nội Naiku và đền Ngoại Geku. Đền Nội được cho rằng có niên đại từ thế kỷ 3 và được thờ cao hơn so với đền Ngoại, bởi đây là nơi cất giữ Gương Thần của hoàng đế.
 

 

Tất cả chi tiết của Thần cung Ise đều mang tính biểu tượng, đặc trưng và hơi hướm cổ xưa.
 

 

Điều thú vị về quần thể đền này là đền Nội, đền Ngoại cũng như cây cầu Uji được xây dựng lại 20 năm một lần. Truyền thống này đã được thực hiện suốt 1.300 năm qua, là một phần trong đức tin của Thần đạo Shinto về cái chết, sự đổi mới của tự nhiên và sự vô thường của mọi vật. Đây cũng là cách để truyền lại những bí quyết và kỹ thuật xây dựng đền cho thế hệ sau.
 

 

Việc xây dựng lại các ngôi đền tiến hành trên khu đất liền kề với chỗ cũ, và mỗi lần xây lại sẽ luân phiên giữa 2 địa điểm này. Đầu tiên, các ngôi đền cũ được tháo dỡ, sau đó công trình mới xây bên cạnh sẽ tuân theo đúng những đặc điểm trước đây. Vì vậy các đền luôn trong trạng thái vừa mới mẻ, vừa nguyên bản. Trong ảnh, bên trái là khu đền mới xây, bên phải là khu đền cũ.
 

 

Lần gần đây nhất các ngôi đền được xây lại là năm 2013, là lần thứ 62 truyền thống được tiếp nối. Theo kế hoạch, lần xây dựng lại kế tiếp sẽ diễn ra vào năm 2033.
 

 

Song song với việc xây lại 2 đền thờ, một số lễ hội cũng được tổ chức để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, chẳng hạn như lễ hội Okihiki. Tại đây, người dân từ những thị trấn xung quanh sẽ kéo những khúc gỗ lớn qua các con đường trong thành phố.
 

 

Các khúc gỗ có nguồn gốc từ những cây bách của Nhật Bản, lấy từ một khu rừng thiêng bao quanh 2 đền thờ. Chúng là vật liệu để xây dựng ngôi đền mới. Có tới 10.000 cây bách được khai thác, trong đó có những cây hơn 200 năm tuổi.
 

 

Chi phí xây dựng lại cũng rất lớn, mỗi lần tốn đến nửa tỷ USD (khoảng  11,3 nghìn tỷ đồng). Quỹ tài trợ đến từ những người đóng thuế và quyên góp cá nhân, trong đó có các chủ doanh nghiệp và thành viên Hoàng gia Nhật Bản. Toàn bộ nghi thức xây lại đền kéo dài ít nhất 8 năm.
 

 

Truyền thống xây lại đền 20 năm một lần có nguồn gốc từ thời cổ xưa, khi những nhà kho đựng lương thực thường bị dỡ bỏ và xây dựng lại sau 20-30 năm. Đây là kiểu nhà có sàn dựng trên các cọc gỗ và lợp mái tranh. Sàn được nâng cao nhằm tránh nước và các loại côn trùng, còn mái tranh gặp nước mưa sẽ nặng hơn, dồn lực xuống các bức tường, bịt kín không gian bên trong và chống ẩm.
 

 

Sau một thời gian, mái và cột nhà sẽ bắt đầu có dấu hiệu mục nát. Đó là lúc chúng bị dỡ bỏ và một nhà kho mới được dựng lên. Việc tái xây dựng định kỳ này dần trở thành phong tục, dẫn đến nghi thức xây lại đền ở Thần cung Ise.

Ánh Ngọc/zing

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.