Gia nhập đội ngũ giao hàng nhanh cách đây 3 năm trong hoàn cảnh khó khăn, lại là mẹ đơn thân của 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị Nguyễn Thị Duyên Hồng-Đoàn viên Nghiệp đoàn cơ sở (NĐCS) Xe công nghệ SPX Pleiku-xúc động bày tỏ suy nghĩ từ khi tham gia nghiệp đoàn: “Tôi thấy tự tin hơn, như được một người đứng sau cổ động, chăm lo từ đời sống đến hỗ trợ tinh thần”.
Đồng hành cùng người lao động
Sự “cổ động” mà chị Hồng nhắc đến chính là những chuyến thăm của người đứng đầu tổ chức Công đoàn để tìm hiểu không khí lao động, điều kiện làm việc, tặng quà cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trong không khí cởi mở, thân tình.
Mới đây, 44 đoàn viên NĐCS Xe công nghệ SPX Pleiku còn được mời tham gia chương trình nhân văn, ấm áp mang tên “Bữa cơm Công đoàn”. Không chỉ được chăm lo, những lao động tự do như chị Hồng còn an tâm vì biết rằng có một tổ chức sẽ luôn đứng về phía mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành nghề theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động, được thành lập khi có từ 5 đoàn viên Công đoàn hoặc 5 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Nhiệm vụ, quyền hạn của NĐCS là đại diện cho đoàn viên quan hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên để tìm giải pháp hỗ trợ hoặc phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều kiện hành nghề của người lao động…
Tham gia NĐCS, đoàn viên và người lao động cũng được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, cuộc sống, đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, tính đến ngày 19-4-2025, toàn tỉnh đã thành lập được 18 NĐCS. Riêng năm 2024 có 16 NĐCS được thành lập. Các NĐCS đã thu hút sự tham gia của đông đảo người lao động khu vực phi chính thức. Họ là những người làm việc tự do ở nhiều ngành nghề khác nhau như: giao hàng nhanh, dịch vụ nhà sạch, giáo viên nhóm trẻ gia đình, lái xe công nghệ, xe ôm, thợ thủ công… nhưng không có hợp đồng lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Các lao động này được xếp vào nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương do thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quyền lợi về y tế, an toàn lao động cũng như các chế độ phúc lợi khác, do vậy cần có một tổ chức đứng ra chăm lo và bảo vệ.
Từ thực trạng đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập NĐCS tại nơi làm việc của người lao động. Có thể kể đến một số NĐCS hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Xe công nghệ SPX Pleiku, Shipper Phú Thiện, Dịch vụ nhà sạch Ayun Pa, Bốc xếp, tự quản Ayun Pa…
Hiệu quả thiết thực
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Tư-Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Pleiku-thông tin: Đến nay, đơn vị đã vận động thành lập 6 NĐCS. “Không phải đơn vị nào cũng mặn mà với công tác này, song nhờ chúng tôi kiên trì vào cuộc, phân tích, vận động nên họ mới vỡ lẽ về những lợi ích khi thành lập NĐCS. Sau khi thành lập, chúng tôi tiếp tục bám sát cơ sở để hướng dẫn họ hoạt động đúng quy chế”-ông Tư nói.
Thực tế hoạt động cho thấy, việc phát triển các NĐCS là cách thức hiệu quả góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đồng thời tạo điểm tựa tinh thần vững chắc cho người lao động tự do. Anh Vũ Nguyễn Minh Tài-Chủ tịch NĐCS Xe công nghệ SPX Pleiku-cho hay: Cứ 1-2 tháng, nghiệp đoàn tổ chức sinh hoạt 1 lần với các nội dung: thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên khó khăn; công bố thu-chi của quỹ nghiệp đoàn; cập nhật, triển khai các hoạt động của LĐLĐ thành phố; tổ chức sinh nhật cho đoàn viên theo từng quý…
“Qua 1 năm thành lập, NĐCS Xe công nghệ SPX Pleiku đã góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn viên còn được động viên tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, từ đó mọi người gắn kết với nhau hơn và thêm gắn bó với công việc”-anh Tài chia sẻ.

Còn chị Trương Thị Mỹ Hà-Chủ tịch NĐCS Giáo dục mầm non độc lập tư thục xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) cho biết: Nghiệp đoàn thành lập được gần 1 năm với 18 lao động thuộc 5 nhóm lớp. Liên đoàn Lao động huyện thường xuyên tư vấn, hỗ trợ hoạt động của nghiệp đoàn nên dù chị em còn bỡ ngỡ nhưng vẫn hăng hái, phấn khởi tham gia. Nhờ đó có điều kiện giao lưu, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống; được thăm hỏi, hỗ trợ vào các dịp lễ, Tết…
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hoàng Phong: “Lao động tự do là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương vì hoạt động mang tính thời vụ, thu nhập không ổn định, quan hệ lao động dễ rơi vào bất bình đẳng… Vì vậy, chúng tôi chủ trương vận động họ vào tổ chức của mình, trang bị kiến thức, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng. Nghiệp đoàn cơ sở chính là “điểm tựa”, góp phần giúp người lao động an tâm làm việc, ổn định xã hội, hạn chế tệ nạn xã hội”.
Ngoài ra, đoàn viên nghiệp đoàn còn được tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực. Có mặt tại lớp tập huấn về tổ chức và hoạt động của NĐCS do LĐLĐ tỉnh khai mạc sáng 25-4, chị Trương Thị Mỹ Hà cho hay: Lớp tập huấn có nhiều nội dung hữu ích như: đối tượng tập hợp và quy trình, thủ tục thành lập NĐCS; nội dung cơ bản về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn; tổ chức, bộ máy, cán bộ của NĐCS… “Qua lớp tập huấn, tôi được học hỏi thêm để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trong nghiệp đoàn”-chị Hà nói.
Với những nỗ lực trên, năm 2024, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho LĐLĐ tỉnh vì thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Ông Nguyễn Hoàng Phong-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh-cho biết: “Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Công đoàn tỉnh Gia Lai là đơn vị đứng đầu về phát triển tổ chức nghiệp đoàn, đoàn viên. Có được kết quả này là bởi chúng tôi rất quan tâm đến nhóm lao động yếu thế. Việc tổ chức các hoạt động thiết thực để chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm lao động này khẳng định sứ mệnh của tổ chức Công đoàn”.