Nghiên cứu mới: Lý do người thừa mỡ, tiểu đường nên uống cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học BMJ Medicine đã chứng minh thêm tác dụng thần kỳ của cà phê lên nhiều căn bệnh và tình trạng sức khỏe đáng lo ngại.

Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả từ Viện Karolinska, Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Bristol, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, Trường Đại học Hoàng gia London (Anh) và Công ty Novo Nordisk (Đan Mạch) cho thấy nồng độ caffein trong máu cao giúp hạn chế cực kỳ hiệu quả lượng mỡ cơ thể cũng như nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Caffein là hợp chất hoạt tính sinh học rất giàu trong cà phê và trà, những thức uống phổ biến nhất thế giới.

Cà phê là thức uống cực tốt cho người béo phì, tiểu đường hoặc có nguy cơ tiểu đường type 2, hoặc người đang muốn giảm bớt mỡ cơ thể. Ảnh minh họa từ Internet

Cà phê là thức uống cực tốt cho người béo phì, tiểu đường hoặc có nguy cơ tiểu đường type 2, hoặc người đang muốn giảm bớt mỡ cơ thể. Ảnh minh họa từ Internet

Theo Medical Xpress, công trình nhằm tìm ra cơ chế đứng sau kết quả nghiên cứu dạng quan sát trước đây cho thấy uống 3-5 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Một tách cà phê trung bình chứa khoảng 70-150 g caffein.

Sử dụng cái gọi là "phương pháp ngẫu nhiên Medelian" - kỹ thuật sử dụng các biến thể di truyền làm đại diện cho một yếu tố rủi ro cụ thể - các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tương tác giữa nồng độ caffein trong máu cao và nguy cơ tiểu đường type 2, mỡ cơ thể cũng như nhóm bệnh tim mạch (bao gồm bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ).

Gần 10.000 người được lấy dữ liệu sức khỏe và xem xét vai trò của hai biến thể di truyền phổ biến của gien CYP1A2 và AHR, có liên quan đến tốc độ chuyển hóa caffein.

Các biến thể này sẽ chỉ ra một cách tương đối mức tiêu thụ cà phê, bởi người chuyển hóa cà phê nhanh sẽ uống nhiều hơn và có nồng độ caffein cao trong máu, cũng như ngược lại.

Kết quả cho thấy những người uống được nhiều cà phê sẽ có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn, mỡ cơ thể thấp hơn, các nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cũng thấp hơn với cùng kiểu ăn uống và lối sống.

Nếu những người uống cà phê bị béo phì, việc họ giảm cân có thể tăng thêm hiệu quả ngăn ngừa tiểu đường type 2 tới 43%.

Uống thêm 100 mg cà phê mỗi ngày cũng liên quan đến việc đốt thêm 100 calo mỗi ngày, nên những người ghiền cà phê khó bị béo phì so với người khác. Caffein trước đó được các nghiên cứu chỉ ra là có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm mỡ và giảm sự thèm ăn.

Nghiên cứu nhằm đưa ra phương án sử dụng thức uống chứa caffein - tất nhiên không bị "nhồi" thêm quá nhiều calo từ đường, sữa - như một biện pháp hỗ trợ nhằm giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường type 2.

Có thể bạn quan tâm