Ngành Du lịch Gia Lai đón luồng sinh khí mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động du lịch của tỉnh Gia Lai đã có dấu hiệu hồi phục. Các doanh nghiệp lữ hành và cung ứng dịch vụ đều có sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện để đón mùa du lịch hè sắp tới, nhất là chú trọng tiêu chí an toàn và trải nghiệm dịch vụ mới để thu hút khách nội địa.
Phục hồi hoạt động kinh doanh
Ông Lê Chí Nguyện-Giám đốc Công ty TNHH Tây Nguyên Xanh-cho biết: “Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang là điểm du lịch mới, thu hút sự chú ý của khách nội địa. Đây là yếu tố thuận lợi cho các đơn vị lữ hành, bởi sau khi khống chế được dịch bệnh, chúng tôi bán được tour ngay và đón một số đoàn khách. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên guồng quay dịch vụ vận hành trơn tru”.
Ông Nguyện cho biết thêm, ở chiều ngược lại, người dân Gia Lai vẫn còn khá e dè khi du lịch ngoại tỉnh. Xu hướng chính vẫn là xuống biển, miền Tây sông nước kết hợp với các điểm đến như: Côn Đảo, Phú Quốc. Do đó, các công ty lữ hành Gia Lai chú trọng hơn các tour nội tỉnh và khám phá Tây Nguyên đại ngàn.
“Khách nội địa, nhất là du khách ở các thành phố lớn đã “chán” những điểm đến quen thuộc và bão hòa với du lịch biển nên có xu hướng tìm điểm đến mới lạ. Tây Nguyên hiện đang là “món” mới trên “bàn tiệc” du lịch nên đây là cơ hội để doanh nghiệp nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh”-ông Nguyện chia sẻ.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG. Ảnh: Minh Châu
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG. Ảnh: Minh Châu
Nắm bắt xu hướng, thị hiếu của du khách nên nhiều công ty lữ hành chủ động điều chỉnh tour, tuyến phù hợp. Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thiên Lộc (Thiên Lộc Tourist) trước đây có các chùm tour trong nước, xuyên Á. Tuy nhiên, hiện tại, đơn vị tăng cường khai thác tour khám phá Gia Lai kết hợp với các điểm đến trong khu vực Tây Nguyên.
Bà Trần Thị Vân-Giám đốc Thiên Lộc Tourist-cho hay: “Cú sốc do dịch bệnh cũng là cơ hội cho du lịch Tây Nguyên khi được chú ý hơn trên bản đồ du lịch nước nhà. Chúng tôi đón lượng khách về Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên tăng lên đáng kể so với các năm trước. Vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên trong lành của cao nguyên hấp dẫn du khách các thành phố lớn, khiến cho hoạt động du lịch nhộn nhịp ngay sau khi khống chế được dịch bệnh”.
Chị Vân thông tin thêm, từ cuối tháng 2 đến nay, Thiên Lộc Tourist đã đón một số đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh đi theo nhóm gia đình, có cả trẻ em và người lớn. Họ tự đặt vé máy bay và đơn vị lữ hành chỉ đón đoàn tại sân bay, sau đó thiết kế lịch trình tùy vào số lượng, thành phần trong đoàn cho phù hợp.
“Gia Lai không chỉ là một điểm du lịch xanh với các thắng cảnh hoang sơ mà giá trị ẩm thực và bản sắc văn hóa còn là những yếu tố thu hút du khách. Cuối tháng 4 này, Thiên Lộc Tourist tiếp tục đón một đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh gồm 26 người. Ngoài khám phá các thắng cảnh Gia Lai, du khách cũng thích khám phá Măng Đen. Do đó, chúng tôi thường thiết kế tour kết hợp 2 tỉnh trong khu vực Bắc Tây Nguyên để làm phong phú thêm sự trải nghiệm cho du khách”-chị Vân cho biết.
“Tiếp sức” doanh nghiệp
Quý I-2021, Gia Lai đón 136 ngàn lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa. Tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 77 tỷ đồng. Các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được khởi động lại trong tháng 3-2021 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong đó, riêng sự kiện Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 đã thu hút 6 ngàn lượt  khách.
Chính sự đổi mới quảng bá, tăng cường xúc tiến du lịch tại các địa phương, tổ chức thành công các sự kiện thể thao mang tầm quốc gia đã tạo hiệu ứng tích cực cho du lịch. Du khách quan tâm tiêu chí an toàn và trải nghiệm dịch vụ mới đều cảm thấy thỏa mãn.
Nhưng để Gia Lai xứng đáng là điểm đến “trải nghiệm và chia sẻ”, theo Giám đốc Công ty TNHH Tây Nguyên Xanh: “Các điểm tham quan của Gia Lai tuy đặc trưng, nhưng lại thiếu điểm nhấn để du khách chụp ảnh check-in. Ví dụ như dòng chữ “Biển Hồ Pleiku” tại danh thắng Biển Hồ quá xa và nhỏ, tầm nhìn còn bị cây che khuất, rất khó để du khách ghi hình hậu cảnh được dòng chữ này”.
Ông Nguyện cho biết thêm, đây là thời đại du lịch gắn với công nghệ số, hình thức quảng bá du lịch qua ảnh vô cùng hiệu quả. Vì vậy, các địa phương làm du lịch đua nhau tạo ra những điểm nhấn ấn tượng, đặc trưng ngay tại điểm đến để du khách lưu lại góp phần lan tỏa hình ảnh thông qua kênh quảng bá không tốn tiền. Du lịch Gia Lai cần tính đến việc này để vừa tạo điểm nhấn, vừa tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG. Ảnh: Minh Châu
Du khách chụp hình lưu niệm tại danh thắng Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Châu
Nhằm “tiếp sức” cho doanh nghiệp, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối với các địa phương có thế mạnh du lịch biển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Tiếp nối các chương trình kích cầu trước đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai tại TP. Pleiku vào ngày 16-4. Bên cạnh hội nghị giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, các tour, tuyến đang khai thác hiệu quả còn có chương trình khảo sát các điểm đến, danh thắng nổi bật của tỉnh đến với doanh nghiệp du lịch Phú Yên”.
Các đơn vị kinh doanh lữ hành vẫn khá thận trọng khi xây dựng các chương trình, tour, tuyến lớn mà chú trọng nhiều các tour nhỏ và đầu tư ngắn hạn. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Gia Lai đã gặp gỡ, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng chung tay phục hồi du lịch. “Trước đây, hầu như mạnh doanh nghiệp nào nấy làm. Sau dịch bệnh, các đơn vị đã có sự hỗ trợ qua lại. Đây là xu hướng tất yếu, là tín hiệu đáng mừng”-ông Lê Chí Nguyện cho biết.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.