Nhiều tòa nhà ở Dải Gaza bị đánh sập. Ảnh: Reuters |
Hôm 10/10, lực lượng Hamas cũng đã kêu gọi “tổng động viên” thế giới Ả Rập và Hồi giáo trong ngày thứ Sáu (13/10), để ủng hộ người Palestine.
Ngày này sẽ được đánh dấu là “thứ Sáu của Cơn lũ Al-Aqsa”, lực lượng Hamas tuyên bố và kêu gọi người dân Palestine chống lại “sự chiếm đóng” của Israel.
Ông Ismail Haniyeh – quan chức cấp cao của Hamas – cho rằng, tất cả người Palestine phải tham gia chiến dịch Al-Aqsa (chiến dịch do Hamas phát động hôm 7/10).
“Phản ứng của Israel đối với dải Gaza cho thấy kết quả vang dội của chiến dịch Al-Aqsa”, ông Haniyeh nói. “Đối phương sẽ phải trả giá đắt vì những gì đã gây ra”, ông Haniyeh nhấn mạnh.
Nói về tình trạng tồi tệ giữa Israel và Palestine, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng “Tôi tin nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại trong các chính sách Trung Đông của Mỹ. Họ đã cố gắng độc quyền dàn xếp hòa bình, nhưng đáng tiếc là họ không chú ý đến việc tìm kiếm những điều khoản thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên”.
Thay vào đó, Washington gây áp lực lên cả hai bên trong nỗ lực áp đặt các giải pháp của riêng mình cho họ. Ông Putin khẳng định, Mỹ "chưa bao giờ tính đến lợi ích cốt lõi của người dân Palestine".
Còn Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thì nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, nó mang lại lợi ích cho Nga. Phương Tây có thể không còn chú ý đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nữa”, Ukrainska Pravda hôm 9/10 dẫn lời ông Duda khi được hỏi rằng, liệu xung đột ở Israel có thể khiến phương Tây “rời mắt khỏi Ukraine” hay không.
Theo ông Duda, Liên minh châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng có thể sắp phải đón làn sóng người nhập cư mới.
Tờ Business Insider của Mỹ nhận định, nguy cơ từ xung đột Israel – Hamas có thể buộc Mỹ đưa ra quyết định khó khăn về việc viện trợ Ukraine.