Nặng lòng với học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, nhiều giáo viên ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã vượt qua khó khăn, mang con chữ đến với trẻ em nghèo. Tấm lòng và việc làm của họ đã viết lên những câu chuyện đẹp về tình cảm thầy-trò.

Mỗi ngày vượt 100 km đến trường

Đó là câu chuyện của cô Ksor H'Rin-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp. Cô Ksor H'Rin gắn bó với ngôi trường vùng khó ngay từ khi thành lập. Nhà ở thôn Thanh Hà (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), cách trường 50 km, mỗi ngày cả đi cả về, cô H'Rin phải vượt quãng đường 100 km. Điều đáng nói là quãng đường ấy phần lớn hiện vẫn là đường đất, nắng bụi mưa bùn.

Cô H'Rin chia sẻ: Hàng ngày, cô thường dậy lúc 4 giờ sáng, sau khi làm xong việc nhà là đến trường. Quãng đường đi mất 1 giờ đồng hồ. Nếu trời mưa, đường trơn thì lâu hơn. Cô vẫn nhớ một lần vào sáng thứ hai đầu tuần, do trời mưa liên tục, đường trơn, khi chỉ còn cách trường khoảng 5 km thì bất ngờ bị ngã xe, quần áo, cặp sách dính bết bùn đất. Không thể quay về bởi học sinh đang đợi, cô tiếp tục đến trường, rồi ghé nhà bác bảo vệ mượn tạm bộ đồ của con gái bác để lên lớp. Rút kinh nghiệm, từ đó, trong cốp xe của cô luôn có một bộ quần áo dự phòng.

Cô Ksor H’Rin (giáo viên lớp 1.2, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) dạy học trò bằng tất cả tình yêu thương của mình. Ảnh: Vũ Chi
Cô Ksor H’Rin (giáo viên lớp 1.2, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) dạy học trò bằng tất cả tình yêu thương của mình. Ảnh: Vũ Chi



Đối với học sinh bán trú, cô H'Rin trở thành người mẹ thứ 2 chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ cho các em. Học sinh nào vắng học, cô tranh thủ giờ tan trường ghé thăm nhà tìm hiểu nguyên nhân, động viên các em tới lớp. Nhiều hôm về nhà khi trời đã tối mịt, ăn vội chén cơm, cô ngồi vào bàn làm việc, chuẩn bị giáo án cho bài học ngày mai. “Mình thương các em thì các em sẽ mến lại, từ đó siêng năng đến trường. Gắn bó với các em gần chục năm rồi, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhiều khi có ý định xin chuyển về trường gần nhà nhưng nghĩ thương các em, mình tiếp tục ở lại. Mỗi bài thơ các em học thuộc, mỗi phép tính các em làm đúng là món quà lớn nhất đối với nhà giáo như mình”-cô H'Rin trải lòng.

Phải no bụng thì mới học được chữ

Với suy nghĩ “phải no cái bụng thì mới tiếp thu được cái chữ”, 2 cô giáo trẻ Phan Thị Nhung và Đinh Thị Hải đã tự bỏ tiền túi nấu bữa ăn sáng cho học trò tại điểm trường làng Kliếc B (Trường Tiểu học Lê Văn Tám). Điểm trường có 2 lớp với 44 em, 100% học sinh là người Bahnar. Theo cô Nhung, lớp 2.3 do cô làm chủ nhiệm có 21 học sinh thì 19 em thuộc diện hộ nghèo, 2 em thuộc diện cận nghèo. Đa phần các em phải nhịn ăn sáng đến trường. Năm đầu tiên dạy tại điểm trường, nhìn học sinh thiếu thốn, lòng cô thắt lại, nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ các em. Nghĩ là làm, gần 2 tháng nay, định kỳ sáng thứ hai hàng tuần, nồi xôi nóng hổi đã đến với các em điểm trường làng Kliếc B trong niềm vui khó tả của học trò.


 

Thầy-cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh điểm trường làng Kliếc B. Ảnh: Vũ Chi
Thầy-cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh điểm trường làng Kliếc B. Ảnh: Vũ Chi

Ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa: Thời gian qua, nhiều mô hình tiếp sức trò nghèo được các giáo viên tích cực triển khai. Chính tình yêu trẻ, tâm huyết với nghề của các thầy cô đã trở thành động lực níu chân học trò ở lại với trường lớp. Tấm lòng của thầy cô đã viết lên câu chuyện đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.

Để bữa ăn sáng kịp đến với học trò nghèo, 2 cô giáo phải thức dậy từ 3 giờ sáng nấu xôi. Để thay đổi khẩu vị, luân phiên 1 tuần nấu xôi ngọt, 1 tuần nấu xôi mặn, có khi đổi sang bánh mì. Thời gian đầu, kinh phí do 2 cô tự nguyện đóng góp. Qua các trang mạng xã hội, một số nhà hảo tâm biết đến đã chung tay góp sức cùng 2 cô giúp đỡ trò nghèo. Người góp vài ký gạo, người cho đậu xanh… thầy-cô giáo trong trường cũng hỗ trợ thêm kinh phí. Nhờ vậy, bữa ăn sáng của các em được duy trì đều đặn. “Trước mắt, tôi không dám hứa có thể giúp đỡ các em bao lâu bởi giáo viên sẽ luân chuyển giữa các điểm trường nhưng tôi sẽ cố gắng duy trì mô hình trong thời gian lâu nhất có thể. Hy vọng sẽ có thêm Mạnh Thường Quân giúp đỡ để các em học sinh vùng sâu có thêm động lực tới trường”-cô Nhung chia sẻ.

Em Đinh Ngà (lớp 2.3) bộc bạch: “Em rất thích ăn xôi cô giáo nấu, vừa thơm ngon lại có thịt nữa. Em sẽ cố gắng đi học chuyên cần để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với tình yêu thương các cô dành cho”.

 

VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.