Nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Đoa: Đề xuất xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chỉ một trận mưa lớn đã khiến việc lưu thông trên quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) ùn tắc nghiêm trọng. Mặc dù Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) đã ra “tối hậu thư” nhưng nhà thầu thi công đoạn tuyến này vẫn ì ạch, kèm theo đó là nhiều tồn tại bất cập như thách thức chủ đầu tư.

Mới đây, một trận mưa lớn đã khiến đoạn quốc lộ 19 qua địa bàn thôn Hà Lòng 1 (xã Kdang, huyện Đak Đoa) bị ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Mưa lớn làm đất ở những điểm thi công tràn ra mặt đường gây sình lầy, khiến các phương tiện không thể lưu thông. Điều đáng nói là việc thi công Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa đã kéo dài hơn 2 năm nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Người dân và chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư nhưng... đâu lại vào đấy?

Nhà thầu thi công kiểu cầm chừng, tiến độ ì ạch khiến người dân sống hai bên đường vô cùng ngán ngẩm. Ông Hồ Thân (thôn Hà Lòng 1, xã Kdang) than thở: “Đơn vị thi công múc mương hai bên đường rồi đổ đất từng ụ cao ngất trước nhà dân xong rồi để đó. Thi công như thế này thì không biết chừng nào mới xong. Ngày nắng thì bụi mù trời, mưa xuống thì nước chảy tràn vào nhà, mặt đường sình lầy chẳng khác nào đám ruộng. Kinh doanh ế ẩm, đời sống người dân bị đảo lộn”.

Sau trận mưa lớn ngày 30-3 vừa qua, đất ở các vị trí thi công tràn ra mặt đường quốc lộ 19 gây ùn tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Minh Nguyễn

Sau trận mưa lớn ngày 30-3 vừa qua, đất ở các vị trí thi công tràn ra mặt đường quốc lộ 19 gây ùn tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Nguyễn Thanh Phú-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang, lãnh đạo xã đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý Dự án 2 và đơn vị thi công quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn xã đề nghị khắc phục một số tồn tại trong quá trình thi công. Cụ thể, xã đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công tại các điểm Cống Vôi (thôn Cầu Vàng), Cầu Vàng, Dốc Võng (thôn Hà Lòng 1). Tại các vị trí này, đơn vị thi công đang đổ đất nâng nền đường. Nhưng trong quá trình thi công, họ không tưới nước khiến bụi bay mù mịt, gây ảnh hưởng đến người đi đường và rất nhiều hộ dân sống gần các vị trí trên.

Cùng với đó, xã Kdang cũng đề nghị đơn vị thi công vá lại các ổ gà trên quốc lộ 19 đoạn từ Cống Vôi đến Cầu Vàng và múc mương thoát nước đoạn qua thôn Cây Điệp vì trong quá trình mở rộng đường đã lấp mương cũ. “Tuy vậy, đơn vị thi công vẫn không khắc phục. Vì vậy, vào ngày 26 và 30-3, khi xảy ra mưa lớn, đất tràn ra mặt đường gây sình lầy, các phương tiện gặp khó khăn trong lưu thông dẫn đến kẹt xe dài hơn 1 km”-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang bức xúc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Ngay sau sự cố ùn tắc giao thông vào chiều 30-3, UBND huyện đã có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án 2 phản ánh về việc thi công quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn xã Kdang làm ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông. Đáng chú ý là ở vị trí đang thi công tại điểm Cống Vôi, mưa lớn làm cho đất đổ nâng nền đường tràn ra mặt đường gây ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 (đoạn qua thôn Hà Lòng 1, xã Kdang, huyện Đak Đoa) thi công ì ạch gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Minh Nguyễn

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 (đoạn qua thôn Hà Lòng 1, xã Kdang, huyện Đak Đoa) thi công ì ạch gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Minh Nguyễn

Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa thông tin thêm: Huyện đã đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 huy động lực lượng khắc phục ngay tình trạng đất tràn ra đường, đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn qua tuyến đường này. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục thuộc dự án; trám vá các ổ gà, khắc phục hư hỏng tại các vị trí chưa triển khai thi công để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời, thường xuyên tưới nước tại vị trí đang triển khai thi công tại Cầu Vàng (xã Kdang) để đảm bảo tầm nhìn, hạn chế bụi và tạo thuận lợi cho người dân lưu thông qua đoạn tuyến này. Đặc biệt, thời điểm mùa mưa sắp đến, nhà thầu cần xây dựng phương án thi công phù hợp, tránh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ như vừa qua.

Nhiều đoạn cống trên tuyến quốc lộ 19 đoạn qua xã Kdang thi công kiểu cầm chừng, nhiều chỗ không nắp đậy như đặt bẫy người đi đường. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều đoạn cống trên tuyến quốc lộ 19 đoạn qua xã Kdang thi công kiểu cầm chừng, nhiều chỗ không nắp đậy như đặt bẫy người đi đường. Ảnh: Minh Nguyễn

Trước đó, trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Tân-Giám đốc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên-cho biết: Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 7-2023. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng. Nghiêm trọng hơn là gói thầu 4A (Km 131+300-Km 155+00) đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa dài 24 km đang chậm so với tiến độ.

Ông Tân cho hay, gói thầu này do Công ty TNHH Hợp Tiến (tỉnh Hà Nam) và Công ty cổ phần Vinadelta (Hà Nội) liên danh trúng thầu. Quá trình thi công, 2 đơn vị này triển khai với tốc độ rất chậm, tổ chức thi công thiếu khoa học nên Khu Quản lý đường bộ III nhiều lần ra quyết định xử phạt. “Các nhà thầu cũng đã ký cam kết đến cuối tháng 3-2023 mà không đáp ứng tiến độ, không đạt được khối lượng theo yêu cầu đề ra thì sẽ đồng ý với mọi phương án chủ đầu tư đưa ra”-ông Tân thông tin.

Tuy vậy, đến thời điểm này, 2 nhà thầu nói trên vẫn không đảm bảo theo tiến độ và khối lượng đã cam kết với chủ đầu tư. Sự việc đã được báo cáo lên Ban Quản lý Dự án 2 để có phương án xử lý tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.