Nâng cao nhận thức về sử dụng nguồn nước an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp các em học sinh và người dân có thêm kiến thức về cách thức sử dụng, xử lý, tích trữ nguồn nước an toàn, Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức buổi tuyên truyền trên địa bàn xã Đất Bằng, huyện Krông Pa.
Hơn 200 học sinh Trường Tiểu học Đất Bằng đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia trả lời các câu hỏi đặt ra tại chương trình khiến không khí buổi tuyên truyền diễn ra khá sôi nổi. Ngoài việc được phổ biến kiến thức cơ bản về tác hại khi sử dụng nguồn nước không đảm bảo, cách thức xử lý nước tại hộ gia đình cũng như những hình thức trữ nước an toàn, người dân và các em học sinh còn được hướng dẫn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe, hạn chế các bệnh về mắt, tiêu chảy, giun sán, tay chân miệng...
 Các em học sinh Trường Tiểu học Đất Bằng hào hứng tham gia trả lời câu hỏi liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Ảnh: M.N
Các em học sinh Trường Tiểu học Đất Bằng hào hứng tham gia trả lời câu hỏi liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Ảnh: M.N

Dịp này, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã cấp phát miễn phí 40 bình lọc nước bằng gốm (600.000 đồng/bình) cho 40 hộ dân trên địa bàn xã Đất Bằng và Ia Mlah. Đại diện doanh nghiệp sản xuất bình lọc gốm còn hỗ trợ 10 bình lọc nước cho các đơn vị hành chính của 2 xã (gồm UBND xã, trường học và trạm y tế).

Với nội dung cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, buổi tuyên truyền đã để lại nhiều ấn tượng đối với các em học sinh. Em Rcăm Tiếng (lớp 5A1, buôn Ma Lông) hồn nhiên cho biết: “Gia đình em từ trước đến giờ chủ yếu lấy nước từ sông suối về sử dụng, nhiều khi uống trực tiếp chứ không đun sôi. Tham gia buổi tuyên truyền này, chúng em đã hiểu rằng uống nước, tiếp xúc với nguồn nước không an toàn là nguyên nhân gây bệnh”. Tương tự, em A Lê Hmắc (lớp 4A1, buôn Ơi Kham) vỡ lẽ: “Qua buổi tuyên truyền này, em mới biết mình thường đau bụng là do uống nước không được đun sôi. Em sẽ vận động ba mẹ sử dụng nước đun sôi để uống. Em cũng sẽ cùng các bạn trong lớp tuyên truyền cho các bạn khác trong làng và người thân sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe”-Hmắc nói.
Trao đổi về buổi tuyên truyền ý nghĩa này, thầy Nguyễn Văn Đam-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đất Bằng-cho hay: Chương trình đã giúp các em học sinh biết được nhiều loại bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm. “Đặc biệt, hơn 200 em học sinh tham gia buổi tuyên truyền hôm nay chính là “cầu nối” trong việc vận động gia đình và cộng đồng ăn chín, uống sôi, lấy nước ở những nơi đảm bảo vệ sinh, ngăn gia súc gây ô nhiễm nguồn nước để bảo vệ sức khỏe”-thầy Đam chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kpă Phan, Đất Bằng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 33,9%. Người dân lâu nay vẫn giữ thói quen lấy nước từ sông suối để sinh hoạt, nấu ăn và uống trực tiếp mà không qua xử lý hay sử dụng bất kỳ hệ thống lọc nước nào. Trong khi đó, ngày càng có nhiều hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nên nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu dùng trực tiếp. Phó Chủ tịch UBND xã Đất Bằng nhận định: “Bằng những hình ảnh trực quan, buổi truyền thông đã giúp bà con nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; hiểu rõ thế nào là nước sạch để sử dụng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến bản thân và gia đình”.
Theo bà Đặng Thanh Huyền-Phó Trưởng phòng Chất lượng nước (Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn), tình trạng sử dụng nguồn nước ô nhiễm ở khu vực nông thôn hiện nay khá phổ biến, là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh. “Năm 2019, chúng tôi có kế hoạch tuyên truyền, tặng bình lọc nước cho người dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Ninh Thuận. Ngoài việc giúp người dân tiếp cận các loại hình xử lý và trữ nước an toàn ở khu vực nông thôn, chúng tôi còn giới thiệu ưu-nhược điểm của từng loại, khuyến cáo sử dụng hiệu quả nhằm loại bỏ mầm bệnh trong nước”-bà Huyền nhấn mạnh.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.