TP - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển, nâng tổng số tuyến cáp quang biển lên khoảng 10 tuyến, đồng thời sẽ có những tuyến do Việt Nam làm chủ.
Trước tình trạng 4/5 tuyến cáp quang biển ở Việt Nam gặp sự cố toàn phần hoặc một phần, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.
4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố toàn phần hoặc một phần đã ảnh hưởng nghiêm trọng internet Việt Nam đi quốc tế những ngày qua. Ảnh: Internet |
Bộ trưởng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế. Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, ba giải pháp đang được triển khai gồm chia sẻ dung lượng kết nối giữa các nhà mạng, cân tải dung lượng và tiếp tục mở thêm dung lượng qua tuyến cáp đất liền. Dự kiến từ 11/2, tình hình Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ được cải thiện.
Bên cạnh việc xử lý sự cố, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để thúc đẩy quy hoạch cáp quang biển Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển, gồm: AAG, APG, IA, SMW-3 và AI.
Theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến 2030 phấn đấu thêm 4-6 tuyến. Gần nhất trong năm 2023 sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới đưa vào sử dụng là SJC 2 và ADC cập bờ tại trạm Quy Nhơn (Bình Định), do Viettel và VNPT tham gia phát triển.
Việc 4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố một phần hoặc toàn phần là sự cố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Internet Việt Nam đi quốc tế, trong đó các dịch vụ quan trọng như Gmail, YouTube, Facebook.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, tất cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này, không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á cũng đều bị ảnh hưởng. Ông Thắng cho rằng, sự cố lần này khá đặc biệt. Trong 4 tuyến này, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 vẫn còn 1 phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hồng Kông và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%, tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hồng Kông đảm bảo 100%.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng ở thời điểm nghiêm trọng nhất. Theo kế hoạch được Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế công bố, lỗi trên nhánh S6 của cáp quang APG sẽ được sửa chữa từ 22 đến 27/3. Lỗi trên nhánh S9 của tuyến cáp này dự kiến được sửa chữa từ 5 đến 9/4. Cáp quang AAG dự kiến lịch sửa chữa từ 30/3 và kết thúc vào 4/4. Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ ngày 5/4 đến 13/4.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng ở thời điểm nghiêm trọng nhất. Theo kế hoạch được Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế công bố, lỗi trên nhánh S6 của cáp quang APG sẽ được sửa chữa từ 22 đến 27/3.