Cảnh sát từ Cục Điều tra Hình sự, Đặc nhiệm, Cảnh sát An ninh Du lịch, Cảnh sát An ninh... của Myanmar đã từ bỏ nhiệm vụ để chống lại chế độ quân sự.
Một cảnh sát ở thủ đô Naypyitaw cho trang tin The Irrawaddy (Myanmar) biết hơn 600 cảnh sát Myanmar đã tham gia biểu tình chống lại chế độ quân sự. Chỉ có bang Rakhine không ghi nhận cuộc biểu tình nào của cảnh sát.
Ngoài ra, số lượng cảnh sát từ chức đã tăng mạnh kể từ khi quân đội trấn áp người biểu tình một cách bạo lực vào cuối tháng 2.
Hôm 4-3, có hơn 500 cảnh sát tham gia biểu tình và 100 người khác tham gia phong trào này hôm 5-3. Đặc biệt, sự góp mặt của thiếu tá Lực lượng Đặc nhiệm Tin Min Tun đã gây tác động lớn đối với giới cảnh sát.
"Tôi không muốn phục vụ chế độ quân sự nữa. Tôi đã cùng với các công chức tham gia biểu tình" - thiếu tá Tin đăng trên mạng xã hội Facebook tuần này.
Cảnh sát Myanmar giải tán người biểu tình phản đối đảo chính. Ảnh: The Irrawaddy |
Một sĩ quan cấp cao giấu tên nói với The Irrawaddy: “Vẫn chưa có lệnh chống lại cảnh sát tham gia biểu tình. Các chỉ huy chỉ yêu cầu đưa họ về, quay lại nhiệm vụ và giải quyết vấn đề". Tuy nhiên, một nguồn tin cảnh sát tiết lộ chưa có cảnh sát nào tham gia biểu tình quay lại làm việc và không có ai bị bắt giữ.
Một cảnh sát ở TP Yangon tham gia biểu tình cho biết: “Tôi không thể chịu đựng được cảnh nhiều người gặp khó khăn để một vài cá nhân hưởng thụ. Một hạt vừng không thể làm ra dầu nhưng tôi chọn ra đi, tự nhủ rằng ít nhất là họ sẽ mất một cảnh sát trấn áp người biểu tình nếu tôi bỏ cuộc”.
Phần lớn cảnh sát tham gia biểu tình đã nộp đơn từ chức, trong khi một số người chỉ thông báo với cấp trên việc họ đang tham gia phong trào này.
Hôm 4-3, Reuters đưa tin 19 cảnh sát Myanmar chạy tới bang Mizoram - Ấn Độ để xin tị nạn chính trị.
Cảnh sát Myanmar bắt giữ người biểu tình ở TP Yangon. Ảnh: The Irrawaddy |
Cho đến nay, quân đội Myanmar đã bắt giữ hơn 1.500 người bao gồm các nhà lãnh đạo dân sự, nghị sĩ, nhà hoạt động, người biểu tình, thành viên ủy ban bầu cử và đình chỉ công việc của các công chức liên quan tới biểu tình.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) thống kê khoảng 1.507 người đã bị bắt, bị buộc tội hoặc bị kết án tính đến hôm 4-3. Chỉ có 307 trong số những người bị bắt được trả tự do, 1.200 người vẫn đang bị giam cầm và 61 cá nhân phải đối mặt với lệnh truy nã.
Đáng chú ý, một nhóm người ủng hộ Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển Myanmar (USDP) ở vùng Magway đã đâm chết 2 người hôm 5-3. Hai nạn nhân bao gồm ông Htway Naing, 53 tuổi, thành viên Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) và cháu trai Nan Wai Aung, 17 tuổi.
Cả hai bị tấn công lúc đang trên đường về nhà cùng với 6 thành viên khác trong gia đình. Khoảng 25 người ủng hộ USDP cầm dao tấn công họ trước một xưởng gỗ ở ngôi làng Kyaung Gone Gyi.
Trang Myanmar Now dẫn lời ông Bo Bo, người sống sót sau vụ tấn công, kể lại: "Họ nói rằng nếu chúng tôi chết, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn". Năm người sống sót khác cũng bị thương do dao và súng cao su.
Một trong những kẻ tấn công được xác định là Kyaw Khine Oo, thành viên USDP. Người này ra tranh ghế hạ viện ở thị trấn Pwint Phyu hồi năm ngoái nhưng thua về tay Đảng NLD. Chín kẻ tấn công bị tình nghi đã bị bắt giữ.
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)