Phần lớn ý kiến lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhưng cũng có những quốc gia hưởng lợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-7 tuyên bố sẵn sàng đánh thuế lên cả 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (TQ) nhập khẩu.
Nga, EU, Canada, Úc, Nhật được lợi
Quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ-Trung là Nga. Cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và TQ đã tạo cơ hội mở rộng hợp tác giữa TQ với Nga.
“Nếu nghĩ về tình hình hiện tại - cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và TQ - ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Nga-Trung, theo quan điểm của tôi, tình hình này có thể tạo ra các cơ hội mới để Nga và TQ mở rộng hợp tác, tăng cường thương mại” - cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Bộ Thương mại Mỹ Huo Jianguo nói ngày 20-7.
Theo ông Huo Jianguo, hai nước TQ và Nga có cơ hội tăng cường thêm thương mại song phương, đặc biệt trong bối cảnh TQ gần đây thông báo kế hoạch giảm thuế quan lên một số mặt hàng của nhiều nước láng giềng. “Nhờ đó thương mại song phương giữa Nga và TQ có thể tăng lên, chưa kể hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác nữa” - theo ông Huo Jianguo.
GS luật David A. Gantz tại ĐH Arizona (Mỹ) cũng cùng quan điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể làm lợi cho quan hệ thương mại Nga-Trung. Ngoài ra theo ông, bên cạnh Nga còn có nhiều nước khác có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, như Canada, Úc, Nhật và có thể cả Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên, theo GS Gantz, Nga, EU, Canada, Úc, Nhật có thể được lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại nhưng mức lợi chỉ hạn chế. “Tôi cho rằng thương mại Nga-Trung sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng tôi không biết TQ có thể mua gì từ Nga. Hiện TQ không mua dầu và nhiều loại nguyên liệu thô từ Nga. Cũng không có khả năng TQ sẽ nhập khẩu ô tô từ Nga. Có lẽ đây sẽ là cơ hội trung hạn cho Nga sản xuất thêm đậu nành và một số loại nông sản khác để xuất sang TQ. TQ cũng có thể sẽ cung cấp tài chính phát triển các nông trại lớn ở Nga” - GS Gantz nhận định.
“Về chuyện nhập khẩu vào TQ, có lý do để tin rằng Boeing (của Mỹ) sẽ mất thị phần ở TQ - khách hàng lớn nhất và Airbus của EU sẽ được lợi. Hàn Quốc, Nhật và có thể cả Canada có thể sẽ tăng xuất khẩu ô tô sang TQ, đặc biệt nếu TQ hạ mức thuế quan đánh lên ô tô nhập khẩu. Về chuyện hàng nông nghiệp, các nước Brazil, Argentina, Canada, Úc khả năng lớn sẽ được lợi nhiều nhất từ TQ khi nước này muốn đa dạng nguồn nhập khẩu trừ Mỹ” - theo GS Gantz.
Với EU, các nước khu vực này vốn đã nhập khẩu một lượng lớn hàng TQ rồi nên có thể sẽ không còn nhu cầu nhập khẩu thêm nhiều.
Sẽ còn leo thang
GS Gantz cho rằng quy mô ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài. Nếu cuộc chiến kéo dài hơn sáu tháng, số lượng việc làm bị mất sẽ tăng cao khi các công ty nhỏ phá sản, các công ty khác có thể sẽ phải đóng cửa một số hoặc toàn bộ hoạt động của mình ở nước ngoài.
“Chắc chắn sẽ có sự cắt giảm việc làm ở mảng sản xuất tại Mỹ nhưng vì lao động mảng này ở Mỹ rất ít, chỉ khoảng 4% nên nhiều người khi mất việc vẫn sẽ có khả năng tìm được việc làm thay thế nhanh chóng, ít nhất trong thời gian chờ đợi… Với Mỹ, nếu thuế quan được thực hiện triệt để, chi phí sẽ tăng và có thể sẽ tăng đến mức một số lượng doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa hoặc chuyển hoạt động sang nước khác có chi phí thấp hơn” - theo GS Gantz.
“TQ về ngắn hạn sẽ vẫn cần mua một số mặt hàng từ Mỹ như đậu nành, vì các nguồn nhập khẩu khác như Brazil vẫn chưa đủ sức thay thế được Mỹ. Tương tự, các nhà sản xuất Mỹ sẽ không thể nhanh chóng thay thế nhập khẩu các mặt hàng như bộ phận ô tô hay điện tử tiêu dùng từ TQ sang các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay các nước khác nữa. Nếu cuộc chiến thuế quan tiếp diễn thêm hơn sáu tháng nữa, các nhà sản xuất hai nước sẽ có nhiều thay đổi ở nguồn cung hiện tại” - GS Gantz nói.
Từ đầu năm nay hai nước đã xúc tiến nhiều vòng đối thoại thương mại nhưng từ khi cuộc chiến nổ ra, hoạt động này đã bị ngưng trệ và vẫn chưa được khôi phục, theo ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump.
Đăng Khoa (PLO)