Mứt nhà làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tết cổ truyền đang cận kề, các bếp làm mứt thủ công cũng vào guồng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực khách. Đáng nói, ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người sản xuất năm nay còn cho ra nhiều sản phẩm mứt Tết có hương vị mới lạ, hấp dẫn.
Mứt gừng vị trái cây, mật ong là sản phẩm được chị Lê Thị Hòa (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cùng nhóm của mình “ra mắt” thị trường Tết năm nay. Không giống mứt gừng lát truyền thống, chị Hòa nghĩ ra cách xắt gừng thành từng thanh nhỏ. Làm như vậy sẽ giúp sợi mứt vẫn giữ được độ mọng nước bên trong mà không bị khô cứng. Để làm thành mứt, ngoài đường kính, chị còn gia giảm thêm hương vị được chiết xuất từ quả quýt, chanh dây tươi và mật ong. Chị chia sẻ: “Tất cả công thức đều do tôi tự mày mò, tìm hiểu. Cũng mất rất nhiều mẻ thử nghiệm mới cho ra công thức chuẩn nhất. Mứt được làm từ củ gừng sẻ, sên thủ công trên bếp than, hong khô kỹ lưỡng nên bên ngoài miếng gừng được áo một lớp đường mỏng khô ráo. Điều đặc biệt là thanh mứt gừng thành phẩm có vị chua và ngọt nhẹ của trái cây, át bớt vị cay hăng, cắn vào bên trong, khách vẫn cảm nhận được vị tươi ngon của gừng”.
Không chỉ đầu tư vào chất lượng, chị Hòa cũng rất chỉn chu trong khâu lựa chọn bao bì, in nhãn tên, cách đóng gói sản phẩm sao cho bắt mắt, hấp dẫn người mua. Nhờ đó mà mứt gừng vị trái cây dù mới “lên kệ” song đã tìm được thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. “Tính từ đầu mùa Tết đến nay, tôi đã xuất bán khoảng vài tạ mứt gừng, nhiều khi “cháy hàng” vì mứt làm thủ công hoàn toàn nên không đủ số lượng để giao cho khách. Hiện tôi cũng đã tìm được các mối bán sỉ, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất khoa học hơn nên lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho thị trường”-chị Hòa cho hay. 
Nhờ sự độc lạ, sản phẩm mứt gừng vị trái cây, mật ong của chị Hòa đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Chị Phạm Huyền Trâm (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi được thưởng thức mứt gừng làm theo dạng thanh dài thay vì lát mỏng, hơn nữa lại được tẩm vị chanh dây, vị quýt ăn rất lạ miệng. Sau khi ăn thử, tôi đã quyết định mua thêm, bổ sung vào mâm bánh kẹo ngày Tết của gia đình”.
Mứt gừng vị trái cây, mật ong là mặt hàng khá mới mẻ trên thị trường Tết năm nay. Ảnh: Phương Vi
Mứt gừng vị trái cây, mật ong là mặt hàng khá mới mẻ trên thị trường Tết năm nay. Ảnh: Phương Vi
Cứ mỗi mùa Tết đến, anh Đặng Quang Đức (54 Lý Nam Đế, TP. Pleiku) lại tất bật vào bếp làm mứt. Hơn 10 năm kinh nghiệm, anh luôn cố gắng cải thiện chất lượng sản phẩm để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của khách hàng. Mứt dừa là sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất. “Mứt dừa có 2 loại, bánh tẻ và dừa non. Để cho sản phẩm ngon và đẹp mắt hơn, tôi tẩm thêm hương vị từ quả gấc (màu cam), lá dứa (màu xanh), dâu tằm, lá cẩm (màu tím), nghệ, chanh dây (màu vàng) và sữa. Đặc biệt, mứt đều được làm hoàn toàn bằng đường phèn, vừa cho vị ngọt thanh lại đảm bảo sức khỏe. Nhờ đó mà sản phẩm “Mứt nhà Nhím” duy trì được lượng khách hàng khá ổn định”-anh Đức tâm sự. 
Ngoài mứt dừa thì mứt đậu Hà Lan và mứt gừng khô, mứt gừng rim tắc bưởi cũng là mặt hàng được ưa chuộng. Trung bình mỗi mùa Tết, anh Đức bán ra thị trường khoảng 700 kg mứt các loại. Anh Đức cho biết: “Để duy trì lượng mứt tiêu thụ ổn định qua nhiều năm như vậy, tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, xử lý và kỹ thuật sên mứt. Tất cả đều đảm bảo sạch, an toàn để tạo sự yên tâm cho khách hàng”. 
Thị trường Tết năm nay cũng ghi nhận thêm các sản phẩm mứt thủ công như sâm dây, táo khô, cà rốt… Vẫn là những loại mứt truyền thống song các cơ sở đã sáng tạo, làm mới, tăng thêm hương vị khiến cho các sản phẩm thêm hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.