Mùa vàng trên cánh đồng Ngô Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người dân gọi cánh đồng lúa rộng hơn 400 ha thuộc xã Chư Jôr (huyện Chư Pah, GIa Lai) là cánh đồng Ngô Sơn. Những ngày này, đồng lúa Ngô Sơn khoác lên mình một màu vàng óng ả, trải dài đến chân các ngọn núi ra xa tít tắp…
Từ cổng chào thôn Ngô Sơn (xã Chư Jôr) rẽ về bên trái đã thấy vàng ruộm cánh đồng trước mắt. Con đường uốn lượn, hai bên là ruộng lúa vàng ươm, dập dìu trong gió. Rộn rã tiếng nói cười của bà con mùa thu hoạch, từng bó lúa trĩu hạt chất đầy trên những chiếc xe công nông nối đuôi nhau chạy về các thôn làng.
 Cánh đồng Ngô Sơn được bao bọc bởi những dãy núi hùng vĩ. Ảnh: P.V
Cánh đồng Ngô Sơn được bao bọc bởi những dãy núi hùng vĩ. Ảnh: P.V
Không chỉ là nguồn sống con người, cánh đồng Ngô Sơn còn mang vẻ đẹp tự nhiên gần gụi nhưng không kém phần lãng mạn. Thời điểm này, cánh đồng trông như một bức tranh nhiều màu sắc: sắc vàng óng của lúa chín hòa quyện với màu xanh của núi rừng, màu xanh da trời in xuống mặt hồ nước phẳng lặng, trong vắt. Xa xa, phía Bắc, dãy núi Chư Nâm sừng sững. Đó là nơi khởi nguồn của dòng suối Ia Pe đem nước mát về tưới cho ruộng lúa quanh chân núi. Cạnh Chư Nâm là núi lửa Chư Đăng Ya nổi bật với màu vàng của hoa dã quỳ đang đua nhau nở rộ. Xa hơn chút nữa, núi Chư Grang hùng vĩ nhô cao. Còn ở hướng Tây, đồng lúa trải dài tít tắp và Hàm Rồng ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Nhìn từ trên cao, đồi núi nhấp nhô, chập chùng, từng thửa ruộng vuông vức xếp cạnh nhau làm thành một tấm thảm với sắc vàng chủ đạo mềm mại, trải dài. Khẽ đưa tay lùa vào ngọn lúa, nghe gió xào xạc, cánh đồng như nghiêng về một phía, ta hít căng lồng ngực hương thơm lúa chín, cảm nhận không khí làng quê thật êm ả, thanh bình.
Già Ưm (làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) có hơn 3 sào lúa trên cánh đồng Ngô Sơn này. “Từ rất lâu rồi, ông bà chúng tôi trồng lúa ở đây để lấy cái ăn. Cánh đồng là nơi canh tác của người dân ở các xã Chư Jôr, Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), Tân Sơn, Biển Hồ (TP. Pleiku)… Tùy vào vị trí ruộng cao hay thấp mà trồng lúa 2 vụ hay 1 vụ. Lúa thu về mỗi vụ cũng đủ để gia đình ăn quanh năm, không lo đói”-già Ưm chia sẻ.
Theo con đường bê tông chạy sát chân dãy núi Chư Nâm rồi vòng về lại thôn Ngô Sơn (xã Chư Jôr), một cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến khó có thể rời mắt. Đó là mặt nước hồ Ia Nâm phẳng lặng tựa như bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Trên mặt hồ, dăm ba chiếc xuồng của người chài lưới đã trở thành nét điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên thêm phần ấn tượng. Nhiều gia đình ở đây mưu sinh bằng cách đánh bắt tôm cá trên hồ nước ngọt mát lành.
Thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban tặng vùng đất Chư Pah nhiều cảnh đẹp. Từ Phố núi Pleiku, ta sẽ có một lịch trình “dày đặc” thăm thú các cảnh quan nơi đây: ngược về phía Bắc theo quốc lộ 14, rẽ vào hàng thông trăm tuổi, ngang qua Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, đến cánh đồng Ngô Sơn, ngang qua hồ Ia Nâm, đi thêm khoảng 2 km trên con đường vàng rực dã quỳ sẽ đến núi lửa Chư Đăng Ya-thắng cảnh du lịch đang sắp sửa diễn ra lễ hội, thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Để đến Chư Đăng Ya tham dự sự kiện này, còn có thể đi từ hướng Biển Hồ nước qua xã Tân Sơn, đi thêm chừng 5 km để  tới thôn Ngô Sơn. Không chỉ vẻ đẹp riêng có của dã quỳ, bình minh hay cảnh hoàng hôn vào thời điểm chuyển mùa, nơi này mùa nào cũng cuốn hút, hấp dẫn khó lòng chối từ. Nếu được chú ý nhiều hơn, cung đường đến với Ngô Sơn, Chư Đăng Ya sẽ là điểm đến đầy triển vọng cho loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm.
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.