Một điểm du lịch trước nguy cơ xóa sổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ một ngôi làng đẹp như tranh vẽ mang theo những ấp ủ trở thành điểm du lịch, làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì xuống cấp kể từ ngày người dân dời về làng mới.
Chúng tôi trở lại làng Kon Sơ Lăl cũ vào một ngày đầu mùa khô. Dưới tán cây cổ thụ mát rượi, đàn heo con lầm lũi dũi đất tìm thức ăn. Đã gần 20 năm nay, từ khi người dân dọn về nơi ở mới, làng Kon Sơ Lăl cũ đã quen với không khí quạnh quẽ ấy. Khó khăn lắm chúng tôi mới nhìn thấy một bóng người. Bà Deh-một trong những người hiếm hoi còn ở lại làng đang lụi cụi hứng nước từ giọt nước nơi góc làng. Bà Deh nói không thể nhớ mình đã bao nhiêu tuổi, tầm hơn 80 mùa rẫy gì đó. Cả đời bà đã gắn liền với ngôi làng này.
Khi người làng về nơi ở mới, vì hoài niệm với làng cũ nên đôi chân đã níu bà Deh trở lại. “Mình ở đây quen rồi, đi nơi khác ở không được. Ở làng cũ yên tĩnh hơn, thỉnh thoảng dân làng vẫn đi làm rẫy qua đây ghé trò chuyện nên cũng đỡ buồn. Nuôi con gà, con heo cho có bầu bạn. Hàng ngày, mình trồng rau, nhặt cỏ, lâu lâu con cháu lên chơi hoặc đón về làng mới, vì làng mới cũng ở gần đây thôi”-bà Deh tâm sự.
Một ngôi nhà hiếm hoi còn có thể sử dụng để ở tại làng Kon Sơ Lăl cũ. Ảnh: Lê Gia
Một ngôi nhà hiếm hoi còn có thể sử dụng để ở tại làng Kon Sơ Lăl cũ. Ảnh: Lê Gia
Theo chân bà Deh, chúng tôi đi một vòng quanh ngôi làng. Khắp nơi, cỏ dại mọc um tùm che khuất lối qua lại giữa những ngôi nhà. Cả làng chỉ còn 5-6 ngôi nhà còn nguyên vẹn bộ khung nhưng hầu hết cũng đã xập xệ. Những bậc cầu thang gỗ đã bị mối mọt làm hư hại, mái nhà sàn cũng phập phù, mong manh trước gió. Một trong những công trình đẹp nhất còn sót lại là nhà thờ ở giữa làng cũng úa màu thời gian, bậc thềm, mái ngói đã xộc xệch.
Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: “Đây thực sự là một ngôi làng đẹp hiếm có của người dân Bahnar và là tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Sắp tới, UBND huyện sẽ khảo sát và phối hợp cùng các ngành liên quan để tìm phương án gìn giữ nét đẹp của ngôi làng, đưa làng cũ trở thành điểm đến du lịch cùng với những mái nhà rông lớn đã nổi tiếng được nhiều người biết đến tại xã Hà Tây”.  
Ông Yưuh-già làng Kon Sơ Lăl-cho hay: Từ năm 2002, người dân đã được vận động từ làng cũ về khu định canh, định cư cách đó khoảng 4 km và lập làng mới để thuận lợi về điện, đường, trường, trạm. Khi chuyển đi, làng cũ vẫn còn hàng chục ngôi nhà sàn bằng gỗ, hầu hết đều được làm từ gỗ quý như: hương, trắc… Sau khoảng thời gian vắng bóng người, những ngôi nhà bị xuống cấp khiến người dân phải dỡ bỏ đưa gỗ về cất giữ ở làng mới, một số khác vì điều kiện kinh tế khó khăn đã phải bán nhà gỗ.
Đặc biệt, trận lốc sét vào năm 2015 khiến nhà rông cùng 12 căn nhà khác bị thiêu rụi. Từ dạo ấy, làng cũ càng trở nên đìu hiu với những khoảng trống huơ hoác không thể khỏa lấp. Ông Yưuh ngậm ngùi: “Tuy về làng mới nhưng chúng tôi vẫn thường về làng cũ tổ chức ăn uống, hát hò. Không có người ở thường xuyên và cũng không có kinh phí để tu sửa nên đành nhìn những ngôi nhà hư hại dần như thế”.
Ông Piên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho biết: “Ủy ban nhân dân xã vận động người dân gìn giữ những ngôi nhà sàn, không vì lợi ích kinh tế mà dỡ đi để bán gỗ. Thời gian qua, nhiều du khách đến tham quan và rất ấn tượng với vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc của ngôi làng. Chúng tôi cũng muốn quảng bá, xây dựng ngôi làng trở thành địa điểm du lịch và đã có đề xuất lên cấp trên nhưng hiện tại vẫn chưa được quan tâm đầu tư kinh phí. Hầu hết khách du lịch đến đây chỉ là tự phát, chứ chưa thành một điểm đến của các tour du lịch thực sự”.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.