(GLO)- Dự án hỗ trợ nông nghiệp-nông dân và nông thôn thực hiện theo thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD). Mục tiêu của dự án là tăng cường sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại 26 xã nghèo thuộc 5 huyện: Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro, Kbang, Đak Đoa vào hoạt động phát triển kinh tế nông thôn thông qua chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản.
Dự án chính thức khởi động vào giữa năm 2011, song thực tế đến cuối năm 2011 mới có vốn để triển khai một số hợp phần. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Giám đốc Ban Điều phối dự án- ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc triển khai dự án chậm hơn so với các tỉnh, thành khác.
Hướng dẫn kỷ thuật chăm sóc bắp lai. |
Đến nay, tỉnh mới triển khai các phần việc như: tập huấn khảo sát; xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường, thực hiện dự án; hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện dự án theo quy định; tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia định hướng thị trường giữa các tổ công tác…
Cũng theo ông Bình, một số nội dung trong khuôn khổ dự án chưa thật sự phù hợp với thực tiễn địa phương. Làm rõ thực tế này, Phó Giám đốc Sở Công thương-ông Phan Minh Túc cho rằng: Đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng quy trình triển khai các hoạt động của dự án mới dừng lại ở góc độ giới thiệu dự án chứ chưa chú trọng đến mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng; đặc biệt là chưa xây dựng được nội dung tập huấn để nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân, đầu ra cho sản phẩm để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn thông qua chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản.
Liên quan đến chuỗi giá nông sản, đến nay các cơ quan thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát, phân tích chuỗi giá trị bò thịt tại huyện Krông Pa, chuỗi giá trị mì tại huyện Ia Pa; chuỗi giá trị bắp tại huyện Kông Chro và mía tại huyện Kbang. Về cơ bản, các chuỗi giá trị này được thiết lập dựa vào thế mạnh phát triển nông nghiệp của từng địa phương. Tuy nhiên thực tế phát triển cho thấy diện tích mía tại huyện Kbang hiện đã vượt quy hoạch, cây mì đang trong thời kỳ khó khăn khâu tiêu thụ. Vì vậy, nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan liên quan cho rằng nên xem xét lại tính hiệu quả của 2 chuỗi giá trị này, nhất là đầu ra sản phẩm sau khi thực hiện chuỗi giá trị theo hình thức nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác mà không mở rộng diện tích.
Cùng với những vấn đề nảy sinh từ các hoạt động của dự án đã triển khai, việc tiếp cận và triển khai dự án đang vấp phải khó khăn. Nguyên nhân, theo lý giải của ông Bình thì nội dung bản dịch thiết kế dự án từ tiếng Anh sang tiếng Việt của IFAD cung cấp chưa đảm bảo độ chuẩn xác; trong khi đó các hoạt động triển khai đều dựa vào thiết kế dẫn đến thiếu đồng bộ. Tiếp đến, đội ngũ cán bộ Ban Điều phối, các đơn vị thực thi chưa nắm bắt hết các hoạt động của dự án; sổ tay hướng dẫn thực hiện các hợp phần của dự án chưa được ban hành nên quá trình triển khai còn lúng túng.
Đặc biệt, quy mô sản xuất của khu vực đồng bào thiểu số còn nhỏ lẻ, đồng bào dân tộc thiểu số lại chưa nắm được nhu cầu thị trường nên việc vận động thành lập tổ, nhóm cùng chung sở thích thực hiện chuỗi giá trị mặt hàng nông sản gặp khó khăn.
Đề cập đến việc triển khai thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban chỉ đạo dự án-ông Đào Xuân Liên khẳng định kết quả thực hiện đến thời điểm này đạt 8% so với tổng khối lượng công việc của dự án đề ra là chậm, nên thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện dự án không phải để tiêu hết tiền, mà phải hướng đến hiệu quả thiết thực. Để đạt được mục tiêu ấy, vai trò của bộ máy tổ chức thực hiện dự án là hết sức quan trọng nên thời gian tới phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện.
Đồng thời phải soát xét lại phần việc đã triển khai để điều chỉnh những điểm không phù hợp, hiệu quả mang lại thấp; xác định việc nào cần thì triển khai làm trước để phát huy hết giá trị nguồn vốn đầu tư. Việc xây dựng nội dung tập huấn phải thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, góp phần làm chuyển biến nhận thức của nhân dân, nhất là nhận thức về tiết kiệm chi tiêu, đầu tư và bán sản phẩm. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần chủ động lồng ghép nguồn vốn đầu tư của dự án vào nguồn vốn đầu tư các chương trình khác để phát huy hiệu quả cao nhất.
Quang Văn