Quy Nhơn gắn bó với tôi suốt cả một quãng đời thanh xuân. Gắn bó thành ra lại thân quen, nhưng nếu phải tìm đến một nơi xa Phố núi trong những ngày lảng bảng sương mờ thì tôi vẫn nghĩ đến thành phố biển đáng yêu này.
Đến Eo Gió Quy Nhơn check-in con đường đi bộ ven biển hot nhất hè này |
Về Quy Nhơn vào một ngày giữa hạ, tôi mới hiểu vì sao nơi đây cần có biển. Cái nắng thắm trời cứ hực lên, hun đốt tất thảy cảnh vật và con người, nay nhờ có hơi nước từ biển ùa vào mà dịu hẳn đi. Lần này trở lại, miền “đất võ, trời văn” với những trầm tích lịch sử-văn hóa đã thay da đổi thịt rất nhiều. Có lẽ tôi “cũ”chăng hay vì mảnh đất này “mới” quá? Tôi vốn yêu cái vẻ thanh bình, hiền hòa của thành phố trong từng con hẻm nhỏ với đám lá me bay, yêu cuộc sống bình dị của người dân “thượng võ”, thế nên có cảm giác vẫn chưa quen với nhịp sống mới, hối hả và rào rạt đến căng tràn.
Có lẽ vì yêu quá nên tôi thấy mình ích kỷ. Quy Nhơn của tôi quả thật xứng đáng được vươn tầm từ rất lâu rồi. Cảnh quan đa dạng với biển đảo, đầm phá, cồn bãi, gò đồi…như một bức tranh thiên nhiên toàn cảnh chính là yếu tố then chốt để vùng đất này được chấm một dấu rõ rệt trên bản đồ du lịch xuyên Việt và trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung. Khai thác lợi thế của bờ biển dài, tập đoàn FLC đang chung tay tạo đà đi lên cho phố biển với dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ở Nhơn Lí, hướng đến hành trình đưa ngành “Công nghiệp không khói” trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Và điều đáng mừng là trong suốt kỳ nghỉ hè này, một trong những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook của các bạn trẻ đó là Eo gió, Kì co. Tiếc là trên hành trình ngắn ngủi của mình, tôi chỉ kịp tìm đến với Eo gió, nơi mà tôi sẽ gọi là miền hút gió.
Tôi tự lên lịch trình cho mình và chọn xe gắn máy làm bạn đồng hành. Địa danh Eo gió nằm ở xã Nhơn Lí, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 20 km về hướng Đông Bắc với những cung đường rộng, trải bằng hai hàng phi lao, gió và cát trắng, tôi nghĩ đây sẽ là cung đường lí tưởng nhất dành cho các bạn trẻ đam mê “phượt”, càng vào sâu càng có cảm giác như trong vào một thành phố khác, mới mẻ và lạ lẫm vô cùng. Ở cuối chặng đường, Eo gió hiện ra hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng. Có lẽ với tôi, biển bao giờ cũng lạ. Tôi may mắn đến đây vào một ngày hè, nhất là ngày không có bão, lòng biển khá ấm và hút gió. Eo biển lọt thỏm giữa những rặng núi đá vòng cung lưng chừng, uốn lượn và ôm trọn cả một vùng biển dài hơn 15 km. Tôi cho đó là một bức kiến tạo kì vĩ của tạo hóa, có sự giao hòa giữa mây trời, đá núi và biển khơi. Thích thú là cảm giác mà các du khách khi đến đây được tận hưởng, sau khi tự mình rong ruổi đến những bậc thang cuối cùng trên con đường đi bộ ôm sát biển gần như đẹp nhất quê hương Việt Nam. Không thích thú sao được khi đứng từ đây và phóng tầm mắt ra khơi xanh, thấy đá lăn vào nhau, nhấp nhô trườn ra biển và bị dội lại bởi những đợt sóng vỗ tới trắng xóa; giữa nắng sớm ửng hồng, cả một khoảng trời hoang sơ hiện ra, lộng lẫy và ngoạn mục đến rợp người. Bước sâu xuống để gần biển thêm một chút, sẽ thấy đôi chiếc ghe neo vào mỏm đá; tìm trên những mỏm đá bằng phẳng ấy, không khó để tổ chức một buổi dã ngoại cùng gia đình và bạn bè vào những dịp cuối tuần. Tôi đã thấy những cảnh tượng ấy ở nơi đây, khi tiếng gió, tiếng sóng biển, tiếng thở của núi đá hòa vào tiếng cười râm ran của du khách, tất thảy chúng quyện vào nhau tạo nên một bản hòa ca mùa hạ êm dịu nhất. Đá núi dựng bên lòng biển. Chỉ thế thôi! Đôi khi vẻ đẹp kỳ kĩ cũng chính là vẻ đẹp đơn sơ nhất.
Có lẽ tôi nên luyện tập cho sức khỏe dẻo dai hơn nếu muốn chinh phục những địa danh như Eo gió. Tôi đã thở dốc khi ra khỏi con đường vòng cung ấy và chọn một quán nước (có kèm theo dịch vụ gửi xe trước khi mua vé vào ngắm cảnh) làm điểm dừng chân. Bên cốc trà đá mát lành, tôi trò chuyện đôi câu cùng anh chủ quán. Anh bảo: “Làng tôi trước kia chỉ có nghề chài lưới, không khí còn yên lành hơn bây giờ rất nhiều, cô có thích tắm biển và ăn hải sản tươi sống không? Tôi chỉ cho tour giá rẻ, là đi ra đảo Kì Co ấy”… Tôi từ chối và hẹn cho lần sau gặp gỡ, nhưng lòng thì ấm lại vô cùng bởi tôi nhận ra đây rồi: cái chất phác, thật thà, gần gũi ẩn trong vẻ “cục mịch” của người con xứ biển, ngay cả khi cuộc sống của họ đang thở bằng những nhịp rất mới. Tôi gửi anh vé giữ xe năm ngàn đồng và mua ủng hộ thêm một lon nước ngọt với giá mười hai ngàn đồng. Tôi quay trở về, chỉ mất chừng ấy cho một hành trình dài khám phá thiên nhiên. Đó là cảm giác an toàn và dễ chịu, một cảm giác khó có được khi đến với bất kì địa danh du lịch nổi tiếng nào trên cả nước.
Có thịnh vượng đến đâu thì xứ Nẫu vẫn mang trong mình vẻ đẹp tinh khôi như chưa hề có một cuộc khai phá. Tôi đã có thêm một trải nghiệm xanh cho tuổi thanh xuân của mình. Biển muôn đời vẫn nồng nàn. Còn tôi thì lần nào cũng vội…
Lữ Hồng