"Mẹ ơi! Chúng con về rồi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là truyền thống tốt đẹp của quân và dân ta. Ở Binh đoàn 15, công tác này được coi là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm, tình cảm và lòng biết ơn với những cống hiến, hy sinh của các mẹ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 Cán bộ Binh đoàn 15 thăm hỏi mẹ Nguyễn Thị Hái. Ảnh: N.D
Cán bộ Binh đoàn 15 thăm hỏi mẹ Nguyễn Thị Hái. Ảnh: N.D

Chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Hái (11 Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vào một ngày trung tuần tháng 12. Vừa tới cửa, Trung tá Nguyễn Văn Mười- Trưởng ban Chính sách Binh đoàn gọi: “Mẹ ơi! Chúng con về rồi”. Nghe tiếng gọi, mẹ Hái đang nằm nghỉ trên giường lật đật bước ra cửa, cầm tay chúng tôi kéo vào nhà. Giọng mẹ líu ríu: “Hôm qua có người tới bảo ngày mai mẹ đừng đi đâu kẻo các anh chị ở Gia Lai xuống thăm không gặp mẹ thì tội. Mẹ chờ từ sáng tới chừ tưởng tụi bây không đến”. Chúng tôi ngồi quây quần bên mẹ. Mẹ để mặc mấy chị ở Nhà khách Bình Dương nắn tay, nắn chân, chải tóc... Rồi mẹ quay qua ôm ghì lấy tôi và bảo: “Thỉnh thoảng về chơi với mẹ nhé. Sức khỏe của mẹ hồi này kém lắm rồi, lần sau các con tới chưa chắc đã gặp. Mấy hồm rồi mẹ ở trên nhà cái Vân. Hắn là con riêng của ông nhưng thương mẹ lắm, cứ giữ mẹ ở trên đó, ngày nào cũng bắt mẹ uống sữa, mua đủ thứ cho mẹ ăn nhưng mẹ nhớ nhà, nhớ ông ấy với thằng Thạch không chịu được nên mẹ đòi về”. Nắn những ngón tay gầy guộc của mẹ, nước mắt tôi cứ thế trào ra.
 

Năm 1997, Binh đoàn 15 nhận phụng dưỡng 14 Mẹ VNAH, trong đó có 7 mẹ quê Bình Định, 6 mẹ quê Quảng Ngãi và 1 mẹ ở Gia Lai. Do tuổi cao, sức yếu nên 13 mẹ đã qua đời, hiện chỉ còn mẹ Nguyễn Thị Hái, trú tại 11 Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Và tôi chợt hiểu vì sao chị Phan Thị Sao-Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Công ty 72 lại khó diễn tả tình cảm của mình mỗi khi gặp mẹ đến vậy. Chị cho biết: “Công ty 72 là đơn vị trực tiếp phụng dưỡng 3 Mẹ VNAH ở TP. Quy Nhơn gồm: mẹ Huỳnh Thị Nguyệt (112 Hoàng Quốc Việt), có 2 con là liệt sĩ; mẹ Hồ Thị Thìn (49 Nguyễn Xuân Chữ), có con độc nhất là liệt sĩ và mẹ Hái, có con độc nhất là liệt sĩ. Mẹ Nguyệt và mẹ Thìn đã qua đời, chỉ còn mẹ Hái. Mấy năm nay, mẹ Hái đã yếu, mắt không còn tinh anh nữa nhưng vẫn nhớ từng người. Có năm, do công việc tôi không xuống thăm mẹ được, đơn vị cử chị Yến-Bí thư Đoàn cơ sở Công ty đi thay. Mẹ tưởng chị Yến là tôi nên cầm tay nói: “Năm nay mẹ thấy Sao khỏe hơn năm ngoái”. Chị Yến về đơn vị kể lại, tôi rất cảm động. Tuy không phải con ruột của mẹ nhưng lần nào xuống thăm cũng thấy mẹ ngồi chờ ở đầu hẻm, đôi mắt già nua thẫn thờ nhìn vào khoảng không như ngóng đợi điều gì đó, trong tôi luôn trào dâng một cảm giác thật khó diễn tả. Mỗi lần chia tay, mẹ đều giữ ở lại thêm chút nữa làm tôi không cầm được nước mắt, chẳng muốn rời xa. Tôi hiểu mẹ mong chúng tôi xuống để có người trò chuyện. Rất tiếc là đơn vị ở xa nên chúng tôi không thường xuyên đến chăm sóc mẹ được”.

Theo số điện thoại chị Sao đưa, tôi liên lạc với chị Huỳnh Thị Thúy Vân, ở thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa và được biết thêm về cuộc đời của mẹ, của liệt sĩ Thạch. Chị Vân kể: Chuyện tôi là con riêng của ba mãi sau này khi ba mất, tôi đi làm chế độ cho ba, được đọc lý lịch của ba tôi mới biết. Ngày ba ra Bắc có quen mẹ tôi và sinh ra tôi năm 1970. Đến khi tôi được 2 tuổi, ba đưa tôi đi theo vào chiến trường. Sau giải phóng, năm 1976, ba đưa tôi về sống với má Hái. Má thương tôi nhất trên đời nên tôi cứ nghĩ mình là con của má. Tôi nghe bác dâu kể lại cuộc đời của má khổ lắm. Năm 1947, má sinh anh Thạch (liệt sĩ Huỳnh Ngọc Thạch). 15 tuổi, anh thoát ly theo cách mạng. Chồng tập kết ra Bắc, con đi thoát ly nên ngày nào má cũng bị gọi lên xã tra hỏi. Để không ảnh hưởng đến chồng và con, má đi tản cư cách nhà 7 cây số. Má đi rồi, việc nuôi anh Thạch do bác dâu đảm nhiệm. Hàng ngày, bác đem cơm ra giấu ngoài vườn để đêm anh Thạch về lấy. Bác dâu tôi bảo, anh Thạch hồi nhỏ vừa đẹp trai, vừa học giỏi nên được cách mạng cho đi học y sĩ để về làm nhiệm vụ cứu thương. Ngày 1-10-1965, anh đi cùng một đồng chí lãnh đạo về thăm gia đình thì bị địch phục kích và hy sinh khi vừa 18 tuổi. Nghe hung tin, má ở nơi tản cư chạy về kiếm xác anh đem chôn nhưng địch không cho. Mấy hôm sau, trời mưa lớn, nước lũ dâng lên, xác anh bị trôi ra biển. “Năm nay má 92 tuổi rồi, vợ chồng tôi và các cháu muốn má ở trên này để tiện chăm sóc nhưng má không chịu, cứ đòi về dưới đó. Nhà má đang ở ngày trước là khu tập thể của Ban Cải tạo Nông nghiệp tỉnh Nghĩa Bình phân cho ba rất chật chội và ẩm thấp nên chúng tôi rất lo. Đơn vị phụng dưỡng cũng muốn làm lại nhà nhưng chẳng biết làm thế nào...”-giọng chị Vân nghẹn lại.

Điều chị Vân băn khoăn cũng là nỗi niềm của chúng tôi khi đến thăm mẹ Hái. Chia tay mẹ, tôi cứ ước giá như mẹ chịu ở với gia đình chị Vân; giá như những năm tháng còn lại của cuộc đời, mẹ được sống trong căn nhà thoáng đãng hơn, rộng rãi hơn, vững chãi hơn. Tuy nhiên, điều này rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện về địa điểm. Bởi “việc xây dựng cho mẹ một căn nhà là chuyện trong tầm tay của Binh đoàn” như lời khẳng định của Đại tá Lê Quang Nghị-Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn.

Suốt 19 năm qua, bằng tình cảm chân thành của người lính, cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong Binh đoàn 15 đã làm tốt công tác chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ VNAH. Những việc làm đầy ân tình của họ đã phần nào thay thế đồng đội-những con người ưu tú đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc-sưởi ấm lòng các mẹ đến cuối đời.

 Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.