Mẹ ngồi vấn tóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ánh hoàng hôn, trước hiên nhà, mẹ ngồi chải tóc. Con chợt nhận ra suối tóc xưa đã bạc trắng mái đầu. Tóc rụng mẹ gom lại cả nùi. Cái tha thướt làm nên dáng vóc của một thời thiếu nữ đã thưa dần theo khó nhọc thời gian. Chợt tiếc nuối, chợt nhớ thương, chợt bâng khuâng hoài niệm về hình ảnh mẹ ngồi vấn tóc chiều xưa.
Ngày ấy, khi cuộc sống khổ cực mà đậm đà tình nghĩa. Người nông dân vẫn yêu mến ruộng đồng. Tình làng nghĩa xóm đậm đà trong lời chào hỏi, trong bát nước chè xanh. Mẹ cha quanh năm tất bật chiêm mùa. Con lớn lên hồn nhiên và tự nhiên trong vô tư sau lũy tre làng. Đó là những chiều hè, ta vẫn nhớ hình ảnh mẹ đi tìm những hương nhu, bồ kết để nấu nồi nước gội đầu khi mà những nhãn hiệu Clear, Sunsilk… chưa bày bán đầy rẫy ở các gian hàng tạp hóa. Nồi nước thơm hương đồng cỏ nội ngấm vào mái tóc dày thơm ngào ngạt cả không gian, chứa chan hoài niệm.
Ngày xưa, mẹ ta và những người phụ nữ nông thôn khác đều tóc dài quá lưng hoặc có khi còn chấm gót, chẳng có ai tóc ngắn, tóc vành… Bởi lẽ, cái răng, cái tóc là vóc con người. Khi mà phụ nữ chưa biết làm đẹp bằng mỹ phẩm, spa, thẩm mỹ viện nên ai cũng giữ gìn mái tóc của mình. Tất nhiên, người phụ nữ sau lũy tre làng, quẩn quanh bên chái bếp gánh vác công việc nhà chồng với trăm việc không tên, mái tóc dài chẳng tiện nên đành vấn lên cho gọn gàng.
Thời ấy, người con gái đến tuổi cập kê là đã bắt đầu biết làm đẹp cho mình. Vì thế, trong bài thơ “Chùa Hương”, Nguyễn Nhược Pháp từng viết: “… Cùng thầy me em dậy/Em vấn đầu soi gương…” dẫu nhân vật trữ tình đã thổ lộ “Em tuy mới mười lăm/Mà đã lắm người thăm” đó sao.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Vấn khăn và chiếc khăn vấn được xem như là biểu tượng đặc trưng thuần Việt. Tục vấn khăn trải qua nhiều biến thiên dâu bể, dần trở thành chứng cớ để nhận biết cộng đồng An Nam trong cõi Đông Á. Nó dần mai một từ giai đoạn đầu thế kỷ XX khi trào lưu Âu hóa nở rộ (đặc biệt là ở thị thành), tuy rằng ở làng quê vẫn chưa dứt hẳn.
Các bước vấn tóc thoạt nhìn tưởng như đơn giản nhưng kỳ thực nó lại đòi hỏi sự khéo léo và công phu từ đôi bàn tay của người phụ nữ. Khăn vấn tóc là một miếng vải dài khoảng 80 cm hoặc hơn tùy theo mái tóc từng người, rộng chừng 15-20 cm, màu đen hoặc nâu, tím; bằng vải nhung hoặc nhiễu. Để vấn được tóc tròn và chặt, người ta độn thêm vào tóc một cái độn (bằng vải hoặc bông) dài khoảng 50 cm như một con rắn cùng sợi dây nhỏ dài bằng thân độn để cố định. Khi vấn khăn, trước hết rẽ đường ngôi, dồn tóc sang cả bên phải hoặc trái (tùy theo tay thuận mỗi người). Đặt độn tóc vào giữa làm cốt và dùng dây quấn cho chặt tóc. Lấy khăn vấn bọc tóc lại và dùng dây buộc ở đầu khăn (chỗ chân tóc) giữ khăn khỏi tuột. Dùng tay lần từ từ và vấn, vuốt xuôi cho tròn đều, chặt đến hết chiều dài khăn. Quấn vành khăn từ trước ra sau đầu một vòng, phần khăn vấn còn lại luồn xuống dưới đoạn đầu khăn vắt lên phía trên thái dương trái hoặc phải. Tóc dài hơn khăn vấn sẽ rũ xuống cạnh tai người phụ nữ gọi là tóc đuôi gà như bài ca “Mười thương” đã từng ca ngợi.
Cùng với vấn khăn là khăn đội đầu. Đó là một mảnh vải vuông màu thâm mỗi cạnh trung bình 70-80 cm. Khi chít, người ta gập chéo lại thành hình tam giác, đặt ngang đỉnh đầu, hai góc khăn buộc vào dưới cằm, tai trùm kín. Cũng có lối đặt cạnh huyền tam giác (mép khăn) ngang trán, kéo hai bên khăn về hai phía cho thành hình mỏ quạ ở giữa rồi buộc hai đầu khăn xuống dưới cằm hoặc quặt đầu khăn ra sau gáy gọi là chít khăn mỏ quạ. Nó sẽ làm nổi lên hình tròn lẳn của khăn vấn. Chiếc khăn để che nắng mùa hè, ngăn rét mùa đông, rồi khi có con là chiếc nôi êm để đưa con vào giấc ngủ… Ca dao từng viết: “Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen” để ca ngợi vẻ đẹp thuần Việt của phụ nữ thời xưa.
Cuộc sống phát triển, tất yếu ta không thể khăng khăng giữ lại những cái đã không còn phù hợp dù nó là truyền thống. Thời đại công nghiệp 4.0, ta làm sao có thể yêu cầu như lối sống sau lũy tre làng ngày xưa. Nhưng nhìn những mái tóc đủ màu sắc, đủ kiểu dáng bởi uốn sấy nhuộm hôm nay, ta lại rưng rưng thương một miền ký ức cũ xưa. Ta chợt hiểu hơn nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ “Chân quê” cứ “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” khi đi tỉnh về. Mẹ ta cũng thôi không còn vấn tóc bởi đôi tay đã run, mắt đã mờ, chân đã chậm. Kỷ vật một thời nằm lặng lẽ nơi đầu giường để ta thảng thốt một niềm thương.
ĐINH HẠ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...