“Mẹ đỡ đầu” tô thắm hình ảnh nữ Công an nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Gia Lai đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, bất hạnh, tạo điểm tựa để các em vươn lên trong cuộc sống. Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà còn tô thắm hình ảnh nữ Công an vì Nhân dân phục vụ.

Tháng 5-2017, trên đường đi làm, bố của em Rah Lan H'Phyứi (trú tại làng Chuét Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Nỗi đau còn chưa nguôi, 1 năm sau đó, mẹ em cũng mắc bệnh hiểm nghèo rồi đột ngột qua đời. Căn nhà chỉ còn lại 3 chị em HPhyứi. Sau biến cố ấy, cuộc sống của 3 chị em gặp vô vàn khó khăn. Con đường đến trường của HPhyứi vì thế cũng trở nên gập ghềnh. Thương các em còn nhỏ dại, chị cả HCúc vừa phải cáng đáng việc gia đình riêng, vừa tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền giúp đỡ các em.

Cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà cháu Lâm Ngọc Gia Linh (bìa trái) và Lâm Ngọc An Nhiên. Ảnh: R.H

Cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà cháu Lâm Ngọc Gia Linh (bìa trái) và Lâm Ngọc An Nhiên. Ảnh: R.H

Biết được hoàn cảnh của chị em HPhyứi, năm 2018, Hội Phụ nữ Cảnh sát nhân dân III phối hợp với Chi Đoàn Cảnh sát nhân dân I (Công an tỉnh) nhận giúp đỡ HPhyứi. Ngoài hỗ trợ tiền hàng tháng và các đồ dùng học tập, các cán bộ, chiến sĩ Công an thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và theo dõi việc học tập của em.

HPhyứi chia sẻ: “Năm nay, em học lớp 9 tại Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Chư Á). Gia đình không có ruộng rẫy nên thời gian rảnh em đi làm thêm tại quán cơm lam, gà nướng để kiếm thêm thu nhập. Trong những năm qua, các cô chú Công an thường xuyên động viên, hỗ trợ em trong cuộc sống và học hành. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mọi người”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Thiếu tá Phạm Thị Thu Hiền-Chủ tịch Hội Phụ nữ Cảnh sát nhân dân III-cho hay: “Trước đây, khi tiếp xúc, chuyện trò với chúng tôi, HPhyứi rất rụt rè và ngại ngùng. Để bù đắp phần nào sự thiếu thốn của em, chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, gặp gỡ nắm bắt tâm tư và hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần. Bây giờ, HPhyứi đã tự tin, mạnh dạn và thường hay chia sẻ với mọi người về những câu chuyện trong cuộc sống”.

Hội Phụ nữ Cảnh sát nhân dân III thăm hỏi, động viên cháu Rah Lan H'Phyứi. Ảnh: R.H

Hội Phụ nữ Cảnh sát nhân dân III thăm hỏi, động viên cháu Rah Lan H'Phyứi. Ảnh: R.H

Tương tự, Hội Phụ nữ Công an tỉnh và các cơ sở Hội trực thuộc cũng dành sự quan tâm đối với cháu Lâm Ngọc Gia Linh (SN 2013) và Lâm Ngọc An Nhiên (SN 2015, cùng trú tại tổ 3, phường Đống Đa, TP. Pleiku). 2 cháu là con của một nữ chiến sĩ Công an huyện Chư Păh đã qua đời do bạo bệnh vào năm 2021. Hiện nay, Linh và Nhiên sống cùng bà ngoại đã già yếu, mọi việc phải nương nhờ vào gia đình người cậu ruột. Năm 2022, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận làm “mẹ đỡ đầu” 2 cháu theo hình thức gián tiếp hỗ trợ, chăm sóc thông qua người nuôi dưỡng trực tiếp (mức hỗ trợ cho 2 cháu là 5,6 triệu đồng/năm).

Anh Lê Hoàng Vinh (cậu ruột 2 cháu) chia sẻ: Linh học lớp 5, còn Nhiên học lớp 3 Trường Tiểu học Lương Thạnh (phường Đống Đa). Gia đình chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ và sẻ chia của Hội Phụ nữ Công an tỉnh đối với các cháu.

Tháng 7 vừa qua, tại chương trình “Mẹ đỡ đầu-yêu thương và chia sẻ” do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã được tuyên dương là “Mẹ đỡ đầu tiêu biểu” năm 2023. Trong số 75 cặp mẹ con tiêu biểu toàn quốc được biểu dương trong dịp này, Hội Phụ nữ Công an tỉnh có 1 cặp mẹ con là Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Thúy-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh và con nuôi là cháu Lâm Ngọc An Nhiên-học sinh xuất sắc năm học 2022-2023.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Thúy thông tin: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Hội Phụ nữ Công an tỉnh triển khai từ lâu và nằm trong chuỗi hoạt động hướng về cộng đồng của đơn vị. Sau một thời gian thực hiện, ngày 28-4-2022, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh đã họp thống nhất triển khai thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” sâu rộng trong các cấp Hội Phụ nữ của đơn vị. Đến nay, Hội Phụ nữ Công an các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt chương trình “Mẹ đỡ đầu” và có 31 cháu được nhận nuôi. Trong đó, 19 cháu là người dân tộc thiểu số; 6 trường hợp có bố/mẹ công tác trong lực lượng Công an. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu là vận động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên và vận động xã hội hóa. Mức hỗ trợ trung bình 3,6 triệu đồng/cháu/năm, thời gian nhận chăm sóc và nuôi dưỡng thực hiện theo nhiệm kỳ hoặc đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

“Chương trình nhằm hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện giúp các em xóa bỏ mặc cảm, được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng. Đồng thời, đảm bảo quyền trẻ em theo quy định của pháp luật. Mặt khác, chương trình cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhân văn và tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục báo cáo Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo triển khai nhân rộng chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn các cơ sở Hội tổ chức thăm hỏi, động viên các cháu bằng các hình thức thiết thực phù hợp”-Thượng tá Thúy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.