Máy thở cần thiết trong điều trị bệnh COVID-19 thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) nhấn mạnh trong y văn không có khái niệm về máy trợ thở, đó là khái niệm mọi người tự đặt ra.
Một chiếc máy thở đang sử dụng điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một chiếc máy thở đang sử dụng điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/6 số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống.
Máy thở là thiết bị y tế cần thiết khi phòng chống các dịch bệnh đường hô hấp, do ở giai đoạn bệnh nặng thì bệnh nhân cần được hỗ trợ thở, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay.
Không có khái niệm về máy trợ thở trong y văn
Gần đây, có nhiều thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về hai loại thiết bị đó là: máy trợ thở và máy thở để phục vụ công tác điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) nhấn mạnh trong y văn không có khái niệm về máy trợ thở, đó là khái niệm mọi người tự đặt ra.
Hiện nay có phân loại các thiết bị hỗ trợ hô hấp gồm có: Thở oxy dòng thấp (thở oxy qua mũi, qua mask, qua vòi phun venturi); Thở ôxy dòng cao (cần máy trộn HFNC); Thở máy không xâm nhập (dùng mask mũi hoặc mặt) và thở máy xâm nhập (thở qua đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản).
Bác sỹ Cấp cho hay với bệnh nhân cần thở máy thì có hai loại: một loại là thở máy không xâm nhập và thở máy xâm nhập.
Thở không xâm nhập có nghĩa người bệnh tự hít thở, máy sẽ hỗ trợ thêm áp lực để cho việc hít thở dễ dàng hơn. Trường hợp này dùng trong điều kiện bệnh nhân nhẹ mà vẫn tự hít thở được.
Máy thở xâm nhập là loại máy can thiệp cho những bệnh nhân nặng hơn, máy sẽ chủ động tạo nhịp thở và người bệnh phải tuân theo nhịp thở đó.
“Các loại máy thở hiện nay cũng rất đa dạng, của nhiều hãng và nhiều mức giá khác nhau, có loại chỉ 150 triệu đồng/máy nhưng có những loại máy tốt giá gần 1 tỷ đồng/máy” - bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Bác sỹ Cấp phân tích với những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp, không thể thở tự nhiên được sẽ cần sử dụng máy thở.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thời gian qua, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 4 trường hợp mắc bệnh COVID-19 trong tình trạng nặng đã phải thở máy, đến nay đã có 3 trường hợp cai máy được máy thở.
“Bệnh viện hiện tại còn hơn 60 bệnh nhân mắc COVID-19. Theo quy luật chung ở các quốc gia khác là có 17% tới gần 20% số bệnh nhân này rơi vào tình trạng nặng. Bệnh nhân nặng đến mức độ nào sẽ phụ thuộc vào việc can thiệp của các y bác sỹ trong công tác điều trị,” bác sỹ Cấp chỉ rõ.
Chủ động sản xuất thiết bị bảo hộ, nghiên cứu sản xuất máy thở
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế đã chuẩn bị những phương án, kịch bản theo đúng 5 giai đoạn mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã báo cáo Chính phủ.
Thống kê cho thấy đến nay các bệnh viện và dự trữ quốc gia đã có gần 4.000 máy thở. Bộ Y tế đã có dự trù mua sắm thêm máy thở từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cộng đồng và các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) cũng đặt ra yêu cầu về việc Việt Nam cần chủ động sản xuất thiết bị bảo hộ, nghiên cứu sản xuất máy thở.
Là thành phố đang trong tâm dịch, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội chỉ có 260 máy thở. Số máy này còn đang được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Đáng lưu ý, nguồn cung cho máy thở đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 máy.
Theo các nghiên cứu trong mùa dịch COVID-19 tại Trung Quốc, thông thường khoảng 19% trong số bệnh nhân COVID-19 là bệnh nặng và rất nặng, trong đó 14% là bệnh nặng, 5% rất nặng. Số người bệnh rất nặng đều phải sử dụng máy thở.
Do vậy, việc dự trữ thiết bị y tế để phục vụ các tình huống gia tăng bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ tử vong là rất cần thiết.
Theo thống kê của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến 8 giờ sáng 2/4 dịch COVID-19 trên thế giới đã ghi nhận 935.193 trường hợp mắc bệnh tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 47.192 người đã tử vong vì bệnh COVID-19.
Tại Việt Nam đến nay đã ghi nhân 222 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 63 trường hợp đã khỏi bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong.
Thuỳ Giang (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.